60 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 20/7/1954. Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên, tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cùng với hai nước Lào và Campuchia.
Quang cảnh Hội nghị Geneva. (Nguồn: TTXVN) |
Việc ký hiệp định này là một dấu mốc quan trọng, một thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là một thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam.
Thắng lợi trên chiến trường tạo thế mạnh trên bàn hội nghị
Hội nghị Geneva về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin tháng 2/1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương. Hội nghị khai mạc vào ngày 8/5/1954 và kết thúc vào ngày 21/7/1954.
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ tháng 3/1954, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các bước thành lập đoàn đi dự hội nghị. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Geneva. Tham gia còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục tác chiến Hà Văn Lâu và nhiều chuyên viên…
Các nước đến dự Hội nghị Geneva về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương có những lợi ích, chiến lược và với những mục tiêu khác nhau. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị Geneva với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. Hiệp định Geneva được ký kết trên cơ sở lập trường cơ bản đó của Việt Nam. Thi hành các điều khoản quân sự, chính trị của Hiệp định Geneva là nhằm củng cố hòa bình, miền Bắc vừa giành được độc lập cần phải có hòa bình để xây dựng đất nước. Hòa bình phải được bảo vệ trên toàn cõi Đông Dương.
Ngày 10/5/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu đưa ra lập trường 8 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị, giải quyết đồng thời cả ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia. Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia. Quân đội nước ngoài phải rút khỏi ba nước Đông Dương là cơ sở quan trọng nhất cho chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam.
Nhớ lại những ngày tháng đấu trí khó khăn, quyết liệt trên bàn đàm phán, ông Trần Việt Phương, thành viên Đoàn Chính phủ Việt Nam tại Geneva, nguyên Thư ký riêng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chia sẻ: "Chúng tôi nhận được tin chiến thắng Điện Biên Phủ khi đã ở Geneva, chúng tôi phải đi trước để chuẩn bị cho cuộc họp. 5 giờ chiều 7/5/1954, đoàn nhận được tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Tin đến không hẹn trước nhưng đúng lúc, đã mang lại niềm xúc động rất lớn cho các anh chị em trong đoàn, không có người nào cầm được nước mắt vì sung sướng."
Bằng chất giọng trầm ấm, chậm rãi do tuổi tác nhưng vẫn toát lên khí chất mạnh mẽ như đang sống lại những thời khắc lịch sử, ông kể: "Lúc đó tôi mới 26 tuổi. Trải qua hơn 70 ngày đàm phán gay go, căng thẳng với 31 phiên họp, cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, cuối cùng các bên tham gia hội nghị, trừ Mỹ, đã thỏa thuận và ký kết được các văn bản quan trọng. Bên cạnh đó, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, làm rung chuyển nội bộ xã hội và dân tình nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp lên cao trào, tạo phân hóa trong chính giới Pháp, thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng chủ hòa trong chính giới Pháp, đặc biệt trong Quốc hội Pháp."
Trên thực tế, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với những thắng lợi quân sự trên khắp chiến trường Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo thế vững vàng để đoàn Việt Nam bước vào Hội nghị Geneva với thế thắng, thế mạnh…, ông Trần Việt Phương xúc động nói.
Thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam
Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, cùng với Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán tiếp theo tại Hiệp định Paris và những bài học mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập.
Sự kiện này được coi là một dấu mốc chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững mạnh cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc sau này.
Hiệp định là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn định giới hạn Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia trong khuôn khổ một hiệp định ngừng bắn đơn thuần. Về mặt chính trị và pháp lý, các nước tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hiệp định Geneva đã ghi nhận thắng lợi to lớn có tính bước ngoặt của cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của dân tộc. Nó xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của một đế quốc hùng mạnh, đánh dấu sự mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên quy mô toàn cầu, góp phần quan trọng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc thuộc địa.
Bên cạnh đó, hiệp định là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đàm phán quốc tế đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tạo nên một cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh sau này, đặc biệt là trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam.
Mặc dù 60 năm đã qua đi, nhưng ký ức xưa vẫn mãi mãi khắc ghi trong tâm khảm của những nhân chứng lịch sử.
Ông Lê Danh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cán bộ phục vụ đoàn đàm phán cho biết chiến thắng Điện Biên Phủ khi đàm phán Hiệp định Geneva đã đẩy phái đoàn Việt Nam Cộng hòa rời khỏi Geneva.
Lúc đầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cao giọng: “Muốn hòa bình phải chia cắt đất nước từ tỉnh Thanh Hóa.” Chính chiến thắng Điện Biên Phủ đã mang lại sự thắng lợi to lớn của phái đoàn ta trong Hiệp định Geneva.
Trong bối cảnh Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu sự tác động các nước lớn với những mục tiêu và lợi ích khác nhau, song chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán, nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi. Lợi ích cao nhất của chúng ta lúc đó tại Hội nghị Geneva là buộc đối phương phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chúng ta đã đạt được.
Những ngày này, ký ức về Hiệp định Geneva 60 năm về trước một lần nữa lại ùa về và bừng lên nguyên vẹn trong ký ức của ông Lê Danh, cán bộ phục vụ đoàn đàm phán. Trong ngôi nhà thanh bạch tại một con phố nhỏ của Hà Nội, ông kể: "Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng, phái đoàn Việt Nam cùng nhau đọc tin tức thế giới để phân tích tình hình. Từ đó chúng tôi nhận định, các nước Mỹ, Pháp cần phải chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, chính điều đó đã tạo ra khí thế cho đoàn Việt Nam trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, thắng lợi từ chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên một cú hích lớn, góp phần quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán Geneva 1954."
Việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh quân sự, chính trị và sức mạnh ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp và thế chủ động trên bàn đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Geneva./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)