Vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã hình thành các tổ chức yêu nước với nhiều màu sắc khác nhau : phong trào Thiên địa hội của cụ Nguyễn An Ninh, phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu, phong trào Duy tân của cụ Phan Chu Trinh… Nhân dân Tam Bình đã tích cực hưởng ứng các phong trào yêu nước đó. Khi Đảng Cộng sản được thành lập thì nhân dân Tam Bình một lòng theo Đảng. Có những gia đình cả nhà đều tham gia cách mạng, trong đó có gia đình ông Lý Trung Chánh.
Ông Lý Trung Chánh, tên thường dùng Thợ Chánh, tên khi bị bắt – ở tù là Nguyễn Văn Quý.
Ông sinh năm 1868, tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cha mẹ mất sớm, ông được chị gái nuôi dưỡng. Năm 15 tuổi (1883), ông học nghề thợ bạc. Năm 20 tuổi (1888) học thành nghề, đi làm kiếm sống tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, ông lập gia đình với bà Võ Thị Nhiều, quê xã Mỹ Thạnh Trung (nay là xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Từ đó, huyện Tam Bình trở thành quê hương thứ hai của ông.
Ông là thợ giỏi, làm ăn ngày càng khấm khá. Những năm sau trở thành tiểu chủ, có một tiệm vàng tại thị trấn Tam Bình do ông và các con trai quản lý.
Cách thị trấn Tam Bình khoảng hai cây số, ông bà có 2 héc-ta ruộng vườn do bà và các con gái canh tác.
Sinh ra và lớn lên dưới thời thuộc Pháp, ông đã chứng kiến bao cảnh đau thương tang tóc do thực dân Pháp gây ra cho đất nước, đồng bào. Và khi trưởng thành, ông được sống nơi quê hương Tam Bình – một trong những chiếc nôi cách mạng của tỉnh Vĩnh Long, nên ông sớm nung nấu lòng yêu nước, chí căm thù giặc.
Tính ông cương trực, phóng khoáng, thương người nghèo, ghét bọn tham quan ô lại và bọn cường hào ức hiếp nhân dân.
Ông kết bạn rất thân với những người cùng chí hướng trong phong trào Đông du lúc bấy giờ như ông Nguyễn Ngươn Hanh (xã Trinh), xã Vĩnh Xuân – huyện Cầu Kè – tỉnh Cần Thơ, nay là huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long; ông Trần Phước Định (hương bộ Định) ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình là những người tích cực hưởng ứng phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu vào những năm đầu thế kỷ XX. Khi cụ Phan Bội Châu vận động phong trào Đông du, ông cùng các bạn ông tích cực tham gia phong trào này. Ông đã tích cực đóng tiền vào quỹ mua vũ khí giúp Hội Duy tân do cụ Phan Bội Châu sáng lập để đánh Pháp giành độc lập cho dân tộc. Đồng thời, ông cho người con trai lớn là Lý Văn Huệ tức Lý Phùng Xuân sang Nhật du học theo chủ trương Đông du của cụ Phan Bội Châu.
Do những hoạt động yêu nước chống Pháp, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án hai năm tù giam, ba năm biệt xứ.
Ra tù, ông bị đưa đi quản thúc tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ở đây, ông vẫn liên lạc giúp đỡ những người hoạt động cách mạng. Hết hạn quản thúc, ông trở về Tam Bình, tiếp tục tham gia các phong trào chống Pháp ở Tam Bình.
Năm 1930, ông được các đồng chí Nguyễn Văn Nhung – Bí thư Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng (tháng 2/1931 là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long), đồng chí Nguyễn Văn Thiệt – Bí thư Chi bộ Ngã tư Long Hồ tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản ngay từ năm 1930. Khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, ông không những tích cực hoạt động, mà còn vận động cả gia đình tham gia, gồm các con trai, một con gái và hai con rể đều tích cực tham gia phong trào cách mạng tại địa phương : tuyên truyền, tổ chức, vận động quần chúng, rải truyền đơn, treo băng cờ, dán biểu ngữ và tham gia các cuộc mít-tinh, biểu tình do Đảng Cộng sản tổ chức.
Vào tháng 7/1930, ông Nguyễn Văn Nhung, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Tam Bình, tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại gò Cỏ Ống. Hàng trăm người đã đến dự cuộc mít-tinh này, trong đó có cả những người trong gia đình ông Lý Trung Chánh. Mít-tinh xong, hàng trăm người kéo biểu tình khắp xã Loan Tân để gây ảnh hưởng trong đồng bào Khmer. Đoàn người biểu tình đến đâu đều hô vang khẩu hiệu : “Chống sưu cao, thuế nặng, chống khủng bố trắng… ”. Đoàn biểu tình đã gây tiếng vang lớn.
Sau cuộc biểu tình tại Loan Tân, địch tăng cường khủng bố, bắt bớ những đảng viên cộng sản và quần chúng tham gia phong trào cách mạng. Ông và con gái út Lý Thị Én bị sa vào tay giặc. Các con trai ông là Lý Văn Hiếu, Lý Văn Thảo, Lý Văn Mẫn, hai con rể là Võ Tuấn Đức, Võ Văn Lư cũng lần lượt bị bắt trong năm 1930 – đầu năm 1931.
Bị bắt lần này, ông đã bị địch tra tấn rất dã man, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, thà chết chứ không khuất phục. Bọn địch đã tức tối gọi ông là “ông già cộng sản”. Địch đưa ông ra tòa, kết án 5 năm khổ sai và 5 năm biệt xứ, rồi đày ra Côn Đảo.
Năm 1935, hết hạn tù, ông được tha về, nhưng bị địch quản thúc tại thị trấn Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, ông bắt liên lạc với tổ chức Đảng để tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp thắng lợi, trong nước, phong trào cách mạng phát triển, ông về Tam Bình, tích cực tham gia phong trào cách mạng tại địa phương. Lúc này, đồng chí Tạ Uyên vượt ngục từ Côn Đảo về để xây dựng cơ sở Đảng tại tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí đã sớm bắt liên lạc với các con trai và con rể ông, được gia đình ông hết lòng che chở, nuôi dưỡng. Các đồng chí hoạt động bí mật cũng thường xuyên tới đây liên lạc, hội họp, trong đó có đồng chí Phan Văn Bảy (Bảy Cùi) – Liên Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ, Quảng Trọng Hoàng – Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ… được gia đình ông nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn.
Tháng 9/1939, địch khủng bố, bắt một số cựu chính trị phạm, lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở địa phương, trong đó có ông Lý Trung Chánh, con trai ông Lý Văn Thảo và con rể Võ Tuấn Đức. Nhưng thời gian sau, thấy ông tuổi đã cao, chúng thả ông ra. Còn con trai và con rể ông, chúng kết án tù, đày ra Côn Đảo.
Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Những người con trung hiếu