Vậy là một năm nữa sắp trôi qua, cái se lạnh của buổi giao mùa càng làm cho lòng tôi luôn ngập tràn cảm xúc. Bao kỷ niệm ấu thơ cũng chợt ùa về, gợi nhớ những hình ảnh Tết xưa.

Còn đâu cái không khí thức canh nồi bánh tối 30 Tết?

Hồi đó, cũng vào những ngày cuối năm, chị em tôi thường lăng xăng giúp tía má dọn dẹp nhà cửa. Tía thì chưng mâm ngủ quả, lau dọn bàn thờ ông bà; tôi thì được giao nhiệm vụ cắm bình hoa Tết. Tôi không được khéo tay lắm nhưng Tía nói: “Những gì tỉ mỉ là con gái phải tập làm!”. Khi tía hoàn thành mâm ngủ quả thì tôi cũng sửa soạn xong mâm mứt tết của mình…Và khi ấy, cành mai trước ngõ cũng vừa bung nụ…

Má tôi thì loay hoay làm đủ thứ món, mấy chị em gái xúm xích trên bộ ván sau nhà để lặt củ kiệu, dưa hành chuẩn bị cho ba ngày tết. Má tôi thích tự tay làm ăn mới ngon, vừa sạch, vừa an toàn lại hợp khẩu vị của cả nhà. Đó cũng là cách mà má tôi dạy mấy chị em gái quan tâm đến bữa ăn của những người thân yêu trong gia đình bằng sự khéo léo của mình. 

Vậy nên, mấy anh chị em tôi, dù ai đi đâu xa cũng không thể quên nồi thịt kho chiều cuối năm của má. Hương vị vừa đậm đà, vừa gần gũi. Không hiểu sao tôi lại “mê” món ăn này đến lạ. Thịt kho có thể ăn vào những ngày bình thường khác trong năm, nhưng nồi thịt ngày Tết của má vẫn mang nét gì riêng biệt. Có lẽ nó được má tôi đầu tư nhiều hơn. Ngon nhất vẫn là khi hâm đi hâm lại vài lần rồi ăn kèm với dưa kiệu, dưa giá… 

Nhớ hồi còn bé xíu, tôi cứ lẽo đẽo theo bà canh nồi bánh tét. Hồi đó, chừng 25, 26 Tết là má đi đốn lá chuối, rồi cả nhà rộn ràng cùng nhau gói bánh. Mấy đứa nhỏ như tôi cũng tập tành làm những đòn bánh nhỏ.

Tối đêm giao thừa, vừa thức canh nồi bánh, vừa được nội kể cho nghe sự tích bánh chưng bánh dầy. Nghe riết rồi thuộc lòng đến mấy mươi mùa tết sau tôi còn nhớ.

Nội khéo tay lắm, cũng vào độ cuối Chạp là nội tráng bánh: bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa đều có hết, để vào Giêng là bọn trẻ có ăn. Tụi tôi “mê” Tết vì được ăn những thứ mà ngày thường chẳng mấy khi có được. Nội tự tay nướng bánh cho chúng tôi, cái se lạnh cuối năm cũng tan đi bên bếp than hồng ấm áp.

…Và tết lại gần kề…

Trải qua mấy mươi mùa cuối Chạp, tôi thấy bây giờ Tết khác xưa nhiều quá. Mọi thứ đều được bày bán sẵn ở chợ, siêu thị, những đứa trẻ chẳng còn có dịp thức canh nồi bánh, chẳng được cùng má chuẩn bị các món ăn để lắng nghe Tết đến thật gần.

…Tết xưa ơi…sao mà nhớ quá!

Thu Trang
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *