Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán sử dụng sóng siêu âm tần số cao, giúp thu hình ảnh rõ nét của van tim, từ đó xác định tình trạng, mức độ nặng nhẹ của bệnh, giúp bác sĩ biết được nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến: “Kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hở van tim” vào 19h ngày 14/8/2024 với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch; ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, Trưởng đơn vị Bệnh Van tim, Trung tâm Tim mạch; ThS.BS Trần Thúc Khang, Bác sĩ Trung tâm Tim mạch; BS.CKI Nguyễn Đức Hưng – Phó khoa Tim mạch. Kính mời quý độc giả xem lại chương trình tại đây.
Các bác sĩ tham gia tư vấn trực tiếp trong chương trình, giải đáp thắc mắc của khán giả về các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hở van tim
Siêu âm tim là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng giúp tầm soát các bệnh lý tim mạch nguy hiểm, đặc biệt là bệnh van tim. Hình ảnh thu được từ quá trình siêu âm tim cho phép bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng van tim có bị hở, hẹp hoặc có khối u bất thường xung quanh hay không… Từ đó giúp phát hiện kịp thời bệnh lý ở giai đoạn sớm, chưa có nhiều biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng. Siêu âm tim được xem là một trong những kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng bức xạ, do đó ít xảy ra tác dụng phụ và có thể được sử dụng nhiều lần để theo dõi tình trạng bệnh.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết khi khám bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành nghe tim, nếu có tiếng thổi tâm thu có thể nghĩ đến bệnh van 2 lá, tiếp theo là khai thác tiền sử bệnh nhân, đọc điện tâm đồ, thăm khám xem bệnh nhân có bị rung nhĩ chưa. Sau đó bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp X-Quang ngực và siêu âm tim để chẩn đoán bệnh.
“Siêu âm là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh van tim, giúp xác định bệnh lý của van nào, độ nặng và tại sao hở van. Nếu có mảng sùi trên van tim có thể do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Nếu vừa có hẹp vừa có hở van 2 lá, hở van động mạch chủ nguyên nhân có thể do thấp tim từ nhỏ”, Phó Giáo sư lý giải.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ về vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và điều trị hở van tim
Chia sẻ thêm, ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư cho biết hở van tim được chia thành 4 mức độ gồm hở nhẹ 1/4, trung bình 2/4, nặng 3/4 – 4/4. Siêu âm tim sẽ giúp các bác sĩ đánh giá được mức độ hở van, cơ chế hở và van nào bị tổn thương. Ngoài ra, có thể dùng siêu âm Doppler màu để lượng giá được mức độ hở van.
Việc đánh giá chính xác mức độ hở van tim là cơ sở để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Trong đó, nếu hở van 1/4 đến 1,5/4 thì được xếp là nhẹ và thường là hở sinh lý, bệnh nhân chưa cần phải can thiệp hay điều trị, có thể tiếp tục theo dõi. Nhưng mức độ hở van từ trung bình đến nặng như là 2/4 hay 4/4 thì cần điều trị nội khoa hoặc là sẽ xem xét có can thiệp phẫu thuật hay không.
“Dù bị bệnh ở mức độ nào, người bệnh cần theo dõi, đi tái khám và siêu âm tim định kỳ 6 tháng hoặc là một năm để đánh giá tình trạng tiến triển của hở van, chức năng của buồng tim phải và tình trạng áp lực phổi diễn tiến theo thời gian”, bác sĩ Thư nói, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân có hở van tim từ mức độ trung bình trở lên cần chú ý, tình trạng nhiễm trùng răng sẽ ảnh hưởng đến van tim tổn thương và gây biến chứng nguy hiểm.
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư khuyến cáo người bệnh hở van tim cần đi siêu âm theo chỉ định để theo dõi sức khỏe tim mạch
Đặc biệt, ThS.BS Trần Thúc Khang nhấn mạnh rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng của hở van tim nhưng đã được phát hiện và điều trị kịp thời nhờ được siêu âm khi đi khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ cho biết nếu một trong 4 van tim bị hở nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng như giảm khả năng gắng sức, có những cơn mệt, đau ngực, hồi hộp, cảm thấy tim đập nhanh, choáng váng, muốn ngất xỉu… Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp không xuất hiện triệu chứng điển hình hoặc bệnh nhân bỏ qua triệu chứng ban đầu.
Siêu âm tim còn giúp bác sĩ có thêm cơ sở để quyết định phác đồ điều trị cho những ca bệnh đặc biệt, đi kèm bệnh nền. Bác sĩ Khang dẫn chứng một trường hợp bệnh nhân bị hở van 2 lá ¾, không có triệu chứng mệt, khó thở hay đau tức ngực, nhưng có nền bị béo phì nên khá nguy hiểm. Khi đi khám bệnh nhân được siêu âm tim gắng sức để kiểm tra tình trạng tăng áp lực phổi. Kết quả phát hiện buồng tim giãn, loạn nhịp như rung nhĩ nên được chỉ định phẫu thuật và điều trị kịp thời.
ThS.BS Trần Thúc Khang cho biết siêu âm có thể phát hiện những bất thường của van tim, ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng
Nhận định thêm, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng cho biết nếu hở van tim nặng không được phát hiện kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp nguy hiểm, đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng từ đường răng miệng bởi vi khuẩn có thể theo máu xâm nhập vào khoang tim đang bị tổn thương, từ đó dẫn đến biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc thuyên tắc mạch ở tất cả các mao mạch máu trong cơ quan. Đặc biệt, bệnh nhân có thể sốc nhiễm trùng và có thể tử vong.
Vì vậy bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị theo đúng chỉ định. Tùy từng trường hợp khác nhau, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa (bằng thuốc), can thiệp ngoại khoa, hoặc kết hợp cả hai. Bác sĩ Khang dẫn chứng một trường hợp bệnh nhân 55 tuổi bị hở van tim 2 lá nặng ¾, không có tiền sử huyết áp nhưng sức khỏe vẫn ổn định và chưa có triệu chứng suy tim, mệt, tăng áp phổi hay loạn nhịp tim nên được chỉ định cho uống thuốc và theo dõi thêm , đồng thời hướng dẫn phòng tránh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
“Không phải cứ bệnh nặng là mổ, về chỉ định phẫu thuật van hai lá thì ngoài có triệu chứng cơ năng như bệnh nhân có biểu hiện suy tim, khó thở, giảm khả năng gắng sức thì còn dựa vào các tiêu chuẩn khác như sự giãn của buồng tim, giảm phân suất tống máu, tăng áp lực động mạch phổi hoặc là đã xuất hiện loạn nhịp như rung nhĩ…”, bác sĩ Đức lý giải.
Cách tốt nhất là nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được đánh giá kỹ hơn về cơ chế cũng như mức độ nặng của hở van, từ đó, mới đưa ra quyết định phương pháp điều trị.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, người dân cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh theo lời khuyên của bác sĩ.
Đình Lâm