Hành vi quả cảm trong thế giới động vật phổ biển hơn nhiều so với suy nghĩ của con người, các nhà khoa học khẳng định.

Theo Telegraph, nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng, cá heo, khỉ, dơi ăn trái, kiến và nhiều loài sinh vật khác sẵn sàng liều mạng để cứu đồng loại.

Tiến sĩ Elise Nowbahari, một chuyên gia của Đại học Paris (Pháp), khẳng định, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hành vi tự nguyện giúp đỡ đồng loại bất chấp nguy hiểm không phải đặc điểm “độc quyền” của loài người, mà xuất hiện ở rất nhiều loài động vật.

Bà nói rằng, cá heo luôn sẵn sàng dấn thân vào nguy hiểm để cứu đồng loại mắc kẹt. Rất nhiều người nhìn thấy cảnh tượng chúng nâng những con cá heo bị thương lên mặt biển để hít thở.

Khỉ thường xua đuổi những động vật săn mồi khi chúng tới gần khỉ con hay khỉ cái bị thương. Những cá thể cái trong loài dơi ăn trái giúp đỡ nhau khi sinh con để làm giảm cơn đau.

Hành vi quên mình để cứu đồng loại thể hiện rất rõ ở cá heo

Nowbahari cũng nói rằng, kiến không bao giờ do dự khi xông vào cứu những thành viên khác trong đàn sập bẫy hoặc bị bắt. Tuy nhiên, hành vi quả cảm không xảy ra khi chúng nhìn thấy những con trong tổ khác gặp nạn hoặc kêu cứu.

Một trong những đoạn phim từng được nhiều người xem nhất trên mạng internet là cảnh những con trâu rừng đánh nhau với một đàn sư tử khi chúng tấn công những con trâu non trong công viên quốc gia Kruger của Nam Phi.

“Có lẽ con người đang đánh giá thấp mức độ phổ biến của hành vi cứu đồng loại của động vật trong thiên nhiên hoang dã. Những báo cáo về hành vi đó tuy hiếm, nhưng nó phổ biến hơn chúng ta tưởng”, tiến sĩ Nowbarahi nói.

Nghiên cứu của Nowbahari được công bố trên tạp chí Communicative and Integrative Biology.

Theo VnE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *