Bangladesh là nước xuất khẩu trà hàng đầu thế giới. Hầu hết những đồn điền, nương trà tập trung ở Srimangal, nơi có khu rừng nhiệt đới Lowacherra lớn nhất nhì đất nước. 

Srimangal (còn được viết là Sreemangal, Sremongol) là huyện nhỏ của vùng Sylhet (Sylhet Division) đông bắc Bangladesh. Nhỏ nhắn, Srimagal nổi tiếng hơn thủ phủ Sylhet (cùng tên vùng hành chính) vì cánh rừng rậm Lowacherra, những đồn điền trà,… và cả những ly trà đặc biệt.

Những nương trà trong rừng

Tôi đến Srimagal chiều muộn nhưng cũng kịp để Rashed Hunsan, hướng dẫn viên tự phát duy nhất của phố “bắt” kịp tôi khi đang lơ ngơ tìm đường. Giúp tìm nhà trọ, cậu hẹn sáng mai đón tôi sớm đi một vòng rừng Lowacherra, thăm đồn điền trà, chuối, thơm, ghé bản dân tộc… – Tour thông thường cho những khách chỉ có một ngày dành cho Srimagal.

Những nương chè xanh ngát ở Srimangal

Chúng tôi vào rừng Lowacherra khi sương mai còn đẫm ướt. Là rừng rậm nhưng Lowacherra chỉ nằm thâm thấp chứ không chót vót như những khu rừng ở xứ mình. Biết trước rằng đi chỉ một buổi, không ngủ lại đêm… thì khó lòng thấy những động vật hoang dã lớn như cọp, heo rừng… nhưng tôi cũng khá hài lòng khi được "trekking" trong những con đường rừng rậm rịt, được thấy những cội cây già cao ngất, to đùng vẫn còn nằm rải rác không xa con đường nhựa, những bụi mây dài dằng dặc quấn nhau… mà bây giờ dường như rất khó thấy ở Việt Nam. Ngoài lũ chim chao chát ban mai, những gốc cây đùn đất của đám heo rừng ủi đêm qua, Hunsan còn tự hào chỉ tôi lũ nhện bự, nhiều loại, nhiều màu giăng khắp nơi. Có nhiều con khi giương hết chân ra to hơn cả hai bàn tay tôi gộp lại, màu sắc rực rỡ. Tuy nhiên chúng không làm tôi ngạc nhiên lắm vì cũng từng lang thang rừng này rừng nọ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy đang đi trong rừng mà lấp ló những mảng xanh ngát ngoài kia, rồi hương trà sớm mai ai hái nghe thơm trong gió thoảng.

Và ngạc nhiên làm sao, ngay bên bìa rừng là những nương trà. Những luống trà xanh ngắt nằm trong bóng những tán cây lớn. Tôi chưa kịp hỏi, Hunsan đã nói: “Trà ở đây không nằm ở vùng đồi núi cao, mát lạnh… như ở các nước khác mà ở vùng thấp. Và ở cái xứ nóng khủng khiếp này, người ta phát hiện những cây trà mọc dưới bóng râm của cây lớn cho lá thơm ngon hơn nhiều. Do vậy người ta giữ lại hoặc trồng thêm cây to khi tạo những nương trà. Và loại cây nào được giữ để cho bóng râm cũng phải được chọn lựa cẩn thận”.

Quả là một phát hiện thú vị tôi chưa thấy ở các xứ trà nổi tiếng như Bảo Lộc, Cầu Đất hay Cameron xứ Malaysia, Sri Lanka… Giữ cho lá trà thơm hơn, ngon hơn… tôi chưa được “mục sở thị” nhưng rõ ràng bóng râm của cây to đã giúp những phụ nữ cặm cụi hái trà dưới nắng cháy xứ này bớt đi phần nào nhọc nhằn.

Phụ nữ Bangladesh thu hoạch trà trong đồn điền

Trà năm màu năm hương vị trong một ly

Rồi tôi cùng Hunsan đi thăm các bản dân tộc, các đồn điền chuối, thơm… Có lẽ chúng hấp dẫn các du khách phương Tây nhiều chứ chuối, thơm… với tôi cũng chỉ cỡi ngựa xem hoa nhanh. Về gần Srimangal, tôi rủ Hunsan ghé một quán trà hơi lớn ven đường, có vài mái đầu vàng hoe đang ngồi chụp hình, khoe nhau có vẻ thú vị. Mắt sáng lên, Hunsan nói “thực ra tôi định giới thiệu anh quán này, không ngờ anh phát hiện ra!” Té ra đây là quán Nilkantha Tea Cabin với món trà năm màu nổi tiếng.

Ly trà 5 màu đặc sắc 

Cũng từng học đòi đi bar, có biết các loại cocktail năm lớp. Nhưng dễ hiểu vì chúng được chế biến từ các loại rượu sữa, rượu quế, rượu mạnh… với độ đậm đặc, độ cồn… khác nhau. Còn từ lá trà và nước nấu lên, sao chúng không lẫn vào nhau khi pha thành năm lớp? Sau thời gian hồi hộp chờ đợi, ly trà năm lớp màu tách bạch rõ ràng được bưng lên. Khẽ khàng nâng ly nhấm nháp, có thể cảm nhận rõ được vị trà gừng, trà hoa hồng, trà quế còn các vị ô long, trà xanh thì vốn không rành trà lắm tôi không nhận ra. Nhưng ít ra khi uống chúng, tôi đã biết được một bí quyết để chúng tách lớp. 

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *