Về thăm lại những hộ gia đình nghèo ở xã Bình Phước, huyện Mang Thít, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều vất vả. Quanh năm dãi dầu mưa nắng, lam lũ nhọc nhằn bên những ruộng lúa, líp rau, nhiều hộ gia đình vẫn chưa có được một công việc ổn định, một mái nhà vững chắc để yên tâm làm lụng, lo cho tương lai.

Từ khi bán chiếc ghe nhỏ để lên bờ tìm kế mưu sinh, vợ chồng chị Võ Thị Kim Cúc ở ấp Phước Thượng đi làm thuê cho các lò gạch để có tiền trang trải trong gia đình. Hơn mười năm qua, phần vì công việc không ổn định, phần vì thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của cả nhà luôn khó khăn, chật vật. Ghé thăm nhà anh chị, chương trình chuyến xe nhân ái mới thấu hiểu hết bao nỗi vất vả mà gia đình đã phải trải qua khi nơi trú ngụ của cả 5 thành viên chỉ là mái nhà nhỏ xác xơ, tạm bợ.

Vợ chồng chị Cúc đi phụ việc cho lò gạch, thu nhập bấp bênh

Cha mẹ đi làm xa, 3 đứa con của anh chị phải thường xuyên ở nhà một mình. Mới 15 tuổi đầu, bé Tuyền – con gái lớn – đã biết quán xuyến nhà cửa và lo lắng cho em, thương cha mẹ quần quật suốt ngày mà thu nhập vẫn không đủ lo nên Tuyền đã nghỉ học ở nhà để 2 đứa em được nối dài con đường học tập. Không phụ tấm lòng mong mỏi của mẹ cha, 2 đứa con trai của anh chị vẫn luôn cố gắng học tập với hi vọng mở ra một tương lai tươi sáng cho cả nhà…

Rời gia đình chị Cúc, chương trình chuyến xe nhân ái đến ấp Phước Lộc B thăm gia đình chị Nguyễn Thanh Thủy. Căn nhà do chính quyền địa phương và bà con gom góp xây cất cho gia đình từ nhiều năm nay đã xuống cấp. Nền gạch sụp lún, vách tôn cũ kĩ, ngả nghiêng, các vật dụng trong nhà không còn gọn gàng ngăn nắp bởi từ khi chị Thủy phát bệnh tâm thần đến nay thì gia đình cũng thiếu đi bàn tay chăm lo, vun vén. Và cũng từ đó, gia đình phải sống qua những ngày cơm rau đạm bạc bởi thu nhập từ công việc hàn cửa sắt thuê của anh Phương – chồng chị – không đủ để xoay sở các chi phí thuốc men và việc học của con. Những khi trời mưa gió, mái nhà dột xiêu chẳng thể chở che, cả nhà phải sang ở nhờ nhà ngoại. Tạm bợ, bấp bênh là vậy nhưng anh chị nào dám ước mong mái nhà nhỏ này được thay thế bằng một ngôi nhà vững chắc để cuộc sống bớt đi phần vất vả….

Giữa cảnh sống khó nghèo, ý chí vượt khó và tình yêu thương gia đình vẫn luôn là động lực để bà con vượt lên mọi trở ngại, khó khăn. Ra riêng với khoảnh đất nhỏ cất tạm mái nhà để có chỗ nương thân, anh Huỳnh Thanh Vũ ở ấp Phước Trinh A vẫn luôn nghĩ rằng, nếu như bản thân cố gắng chăm chỉ làm lụng thì tương lai mai này sẽ đổi khác. Thế nhưng bao nhiêu năm phấn đấu, cái nghèo cái khó vẫn đeo đẳng gia đình. Nghề phụ hồ thu nhập bấp bênh, những khi không có việc, anh trồng thêm vài líp rau trước nhà để lo miếng cơm manh áo và duy trì việc học cho con trai. Không thể để chồng một mình bươn chải khi cảnh nhà lâm túng thiếu, chị Bé Hai dẫu đang mang nhiều bệnh tật trong người vẫn cố gắng chắt chiu nuôi thêm bầy gà, đàn vịt để lấy công làm lời. Một mùa mưa nữa lại về, trong lòng anh chị lại trăn trở nhiều nỗi lo, không biết căn nhà đã từng một lần đổ sập này có chống chọi nổi qua mùa mưa gió?

Ở ấp Phước Lợi, hoàn cảnh gia đình chị Lê Thị Phượng đang cần đến sự sẻ chia, giúp sức của cộng đồng. Cách đây 3 năm, chồng chị bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, vậy là bao nhiêu vốn liếng mà trước đây 2 vợ chồng dành dụm để sửa nhà và lo cho con ăn học đều được dồn hết để chạy chữa duy trì sự sống cho anh. Mấy năm qua, nhờ bà con hàng xóm thương tình thuê mướn, chị Phượng mới có được thu nhập để trang trải trong gia đình. Lặng lẽ gánh gồng sau biến cố không may, nỗi trăn lớn nhất của chị giờ đây là 2 con phải dở dang chuyện học.

Chị Phượng gồng gánh gia đình bằng những công việc làm thuê theo mùa vụ

Trải qua cơn thập tử nhất sinh, tuy trí óc không còn nhanh nhạy, những cơn co giật có thể kéo đến bất cứ lúc nào nhưng tình yêu thương gia đình vẫn luôn là động lực thôi thúc anh Liêm ngày ngày bước thấp bước cao đi bán từng tờ vé số. Ngụp lặn trong cảnh sống khó nghèo, cuộc sống gia đình vẫn còn đó bao nỗi lo nhất là khi căn nhà nay đã rạn nứt, rệu rã theo thời gian mà gia đình thì không còn khả năng xây sửa.

Có được một mái nhà lành lặn vững chắc để ổn định cuộc sống cũng là niềm mong mỏi thiết tha của vợ chồng anh Lê Hoàng Vũ. Cha mẹ nghèo nên từ lúc ra riêng, anh chị chỉ có thể cất tạm một mái nhà nhỏ để có nơi che mưa che nắng, vậy rồi suốt 5 năm qua, vì phải chật vật với manh áo chén cơm nên ước mơ sửa sang căn nhà phải đành gác lại. Bị bệnh suyễn từ nhỏ, sức khỏe của anh Vũ không được như bao người nhưng mỗi ngày anh vẫn cố gắng đi nhận đất thùng, còn vợ đi làm thuê cho lò gạch. Cố gắng thật nhiều để vun đắp tương lai, đến nay gia đình vẫn chưa tìm ra một hướng đi khởi sắc nhưng chính tinh thần chịu thương chịu khó của vợ chồng anh suốt bao năm qua đã nhận được sự cảm thông và cưu mang của bà con chòm xóm.

Anh Vũ đi nhận đất thùng

Trước đây, với công việc bốc vác thuê cho nhà máy, anh Nguyễn Thái Bình ở ấp Phước Lộc A vẫn có thể chắt chiu, gói ghém để lo được cho gia đình mình 2 bữa cơm đạm bạc, nhưng rồi kể từ khi cột sống bị tổn thương, không thể cáng đáng nổi việc nặng, anh phải chuyển qua nghề phụ hồ để mưu sinh. Trời nắng còn có người thuê mướn, còn những ngày mưa dầm, anh không thể đi làm để có thu nhập lo cho gia đình. Vừa ở nhà giữ con, chị Hương vừa tranh thủ nhận hạt điều về làm thêm, thế nhưng thu nhập từ công việc này chưa thể trang trải hết những thiếu hụt của gia đình. Gánh nặng cơm áo từng ngày oằn nặng, nỗi lo căn nhà xiêu vẹo suốt 6 năm chưa thể sửa sang càng khiến lòng anh chị xót xa. Giá như gia đình có được một mái ấm vững vàng, thì có lẽ anh chị và 2 đứa con sẽ có thêm nhiều động lực và niềm tin để bước qua khó khăn, vươn lên trên chặng đường tương lai phía trước…

Huyền Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *