Các nhà nghiên cứu ở Nhật đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện một nhóm hải sâm có tên khoa học là Chromodoris reticulata luôn đứt lìa dương vật sau giao phối, rồi mọc một “cậu nhỏ” mới chỉ vài giờ đồng hồ sau đó.

Bernard Picton, chuyên gia động vật biển không xương sống thuộc Bảo tàng quốc gia Bắc Ireland, cho hay: “Tôi chưa từng thấy thứ gì như thế này”.

Loài hải sâm đứt bỏ dương vật sau một lần giao phối

Các nhà khoa học đã biết, hải sâm là động vật lưỡng tính. Chúng sở hữu cả cơ quan sinh dục đực và cái, giúp chúng có thể thực hiện cùng lúc vai trò hiến tặng tinh trùng của giống đực và vai trò đón nhận tinh trùng của giống cái.

Tuy nhiên, khám phá về khả năng rụng rồi tái mọc “cậu nhỏ” ở hải sâm đã khiến các nhà khoa học sửng sốt.

Nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Thành phố Osaka và Đại học Nihon (Tokyo) đã tiến hành lặn để thu thập các mẫu hải sâm từ những rạn san hô cạn ngoài khơi bờ biển gần Okinawa. Họ đặt các con hải sâm thành cặp trong bể nuôi và quan sát chúng giao phối.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, những con hải sâm đã giao phối không thể lặp lại “chuyện ấy” trong vòng 24 giờ đồng hồ. Khi quan sát kỹ lưỡng hơn, họ phát hiện, sau khi ân ái, các sinh vật này tách rời khỏi bạn tình, rồi bò đi nơi khác với dương vật lủng lẳng phía sau. Khoảng 20 phút sau đó, “cậu nhỏ” đã qua sử dụng này sẽ đứt lìa khỏi thân chủ.

Quá trình giải phẫu sinh vật tiết lộ, một đường xoắn ốc cuộn chặt bên trong cơ thể của hải sâm sẽ biến mất ở những cá thể vừa giao phối.

Ayami Sekizawa, người đứng đầu nghiên cứu, nói: “Chúng tôi nhận định, đường xoắn ốc này đóng vai trò như một dương vật dự trữ, sẽ duỗi thẳng ra nhanh chóng sau khi ‘cậu nhỏ’ ban đầu bị đứt lìa và phát triển thành một dương vật mới”.

Hải sâm là động vật lưỡng tính, vừa có thể phóng tinh, vừa có thể thụ tinh cùng lúc

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác tại sao hải sâm lại có khả năng này, mặc dù việc dương vật bị thải loại có các gai ngạnh hướng về phía sau khiến họ nghĩ rằng, chúng có chức năng loại bỏ tinh trùng của đối thủ còn sót lại bên trong cơ thể bạn tình sau những lần giao phối trước đó.

Nils Anthes, một nhà sinh thái học tiến hóa đến từ Đại học Tubingen (Đức), nhận định, hải sâm vứt bỏ “cậu nhỏ” sau một lần giao phối có thể nhằm bảo đảm việc “kết đôi sạch” cho lần tiếp theo.

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *