Bảo tàng Vĩnh Long vừa phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Minh tổ chức Lễ trao bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho chùa cổ Đông Phước thuộc xã Đông Bình, huyện Bình Minh.
Chùa cổ Đông Phước được xây dựng vào khoảng năm 1890. Lúc đầu, chùa chỉ là một am nhỏ đơn sơ bằng tranh tre, nứa lá, do một vị sư dựng lên để tu hành. Từ năm 1920 đến năm 1930, chùa Đông Phước được tái thiết lại chánh điện và hậu tổ. Trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Đông Phước còn là nơi nuôi chứa và tiếp đón nhiều cán bộ cách mạng, thường xuyên tổ chức hội họp và tham gia các hoạt động như rãi truyền đơn, treo cờ búa liềm.
Năm 1946, nơi đây cũng đã ghi nhận trận đánh đầu tiên, mở đầu cho công cuộc kháng chiến chống Pháp ở huyện Bình Minh. Đến năm 1947, địch tình nghi các sư trong chùa tham gia hoạt động cách mạng, đến tàn sát và chôn tập thể 12 vị sư và phật tử. Sau vụ thảm sát, thầy Thích Phước Nhàn, lúc đó mới 16 tuổi, được cha mẹ cho quy y tam bảo tại chùa cổ Đông Phước, đã tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và hiện là trụ trì chùa.
Việc chùa Đông Phước được công nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã nâng tổng số di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của huyện Bình Minh lên 4 di tích.
Cang Trường