Hội Trám có lẽ là lễ hội duy nhất mang đậm màu sắc phồn thực, đề cao tính dục của người dân đồng bằng Bắc bộ, nơi vốn mang đậm tín ngưỡng của nền văn hóa lúa nước, với những lễ đầu xuân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Hội Trám được người dân xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ bảo tồn từ bao đời nay với đặc trưng riêng của mình. Trước kia, hội Trám hay trò Trám đã có lúc bị gián đoạn vì chiến tranh nhưng đã được người dân nơi đây “tìm lại” từ năm 1993.
Năm nay là năm chẵn, vì thế mà hội Trám tổ chức to hơn, thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn |
Theo phong tục, trong đêm lễ mật vào đúng 24h đêm ngày 11 tháng giêng Âm lịch, cụ từ sẽ mang hai linh vật của hội Trám (được cất kỹ trong hòm gỗ) là nõ và nường, được làm bằng gốc tre già, tượng trưng cho việc sinh sản của con người, giao cho đôi vợ chồng đã được làng chọn lựa thực hiện nghi lễ trang trọng nhất của lễ hội.
Theo tiếng hô của cụ từ “Linh tinh tình phộc” ba lần, thì đôi vợ chồng nọ cũng phải ba lần đâm hai linh vật vào nhau sao cho vừa khít, không được phép trượt, vang lên những tiếng “phộc” đầy hình tượng. Năm nào mà tiếng kêu vang to, nghi lễ thực hiện không lần nào bị trượt thì năm đó, làng sẽ làm ăn phát đạt, con cháu đề huề…
Theo tục lễ xa xưa, sau khi làm lễ mật, trai gái trong làng được tự do “tháo khoán” với nhau, không bị ngăn cấm để có thể tìm cho mình một người bạn tình trăm năm (trong xã Tứ Xã hiện vẫn còn những cụ được sinh ra trong những đêm “tháo khoán” rộn ràng này) nhưng giờ đây, tục lệ này đã không còn phù hợp với xã hội, đành rằng trong đêm này, các cụ cũng không cấm con cháu tìm hiểu lẫn nhau.
Theo Dân trí