Nhớ dai, ngăn ngừa nếp nhăn, hỗ trợ quá trình giải độc của cơ thể, phòng từ xa bệnh ung thư… là công dụng của thực phẩm mang màu tím.
Được ưu ái nghiên cứu nhiều và dùng nhiều nhất là nho. Loại quả này chứa nhiều sinh tố nhóm B nên rất tốt với những người làm việc trí óc, những bệnh nhân huyết áp cao.
Nho khô là nguồn thực phẩm nhiều chất xơ, giàu chất sắt. Vì thế, món nho khô nhâm nhi trong bữa xế lại là món có lợi cho người thiếu máu hay phụ nữ mang thai. Rượu vang được làm từ nho có công dụng bảo vệ tim mạch, là kết quả tình cờ mà các nhà khoa học phát hiện được. Do sản xuất được rượu vang và thói quen dùng rượu vang trong các bữa ăn nên người Pháp bị bệnh tim mạch ít hơn so với người dân các nước khác. Rượu vang có công dụng không cho mỡ có cơ hội bám vào thành mạch máu tạo nên mảng xơ vữa nên ngăn ngừa được mầm mống của bệnh tim mạch. Hiện Việt Nam đã sản xuất được rượu vang với giá thành vừa phải, việc dùng rượu vang phòng bệnh tim mạch không còn là vấn đề xa xỉ.
Cà tím (tên dân gian thường gọi là cà dái dê), theo cuốn Những cây cỏ làm thuốc của GS Đỗ Tất Lợi thì cà tím được dùng làm thuốc lợi tiểu, thông mật và đề phòng các chứng xơ vữa động mạch. Cà tím thường được nướng lên cho thơm, rưới mỡ hành ăn với nước mắm chua ngọt. Để món ăn có công dụng ngừa bệnh cao hơn, thay vì rưới mỡ hành thì nên làm những món như: cà tím xào mắm nêm, cà tím cuộn cá thát lát, cà tím xào thịt băm, cà tím nấu mắm, cà tím nấu cà ri…
Để giữ gìn vóc dáng nên chọn ăn khoai mỡ tím. Khoai mỡ nhiều chất xơ, năng lượng ít, thường được dùng như chất độn giúp mau no để giảm cân. Chẳng hạn như: canh khoai mỡ nấu tôm ăn với dưa mắm, tôm rim, vừa ngon miệng vừa ít năng lượng. Khoai mỡ còn giúp kiểm soát đường huyết nhờ chứa chất xơ và tinh bột. Có nhiều món làm từ khoai mỡ như: khoai mỡ lăn mè chiên giòn, xúp thịt bò khoai mỡ, xúp nấm bào ngư khoai mỡ…
Bắp cải nói chung là loại cây chứa nhiều sinh tố A, C, E. Riêng bắp cải tím có lượng sinh tố C nhiều gấp bốn lần so với “đồng loại” khác màu. Bắp cải tím còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào não phòng suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, theo BS Đào Thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thì bắp cải ức chế hấp thu iốt, vì vậy không nên dùng lâu dài và số lượng nhiều.
Theo nghiên cứu của giáo sư Soyoung Lim ở bang Kansas (Hoa Kỳ) thì khoai lang tím chứa nhiều anthocyanins có tính kháng ung thư. Ngoài ra, khoai lang tím còn giúp chống lão hóa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, liều lượng như thế nào mới trở thành… “thuốc” tiêu diệt tế bào ung thư thì chưa được đề cập đến. Song dùng khoai lang tím từ một-hai lần trong tuần sẽ thấy da đẹp hơn do cơ thể được cung cấp nhiều sinh tố, khoáng chất, chất xơ… Có thể ăn khoai luộc, chiên hoặc làm sinh tố (xay khoai lang tím đã hấp chín với sữa tươi hoặc sữa chua).
Theo Cát Tường ( PNO )