Tết Ất Tỵ 2025 đã cận kề, Hệ thống IVF Tâm Anh nhận tin vui của hơn 80% vợ chồng vô sinh hiếm muộn từ khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào đã sinh con khỏe mạnh nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.
Đó là chia sẻ của các chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVF Tâm Anh TP.HCM) trong chương trình tư vấn trực tuyến “Tết có con, Tết vẹn tròn. Thụ tinh ống nghiệm tỷ lệ thành công cao, sinh con như ý” được phát sóng vào tối 7/1.
Các bác sĩ tham gia tư vấn giúp vợ chồng hiếm muộn khởi động hành trình tìm con năm 2025.
Theo BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo – Phó giám đốc Trung tâm IVF Tâm Anh TP.HCM, năm 2021, IVF Tâm Anh TP.HCM đi vào hoạt động, được đầu tư hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật cao và đội ngũ nhân sự giỏi, nhanh chóng khẳng định vị thế dẫn đầu trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.
Năm 2024, trung tâm phát triển vượt bậc, có hơn 80% trường hợp vô sinh được chữa trị thành công, sinh con khỏe mạnh. Trong số này, nhiều vợ chồng lớn tuổi, vô sinh lâu năm, bệnh lý phức tạp, ít trứng, không có tinh trùng. Họ từng thất bại ở các trung tâm trước hoặc có chỉ định xin trứng hoặc xin tinh trùng. IVF Tâm Anh TP.HCM đã lập nhiều kỳ tích, giúp họ có con “chính chủ”.
Lý giải sự thành công, tạo nên phép màu kỳ diệu cho các cặp đôi hiếm muộn, bác sĩ Phương Thảo cho rằng chính chiến lược ‘kiềng 3 chân’ điều trị toàn diện vô sinh nữ, vô sinh nam và hệ thống phòng labo ISO 5 cùng các công nghệ hiện đại, đã giúp tối ưu hiệu quả chữa bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ có phác đồ cá thể hóa giúp các cặp vợ chồng tưởng như vô vọng đã tìm được con.
Sau 12 năm vô sinh, tiền căn mắc ung thư, vợ chồng chị Hồ Thị Hồng Linh, 40 tuổi, thành công có con “chính chủ” khi điều trị tại IVF Tâm Anh TP.HCM.
Nhìn lại chặng đường trong một năm nỗ lực ươm mầm hạnh phúc, ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến, bác sĩ IVF Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, điều trị thụ tinh ống nghiệm (IVF) là một hành trình dài, gian nan và đòi hỏi nghị lực, kiên trì từ các cặp đôi. Bác sĩ Yến đặc biệt ấn tượng với sự cố gắng suốt 2 năm của đôi vợ chồng 30 tuổi. Người vợ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vào năm 2022, khi xét nghiệm AMH chỉ còn 0,08 vẫn quyết tâm tìm con mà không xin trứng. Chị được gom trứng tích lũy, mỗi chu kỳ kích thích và chọc hút chỉ có 1-2 trứng, nhiều tháng “trắng tay”. Mất hai năm gom góp, chị vợ có được 4 trứng. Chuyên viên phòng labo tỉ mẩn, chắt chiu từng hy vọng, chọn tinh trùng của chồng tiêm vào bào tương noãn và nuôi cấy trong môi trường tối ưu nhất, thu được 2 phôi quý hiếm. Bác sĩ Yến chuẩn bị nội mạc tử cung kỹ càng giúp chị đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi. Họ vừa báo tin vui đã sinh em bé khỏe mạnh trước thềm năm mới.
“Các bác sĩ, chuyên viên phôi học đều vỡ òa vì mừng cho người bệnh có ‘quả ngọt’ sau hành trình gian nan” bác sĩ Yến cho hay.
Theo bác sĩ Yến, một trong những chiến lược quan trọng của IVF Tâm Anh là cá thể hóa điều trị. Mỗi vợ chồng sẽ được khám toàn diện, có phác đồ riêng biệt dựa trên tình trạng bệnh lý, mong muốn và khả năng tài chính nhằm tối ưu hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
IVF Tâm Anh có lợi thế trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với nhiều chuyên khoa sâu hỗ trợ. Từ đó, người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện trước, trong và sau điều trị hiếm muộn, đảm bảo thai kỳ an toàn, bé khỏe mạnh.
Chị Bích Ngọc, 40 tuổi, dự trữ buồng trứng gần như cạn kiệt được ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến điều trị IVF, thành công có con chính chủ.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, chuyên điều trị vô sinh nam và nữ tại IVF Tâm Anh TP.HCM cho biết, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở nam tương đương với nữ, khoảng 40%. Tuy vậy, vô sinh nam chưa được quan tâm đúng mực, nhiều nam giới chủ quan, bệnh phát hiện trễ, khó điều trị do tâm lý ngại đi khám.
Tại IVF Tâm Anh TP.HCM bên cạnh thăm khám ở người vợ, bác sĩ sẽ tìm hiểu, điều trị song song cho người chồng, hay còn gọi là “liệu pháp cặp đôi”, tăng tỉ lệ thành công.
Trước đây, nam giới có nhiều bất thường bị bỏ sót như: DNA tinh trùng bất thường; nhóm nam giới không có tinh trùng do các nguyên nhân bệnh lý di truyền, đột biến gene, các bệnh lý nam khoa tình trạng nặng… Hầu hết các trường hợp này phải xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm hoặc xin con nuôi. Hiện nay, các kỹ thuật hiện đại điều trị vô sinh nam, điển hình là vi phẫu micro-TESE đã mang đến hy vọng có con “chính chủ” cho nam giới vô sinh. Nhất là nhóm mắc hội chứng Klinefelter trước kia phải xin tinh trùng thì nay có thể mổ, khả năng tìm thấy tinh trùng lên đến 40- 50%.
Sau khi có được tinh trùng, đội ngũ trong labo sẽ tham gia quá trình tạo, nuôi và sinh thiết phôi. Từ đây, bác sĩ chọn được các phôi không mang bất thường di truyền để chuyển vào tử cung, tăng khả năng đậu thai, bé chào đời khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Vỹ, trước đây, những bệnh nhân suy yếu các chức năng vùng dưới đồi, tuyến yên dẫn đến thiểu năng sinh dục và khả năng sản xuất tinh trùng, gây vô sinh thường không được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị không đúng hướng và thường phải xin tinh trùng để có con. Hiện nay, nhóm bệnh nhân này không cần phẫu thuật mà điều trị nội khoa, bổ sung các hormone cần thiết giúp phục hồi khả năng sinh sản, tăng cường sinh lý.
“Người bệnh có con với chi phí tiết kiệm và cải thiện chất lượng đời sống vợ chồng. Đó là những tin vui và điều kỳ diệu mà đội ngũ y bác sĩ dành tặng các cặp đôi trong năm vừa qua” bác sĩ Vỹ tiết lộ.
Trong năm 2025 IVF Tâm Anh sẽ tiếp tục nỗ lực giúp nhiều vợ chồng vô sinh hiếm muộn đạt ước mơ có con. Bệnh viện ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong điều trị gồm: xây dựng các phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp; chiến lược gom trứng hoặc gom phôi tích lũy nhiều chu kỳ; kỹ thuật vi phẫu micro-TESE tìm kiếm tinh trùng; công nghệ nuôi cấy phôi tích hợp trí tuệ nhân tạo AI…
Các chuyên gia khuyến cáo, cặp đôi kết hôn, không ngừa thai nếu một năm chưa có con nên đi khám sớm. Nếu bị vô sinh, có thể bắt tay điều trị ngay đầu xuân 2025, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, khí hậu dễ chịu, thể chất của con người khỏe khoắn và linh hoạt hơn, người vợ tăng khả năng đậu thai.
Hoài Thương