Mỗi năm, thế giới có khoảng 17 triệu người chết vì các bệnh tim mạch mà đa số liên quan đến xơ vữa động mạch – hậu quả của rối loạn chuyển hóa mỡ máu.

Người gầy ốm đôi khi cũng tăng lượng mỡ trong máuẢnh: VH

 

Khi lượng mỡ trong máu tăng cao sẽ lắng đọng trong thành mạch máu, gây nên chứng xơ vữa động mạch và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Không phải ai ăn thực phẩm có nhiều chất béo đều mắc chứng bệnh này. Có người cơ thể chuyển hóa tốt lượng mỡ được hấp thụ nhưng có người bị rối loạn quá trình chuyển hóa mỡ, khi đó chúng sẽ kết tụ và bám dính vào lớp trong của thành mạch máu và tạo thành mảng xơ vữa ở thành động mạch.

Mỡ máu

Thực chất thì mỡ trong máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol. Có 2 loại cholesterol – “tốt” và “xấu”. Loại tốt vì chúng có tác dụng bảo vệ thành mạch, loại xấu vì chúng gây tổn thương thành mạch. Nếu nồng độ loại xấu tăng quá nhiều hoặc loại tốt giảm xuống hoặc phối hợp cả 2 sự thay đổi này thì sẽ  gây ra các bệnh tim mạch nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, thuyên tắc mạch.

Cholesterol “xấu” được viết tắt là LDL-c. Khi lượng cholesterol này tăng nhiều trong máu, lâu dần chúng sẽ lắng đọng ở thành động mạch, thường tìm thấy ở các mạch máu của tim và của não, tạo thành mảng xơ vữa bám vào thành động mạch. Mảng xơ vữa này phát triển sẽ gây hẹp dần, sau đó gây bán tắc hoặc tắc nghẽn mạch máu hoặc có thể vỡ đột ngột, mảnh vỡ sẽ di chuyển đến một chỗ xa hơn tại đó khẩu kính mạch máu nhỏ hơn tạo nên nghẽn mạch máu cấp tính dẫn đến những tai biến nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não, thuyên tắc phổi, nhồi máu mạc treo ruột…

Nồng độ LDL-c trong máu là một trong những chỉ số xét nghiệm quan trọng luôn được các bác sĩ quan tâm, theo dõi trong chẩn đoán và điều trị; thường liên quan đến yếu tố gia đình, chế độ ăn, các thói quen có hại như hút thuốc lá, ít vận động hoặc liên quan một số bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Cholesterol “tốt” viết tắt là HDL-c. Loại này chiếm khoảng 1/3 tổng lượng cholesterol trong máu. Cholesterol tốt có vai trò vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan và lấy đi cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa. Vì thế, HDL-c giúp ích trong việc làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và hạn chế sự phát sinh các bệnh tim mạch. Loại mỡ này tăng lên sẽ có lợi cho sức khỏe.

Triglyceride, một thành phần khác của mỡ máu, có vai trò vận chuyển năng lượng từ nguồn thức ăn vào tế bào. Tăng triglyceride thường gặp ở những người béo phì, thừa cân, ít vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống nhiều rượu. Tăng triglyceride có nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch, nội tiết.

Có nhiều cách để tránh

Nên ăn nhiều rau, hoa quả, các loại ngũ cốc và chế biến thô; thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da; cá béo (nhiều dầu) ăn ít nhất 2 lần trong tuần; dùng dầu thực vật như dầu ô-liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành; uống sữa không béo.

Nên hạn chế mỡ động vật, thịt động vật có mỡ, phủ tạng động vật (gan, thận, óc, lá lách…), thịt vịt và ngỗng béo; Các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhanh, lòng đỏ trứng, bơ, phô mai béo và các loại thức ăn chế biến từ chúng. Tránh dùng dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa như dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân và các loại bơ thực vật,  sữa béo (nguyên kem).

Tập thể dục ít nhất 30 phút và đều đặn mỗi ngày. Cai thuốc lá, không uống rượu, giữ cân nặng vừa phải, đừng để dư cân hoặc béo phì.

Bệnh không chừa ai

Hiện nay, tuổi mắc bệnh mỡ trong máu có thể bắt đầu rất trẻ (sau tuổi 20). Đối với trẻ em béo phì, những người ít hoạt động là đối tượng dễ mắc bệnh. Đa số trường hợp không có biểu hiện gì rõ rệt ở giai đoạn sớm. Khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì mạch máu đã bị xơ vữa. Vì vậy, xét nghiệm máu là rất cần thiết để phát hiện sớm tình trạng rối loạn mỡ trong máu.

Nguồn: Lê Hoàng Duyên(BS Chuyên khoa 1 – Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh )/ NLĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *