1/ Vòng hái – lưỡi hái – liềm

Vòng hái là “Cái vòng bằng cây có thể tra lưỡi hái (Huỳnh Tịnh Paulus Của, 1895 : 398).

Gồm hai bộ phận : phần vòng là một đoạn cây, loại cây nhẹ như cây còng, cây mù u, cây quao… dài khoảng 50 cm, có móc dài 55 cm, tạo với đoạn cây một góc 45 độ. Phần móc ở bên phải, trên thân có khoét rãnh để tra lưỡi. Lưỡi hái là một đoạn sắt uốn cong, phần lưỡi dài 20 cm, đầu bằng, phần chuôi dài có móc tra vào thân vòng. Khi gắn vào, lưỡi vuông góc với mặt phẳng tạo bởi thân và móc. Lưỡi hái gồm phần cán ngắn và phần lưỡi tương tự như lưỡi của vòng hái. Liềm gồm phần lưỡi bằng sắt có hình vành trăng khuyết, dài khoảng 25 cm và cán bằng gỗ, dài khoảng 10 cm. Mặt trên lưỡi sắt của vòng hái, lưỡi hái và liềm đều có “cắt chấu” hay “cắt chơn chấu”, tức “vật cắt cho có khía có răng, giống cái chơn con châu chấu” (Huỳnh Tịnh Paulus Của, 1895 : 128).

Giống như nhiều nơi khác ở ĐBSCL, ở Vĩnh Long, vòng hái, lưỡi hái và liềm đã đóng những vai trò khác nhau trong lịch sử. Ở đây, sự thay đổi về đối tượng thu hoạch dẫn đến sự thay đổi về nông cụ và kỹ thuật thu hoạch. Khi dùng vòng hái, nông dân nói là gặt – đi gặt, nhưng khi dùng lưỡi hái hay liềm thì họ gọi là cắt – đi cắt và giữa những khác biệt có vẻ giản dị này là cả một quá trình mấy trăm năm trồng lúa ở địa phương. Vòng hái chỉ phù hợp với việc gặt lúa mùa, thân cao. Khi điều kiện đất đai, yêu cầu lương thực thay đổi, phần lớn nông dân chuyển sang trồng loại lúa ngắn ngày, lúa “ba trăng” thân thấp, bụi nhỏ, thì cái móc ở vòng hái trở nên quá lớn, không giữ được bụi lúa để cắt. Phần vòng và móc trở nên thừa, nông dân chỉ cần sử dụng phần lưỡi hái, trong đó có chuôi được tạo thành cán với kỹ thuật thu hoạch đơn giản hơn.

Để gặt lúa bằng vòng hái, người gặt phải tiến hành một loạt động tác phức tạp. Nếu thuận tay phải, người gặt cầm vòng hái bên tay phải, móc hướng ra ngoài, lưỡi hái hướng xuống đất, dùng móc quơ khoảng ba bốn bụi lúa, đồng thời xoay vòng hái 180 độ từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ, gom xiết mớ lúa ở góc nhọn của vòng. Kế đó, dùng tay trái nắm lấy mớ lúa, nắm tay úp xuống, đồng thời tay phải đẩy vòng hái lên phía trước và xoay nhanh 180 độ ngược lại, nghĩa là trở lại vị trí ban đầu rồi kéo mạnh vòng hái ra phía sau, lưỡi hái sẽ cắt đứt nắm lúa với một đoạn rơm dài khoảng 50 – 60 cm. Cắt ba, bốn lần như vậy được một “nắm hở” (nắm hở tay). Ba nắm hở thì dùng một đoạn thân lúa dài bó lại thành một bó rồi bẻ cò, nghĩa là bẻ bụi rạ ở giữa, kéo cong những bụi rạ khác vào thành hình như cái nơm rồi để bó lúa lên cho khỏi ướt. Cắt 10 bó lúa như thế sẽ được một giạ (40 lít). Nhưng cũng có người gặt 5 tay lúa, giữ lúa ở phần cánh tay và ngón tay rồi mới bó lại thành một bó, tạo bó lúa rất lớn. Ba bó như vậy được một giạ – “Chắc ăn ba bó một giạ”.

Cắt lúa bằng liềm và lưỡi hái thực hiện đơn giản hơn : tay trái cầm từng bụi lúa, tay phải cầm lưỡi hái hay liềm cắt. Lúa cắt xong xếp thành hàng dài dưới ruộng chứ không cần bó lại nữa. Cái lưỡi hái dùng cắt lúa chân ruộng còn ướt, rồi sau đó, lưỡi liềm xuất hiện khi mặt ruộng đất khô, đánh dấu việc ra đời với ruộng hai vụ và lúa ngắn ngày.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, liềm mới chỉ được ghi nhận là “đồ dùng mà cắt cỏ, làm cỏ. Đồ dùng mà cắt cỏ thì là một lưỡi sắt đánh cong cong, đồ dùng mà giẫy cỏ thì là một cái lưỡi sắt” (Huỳnh Tịnh Paulus Của, 1895 : 565). Có nhiều khả năng lưỡi hái và liềm chỉ xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX.

Dụng cụ gặt lúa của người Việt Bắc bộ là cái hái (Nguyễn Việt, 1980 : 29), người Việt và người Nguồn ở Quảng Bình là cái vằng (Trịnh Sinh 1978 : 75 – 76), người Khmer ở ĐBSCL là cái càn điêu (Lê Văn Hòa, 1978 : 45), người Chăm ở Bình Thuận – Ninh Thuận là cái wăng (Tự điển Chăm – Việt – Pháp, 1971 : 142). Những dụng cụ để gặt lúa này đều có phần thân và phần móc để quơ lúa, có những điểm giống và khác nhau. Điều cần lưu ý là vòng hái của người Việt ở ĐBSCL lại giống dụng cụ cắt lúa của một số dân tôc ở biên giới phía Bắc và người Choang ở khu tự trị Quảng Tây – Trung Quốc. Có nhiều khả năng người Việt ở ĐBSCL tiếp thu dụng cụ gặt lúa này và gọi là vòng hái.

2/ Đòn xóc

Khi gặt xong, những nông dân ruộng ít, không có trâu thường phải dùng đòn xóc gánh lúa từ ruộng về nhà. Đòn xóc làm bằng gỗ hoặc tre, dài khoảng 2,1 mét, rộng 0,07 mét, hai đầu nhọn, có mặt cắt hình tam giác. Đòn xóc có dáng như chiếc thuyền nhưng ở khoảng giữa – chỗ đặt lên vai – được tạo mặt phẳng để khỏi đau vai khi gánh. Thường mỗi lần, người ta gánh hai bó lúa hoặc 4 bó tùy theo sức mạnh, yếu.   

 

TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *