Chương trình hàng Việt về nông thôn đã tổ chức hàng chục chuyến bán hàng lưu động về các huyện, các xã của nhiều tỉnh trong cả nước. Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, đã có 3 chuyến hàng Việt về nông thôn tại các huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm. Qua đó, nhà sản xuất trong nước thiết lập kênh bán hàng mới cho thị trường tiềm năng này.
Tại chợ thị trấn Tam Bình, một năm sau ngày diễn ra phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều lọai hàng hóa Việt gần như chiếm thị phần tuyệt đối, nhất là các lọai hàng nhựa gia dụng, sữa bột. Sự đa dạng của hàng hóa, giá cả phù hợp túi tiền của nông dân là nguyên nhân chính để gắn người tiêu dùng với hàng hóa Việt. Đối với những mặt hàng có sự tham gia của nhiều nhãn hàng trong nước và nhập khẩu nhưng người bán và đơn vị quản lý chợ đều xác nhận mặt hàng do Việt Nam sản xuất vẫn tiêu thụ nhiều hơn. Đây cũng là chợ tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban quản lý chợ sang hợp tác xã, được tỉnh chọn tham gia thị trường bình ổn giá hồi Tết năm Canh Dần vừa qua.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, so với các nhà sản xuất liên doanh hoặc nhà sản xuất nước ngòai thì phương thức bán hàng của doanh nghiệp trong nước còn chưa theo kịp về tính chuyên nghiệp. Ngòai lợi nhuận từ doanh số bán hàng, người bán còn được hỗ trợ phí trưng bày hàng hóa. Với những dây dầu gội được trưng bày trong một số tiệm, mỗi tháng người bán được thêm vài chục ngàn đồng. Những sản phẩm có giá trị cao hơn thì được một hai trăm ngàn đồng. Lợi thế về thương hiệu lớn, quảng cáo mạnh có tác động lớn đến người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, nhiều hàng tiêu dùng Việt Nam gần đây có những bước tiến xa nhờ đầu tư công nghệ mới, chất lượng tương đương hàng nhập khẩu. Bột giặt nói riêng và hóa chất tẩy rửa nói chung là một trong những mặt hàng như thế. Cùng một trọng lượng nhưng giá bán sản phẩm chỉ bằng xấp xỉ một nửa so với hàng liên doanh. Đó là một thuận lợi cơ bản để hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng nông thôn. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước còn chưa phủ đều và rộng. Những chợ vùng sâu, vùng xa không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm mua hàng Việt. Hơn nữa, người ta có thể dễ dàng tìm mua một gói nước xả quần áo Thái Lan, tăm tre Trung Quốc. Gần đây, có hiện tượng nhiều lọai hàng hóa gắn nhãn mác “Made in Vietnam” nhưng thực chất không phải doanh nghiệp trong nước sản xuất. Các chợ càng xa, chợ nhỏ, hàng hóa càng hết sức mập mờ, nhất là hàng quần áo may sẵn. Mặt hàng này phần lớn do Trung Quốc sản xúât, từng bị cơ quan quản lý phát hiện có hóa chất không an tòan sức khỏe nên nấp bóng hàng Việt Nam để dễ tiêu thụ.
Một điều đáng quan tâm nữa là không ít nhãn hàng Việt Nam chất lượng cao xuất hiện ở chợ nông thôn đôi ba lần rồi bị cắt nguồn hàng. Sản phẩm của dệt Thái Tuấn hay giày dép Bitis không dễ tìm mua ở chợ vùng sâu. Đôi giày hàng Việt Nam chất lượng cao này có giá 56.000 đồng, thời điểm Segames Việt Nam năm 2003 cho đến nay vẫn còn tồn kho. Đó là lý do khiến hàng nhập khẩu giá rẻ hoặc hàng không rõ nhãn mác có đất sống. Một đôi dép mà thị trường quen gọi là dép Lào hiệu con ngựa như thế này giá 32.000 đồng; lọai 2 giá rẻ hơn 10.000 đồng, lại có lọai dép kẹp chỉ 15.000 đồng/2 đôi vẫn tiêu thụ tốt ở thị trường nông thôn.
Thị trường nông thôn vẫn có những đặc điểm khác với thành thị. Yếu tố rẻ, bền, đẹp được xem như là tiêu chí đầu tiên để hàng hóa Việt trụ chân ở chợ nông thôn. Ngòai ra, hệ thống phân phối tốt, trưng bày bắt mắt và vai trò của tiểu thương cũng quan trọng nhằm thiết lập tính bền vững ở thị trường còn nhiều tiềm năng này.
Quốc Dũng