Có những hành vi xấu khi lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen và chúng ảnh hưởng đến sức khỏe, năng lực học tập của bé sau này. Vì thế, nếu được, hãy ngăn chặn ngay từ đầu…

Thói xấu do bé… sáng tác

Trong quá trình phát triển, đến tuổi biết bò, biết đi, bé khám phá thế giới xung quanh bằng cách nhìn, sờ, nếm… Vì thế, việc cho tay lên miệng cũng là cách học hỏi, chưa kể còn nhiều nguyên nhân khiến bé đưa tay lên mút như: cảm thấy cô đơn, khát sữa, muốn ngủ… Mút tay quen rồi khó bỏ. Mút tay là một trong những thói quen xấu vì đưa vi trùng vào người. Có bé lại thích se tóc, dùng tay se tóc để ngủ; se tóc mình không đủ, bé còn se cả tóc mẹ. Có bé lại thích ngậm gối hoặc se áo gối; không có gối ghiền, mền ghiền… thì không ngủ được.

Theo BS Đinh Tấn Phương – BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, ngậm mút tay là thói quen khó bỏ nên cần tập cho bé bỏ từ từ bằng cách nói cho bé biết ngậm tay rất dơ, nếu bé không ngậm sẽ thưởng quà. Không nên hăm dọa hoặc can thiệp thô bạo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bé.

Nhiều gia đình dạy bé nhận thức về vệ sinh rất tốt, từ nhỏ, mỗi lần bé đụng vào vật dụng dơ là kêu… ẹ, đến hai tuổi bé đã có thói quen rửa tay. BS Đinh Tấn Phương nhắc nhở: “Rửa tay là thói quen tốt, cần tập luyện cho bé càng sớm càng tốt, để phòng tránh các bệnh lây qua đường tiêu hóa như viêm não, tay chân miệng, đường ruột…”.

Thói quen do phụ huynh “luyện”

Khi bước vào tuổi ăn dặm, không ít bà mẹ vừa đút cơm vừa đút nước để bé nuốt nhanh. Theo BS Đào Thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM: “Đó là cách cho ăn không khoa học. Nếu ngày nào cũng ăn theo kiểu vừa ăn vừa chiêu nước thì không tập được phản xạ nhai nuốt cho bé vì trẻ chỉ nuốt chửng thức ăn. Bé không cảm nhận được mùi vị thức ăn, hệ tiêu hóa sẽ không tiết ra men để tiêu hóa thức ăn. Lâu ngày sẽ khiến trẻ mất cảm giác ngon miệng và biếng ăn”.

Vừa ăn vừa chơi là thói quen mà hầu hết người mẹ mắc phải vì đút bé ăn dễ dàng. Các bữa ăn của bé thường có đồ chơi hoặc xem ti vi… vì vậy, khi bé ăn chỉ tập trung cao độ vào đồ chơi và há miệng rất máy móc. Khi không còn gì mới mẻ bé sẽ trở nên biếng ăn. Do đó, cần cho bé ăn chung với gia đình càng sớm càng tốt, chính không khí này đánh thức “tâm hồn ăn uống”, bé cảm nhận được vị ngon của thức ăn và ăn đúng nhu cầu cơ thể.

Chuyện “thải” ra của bé cũng cần tập luyện, vì nếu để bé “làm chủ” bé sẽ có nhu cầu thải bất kỳ giờ nào. Cần xi bé đúng giờ, tốt nhất là buổi sáng hoặc sau khi ngủ dậy để bé quen nết. Khi biết ngồi thì cho ngồi bô, vừa ngồi vừa xi, dần dần bé sẽ lập được thói quen.

Răng sữa rồi sẽ được thay răng vĩnh viễn, nghĩ thế nên nhiều phụ huynh không quan tâm chăm sóc răng cho bé. Nhưng những thói quen mút tay hoặc bú bình đến sáu-bảy tuổi sẽ làm hư răng sữa khiến răng vĩnh viễn bị xô lệch. Do đó, ngay từ khi còn bé nên tập cho bé súc miệng, trên một tuổi tập cho bé chải răng với kem đánh răng. Tốt nhất là cả nhà cùng chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Chỉ cần quen với sự sạch sẽ của khoang miệng, đến khoảng bảy-tám tuổi, chải răng trở thành thói quen, bé sẽ tự động giữ vệ sinh răng miệng mà không cần nhắc nhở.

Theo PNOL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *