Người dân sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực một phần đầu tiên trong năm. 18h38 sẽ là thời điểm che lấp cực đại của nguyệt thực.
Nguyệt thực một phần chụp ngày 16/8/2008 tại Italia. Ảnh: Space.com. |
Trong lần nguyệt thực một phần này, bóng trái đất sẽ che phủ khoảng 54% bề mặt Mặt trăng. Đây là một phần của chu kỳ Saros mặt trăng, lặp lại trong khoảng thời gian 18 năm 10 ngày. Lần nguyệt thực tương tự xảy ra gần nhất vào ngày 15/6/1992 và lần tương tự kế tiếp của chu kỳ sẽ xảy ra ngày 6/6/2028.
Thời điểm diễn ra nguyệt thực lần này là khi mặt trăng ở chòm sao Nhân Mã. Người dân ở phần lớn châu Á, Thái Bình Dương, châu Mỹ sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Người dân châu Á quan sát được hiện tượng trong khoảng thời gian mặt trăng mọc, trong khi người dân ở châu Mỹ sẽ quan sát được hiện tượng khi mặt trăng lặn.
Mô phỏng diễn biến của nguyệt thực. Ảnh: CLB Thiên văn nghiệp dư TP HCM chuyển ngữ. |
Mặt trăng bắt đầu đi vào vùng bóng nửa tối của trái đất (nguyệt thực vùng nửa tối) lúc 15h55 (giờ Hà Nội), đi vào vùng bóng tối của trái đất (nguyệt thực một phần) lúc 17h16; thời điểm che lấp cực đại sẽ diễn ra lúc 18h38; mặt trăng đi ra khỏi bóng tối của trái đất (kết thúc nguyệt thực một phần) lúc 20h và đi ra khỏi vùng bóng nửa tối (kết thúc nguyệt thực vùng nửa tối) lúc 21h21.
Nguyệt thực một phần xảy ra ngày 26/6 là nguyệt thực đầu tiên trong năm 2010. Lần nguyệt thực tiếp theo là nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra vào ngày 21/12 tới.
Theo VnExpress