Cũng cần nói qua về con trâu, yếu tố “kỹ thuật sống” truyền thống với vai trò sức kéo gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Là giống vật ưa nước và giỏi lội lầy, con trâu đã trở thành sức kéo chủ yếu trên ruộng nước trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam các thế kỷ trước và do đó, người Việt ở Vĩnh Long cũng như người Việt ở một vài nơi khác đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc sử dụng và nuôi nấng trâu cày. Nông dân Vĩnh Long chia trâu ra làm ba chạng : loại chạng một, chạng hai và chạng ba. Nông dân rất thích sử dụng trâu chạng một hay chạng hai, loại chạng ba chỉ to hơn bò ta một ít nên sức kéo yếu. Chạng một chạng hai là loại trâu lớn con nhưng phải “liền lạc”, nghĩa là có thân hình nở nang cân đối, phải “vai đôi, đít đôi” nhưng phải “mình ống” (thân tròn đều) mới lẹ trâu chứ nếu lớn con mà “bụng bồ đài” (bụng phình to ở giữa, túm hai đầu) thì trâu sẽ chậm chạp hoặc “cổ lãi” (cổ dài), trâu sẽ yếu, không bền. Hoặc chọn trâu có sừng mướt, đen bóng, lỗ tai sát sừng là loại trâu khỏe, trâu sung chứ không chọn trâu có sừng khô, nổi mốc là loại trâu yếu, bệnh hoạn. Ngoài ra, nông dân cũng có kinh nghiệm xem đuôi trâu, xem chân, xem móng và xem xoáy trâu để biết trâu dữ hay hiền, làm giỏi hay làm dở… Chẳng hạn, đuôi trâu phải dài, chùm lông đuôi nhiều, phần bắp chân thắt “móng sò” chứ không dài như “móng hài” và có 5 hay 6 xoáy (một xoáy ở đầu, hai ở vai và hai đuôi; hoặc hai xoáy ở đầu, hai ở vai và hai ở đùi) là loại trâu khỏe, tốt, lội lầy giỏi. Trâu có xoáy tam tinh là rất dữ, hay chém chủ. Đáng chú ý là từ đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã đề cập đến vấn đề này trongGia Định thành thông chí. Ruộng cỏ : ruộng này năn lác bùn lầy, lúc nắng khô nứt nẻ như mu rùa, có nhiều trũng thấp hố sâu, phải chờ mưa xuống, đủ nước thấm nhuận rồi mới cày bừa, mà trâu cày phải lựa con có sức mạnh, móng chân cao mới kéo cày nổi, nếu không thì sa lầy không rút chân được (Trịnh Hoài Đức, 1972 : 30).
Cũng nên bàn qua cách đo diện tích ruộng hết sức tương đối của người nông dân ở Vĩnh Long ngày trước. Để phát cỏ, cấy hay cày đất, nông dân dùng cây tầm để đo ruộng. Cây tầm dài 2,7 mét, 2,8 mét hoặc 3 mét, nhưng tại sao có độ dài cây tầm như vậy thì được nông dân giải thích như sau : Ở huyện Long Hồ, nông dân cho biết là cây tầm dài 7 hắt (đo từ cùi chỏ đến đầu ngón tay, khoảng 0,4 mét), tức khoảng 2,8 mét. Ở huyện Tam Bình, có nông dân cho biết là cây tầm dài 3 mét là cây tầm trâu, tức đo từ mũi trâu đến cuối đuôi trâu. Nông dân ở huyện Cần Đước tỉnh Long An có cách tính cây tầm cũng hết sức lý thú. Một tầm được tính như sau : vói một vói (một người đứng thẳng đưa hai tay lên, tính từ chân đến đầu ngón tay, khoảng 2 mét), hắt một hắt (đo từ cùi chỏ đến đầu ngón tay, khoảng 0,4 mét), gang một gang (khoảng 0,2 mét), nóc một nóc (đo thêm một gang nữa), tổng cộng khoảng 2,8 mét. Một công đất phát, cấy, cày ở đây được tính 10×10 tầm, tức (2,8 mét x 10) (2,8 mét x 10) = 784 mét vuông (Đặng Văn Thắng, 1988 : 126). Trong khi đó, một công đất ở Vĩnh Long chỉ một số nơi tính 10×10 tầm, còn thường thì lại tính 12×12 tầm, tức (2,8 mét x 12) (2,8 mét x 12) = 1128,96 mét vuông. Cách tính công bằng tầm gọi là công ta, và như vậy, công ta ở Vĩnh Long lớn hơn một công hiện nay đang dùng (công tây), tức 1.000 mét vuông. Điều cần lưu ý thêm là công ruộng không chính xác với số đo như vậy, mà còn tùy vào mỗi cạnh khi đo diện tích cho một công đất. Nông dân có cách đo ruộng mức tương đối như sau :
Mỗi cạnh đo bằng tầm (2,8 mét) Một công (mét vuông)
12 x 12 1128,96
11 x 13 1121,12
10 x 14 1097,6
9 x 16 1128,96
8 x 18 1152,48
7 x 21 1128,96
6 x 24 1097,6
Với quy ước của nông dân về cách đo ruộng, nhưng đã có 4 lần một công đất có diện tích bằng nhau : một công đất vuông 12×12 tầm, công có 9×16 tầm, có 8×18 tầm và có 6×24 tầm đều là 1128,96 mét vuông. Nhưng nếu một cạnh công ruộng có số đo lẻ, tức 5,5 tầm, 6,5 tầm… thì cạnh kia lại bị bớt đi nửa tầm và như vậy có một số đo công khác nữa.
Mỗi cạnh đo bằng tầm (2,8 mét) Một công (mét vuông)
11,5 x 12,5 1127
10,5 x 13 111,32
9,5 x 15,5 1154,44
8,5 x 17,5 1166,2
7,5 x 20,5 1205,4
6,5 x 23,5 1197,56
5,5 x 27,5 1185,8
Chỉ với một cây tầm dài 2,8 mét, diện tích một công đã đo không chính xác. Nếu sử dụng tầm 2,7 mét hoặc 3 mét thì sự sai biệt một công càng lớn hơn.
Đông qua |
Sau cùng cũng nên nhắc qua về các “thổ sản” ở tỉnh Vĩnh Long. Trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt có đề cập đến các giống lúa được trồng ở Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX như : tảo túc, y đông túc, điểu trảo túc (lúa móng chim), hương biều nọa (nếp bầu hương), lạp nọa, thán nọa (nếp than). Bên cạnh đó còn có hoàng thúc (bắp vàng), bạch thúc (bắp nếp), chima (mè), hắc ma (mè vừng đen), hoàng lương (hột kê vàng), ý dĩ (hột bo bo). Ngoài ra, trong danh sách này còn giới thiệu nhiều loại cây trồng khác ở Vĩnh Long như 8 loại đậu : hoàng đậu (đậu nành), hắc đậu (đậu đen), biển đậu (đậu ván), trợ đậu (đậu đũa)… 11 loại khoai : cam vu (khoai ngọt), lạp vu (khoai sáp), thự dự (khoai mài), phiên thự (khoai lang)… 9 loại dưa : đông qua (bí đao), tây qua (dưa hấu), hoàng qua (bí ngô), khổ qua (mướp đắng)… 6 loại rau : khương (gừng), thông (hành), giới (củ kiệu), la bắt (củ cải), mục túc (rau muống), phù (trầu); 20 loại quả : ba la mật (mít), phạt đầu lê (mãng cầu), dương đào (khế), da (dưa), mông (xoài), ba tiêu (chuối)… (Đại Nam nhất thống chí, 1973 : 69 – 71). Những lão nông hiện nay còn nhớ những giống lúa như lúa tàu hương, lúa ba túc, lúa cuốn trầu, lúa gãy xe, lúa đen, lúa hủng hỉnh, lúa trắng tép, lúa ba chục, lúa nàng hương, nàng phệt, nàng điều, lúa huyết rồng. Nếp thì có nếp than, nếp lem, nếp dàn bầu, nếp ruồi, nếp nường, nếp mắc cưỡi, nếp điều…
Trên cơ sở chức năng sử dụng, có thể chia nông cụ ở Vĩnh Long ra thành hai nhóm chính : nông cụ làm đất, gieo cấy và nông cụ thu hoạch.
TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long