Tháng Giêng là tháng ăn chơi nhưng với những đối tượng như trẻ em, “bà bầu”, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính… thì chuyện đi chơi không khác gì… đội đá vá trời! Thế nhưng, nếu muốn vẫn làm được, nếu tuân theo lời khuyên bác sĩ.

Trẻ nhỏ

Giữ ấm cho bé (nên cho mặc áo lạnh sát nách để không vướng víu, chỉ ấm ngực nhưng không quá nóng). Chú ý, không thay đổi nhiệt độ đột ngột để bé không bị cảm lạnh, chẳng hạn như từ trong nhà ra trời lạnh phải mặc áo ấm. Còn từ ngoài nắng vào phòng có máy điều hòa cần tăng nhiệt độ lên sao cho thấp hơn ngoài trời vài độ. Nếu có trẻ em cần mang theo nhiệt kế để kiểm soát nhiệt độ cơ thể, thuốc hạ sốt (phòng khi bé sốt ban đêm, cho bé uống rồi mới đi bác sĩ).

Khi đi xa cần chọn những hàng quán uy tín, thức ăn nấu chín, đóng gói, có nhãn mác rõ ràng, tránh các loại rau sống, thịt cá chín tái. Đừng quên mang theo bên mình chai nước lọc để bù nước trong chặng đường dài. Hạn chế các loại nước ngọt có gas. Tăng cường ăn trái cây sẽ giúp cơ thể bé thêm chất đề kháng.

BS ĐINH TẤN PHƯƠNG
BV NHI ĐỒNG I TP.HCM

Ảnh: SS

 

Bà bầu

Những tháng cuối thai kỳ không nên đi xa, nếu muốn đi cần hỏi bác sĩ xem có dấu hiệu gì bất thường không. Tuổi thai từ ba – sáu tháng là khoảng tương đối an toàn nhất để đi chơi xa nhưng vẫn cần lưu ý đi đứng nhẹ nhàng, tránh đường dằn xóc. Khi đi xa cần lưu ý: thứ nhất, mặc quần áo thoáng rộng để máu huyết lưu thông dễ dàng trong quá trình di chuyển. Thứ nhì, uống nước đầy đủ, ăn nhẹ trong chuyến đi để tránh tình trạng mệt mỏi, choáng váng vì khát. Để không bị mỏi cơ cần tập vài động tác thể dục…

BS NGUYỄN HỮU TRUNG
PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA TP.HCM

Bà mẹ cho con bú

Các bà mẹ cho con bú sữa mẹ khi đi xa, cần lưu ý kỹ lưỡng trong vấn đề ăn uống vì mẹ bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Do đó, cần chọn nơi ăn uống hợp vệ sinh, dùng nước tinh khiết và ăn các loại trái cây tươi. Mẹ cho con bú sữa bình khi đi xa cần nhớ rửa và tiệt trùng bình kỹ lưỡng vì đây có thể là nguồn chứa mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Các loại thuốc mà mẹ cần mang theo để phòng xa gồm: tiêu chảy, dị ứng, hạ sốt…

TS LÊ THỊ THU HÀ – BV TỪ DŨ TP.HCM

Người có bệnh mãn tính

Người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp nếu đi máy bay, đi biển cần đi khám bác sĩ, nếu bác sĩ cho phép mới được đi. Khi đi xa cần mang theo thuốc vì hai bệnh này phải uống thuốc đến cuối đời. Người cao tuổi nếu không mắc bệnh gì cũng cần thận trọng khi đi chơi xa, tốt nhất nên có con cháu đi cùng phòng khi bệnh bộc phát.

Cả gia đình khi đi chơi xa cần mang theo những loại thuốc sau để phòng khi xảy ra sự cố như: thuốc hạ nhiệt giảm đau (paracetamol…), thuốc chống nôn cho người bị say xe, thuốc trị tiêu chảy và gói oresol bù nước cho cơ thể, các loại thuốc sát trùng khi bị vết thương (povidine, oxy già…). Các loại bông, băng, băng dán cá nhân.

BÁC SĨ LÊ THIỆN ANH TUẤN – HỘI Y HỌC TP.HCM
 

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *