Khi chúng tôi đến Makassar, thủ phủ miền nam của đảo Sulawesi thì đã gần hai giờ sáng và chỉ chợp mắt vài giờ lại phải lên đường ngay, Rizal – người dẫn đường cho biết: những người Bissu, cộng đồng cư dân có lối sống kỳ lạ nhất vùng Pangkep đang chuẩn bị ngày hội lớn của mình trong năm…
Cao trào của cuộc lễ hiến tế là đâm dao nhọn vào cơ thể của những Bissu
Rizal nói cộng đồng Bissu tuy ít ỏi và lọt thỏm trong vùng đất của người Bugis bản địa, nhưng họ là những người có sức mạnh của thần linh ban cho. Đặc biệt, đàn ông Bissu đều mặc trang phục phụ nữ và theo Rizal thì họ còn nhạy cảm hơn cả phụ nữ. Những Bissu thường là người cúng tế, làm phép cho vụ mùa hoặc làm các lễ cầu may cho cư dân quanh vùng, và trong những buổi lễ đó họ thường dùng dao nhọn đâm vào cơ thể, đi trên lửa…
Để trở thành lãnh đạo Bissu
Rizal đưa chúng tôi đến gặp một Bissu danh tiếng nhất ở vùng nam Sulawesi. Đó là puang Matoa Saidi, đang ở ngôi nhà sàn hoành tráng nhất làng, mà dân làng đã bỏ tiền ra dựng lên cho vị Bissu danh giá này.
Rizal kể lại rằng xưa kia người Bissu là những người có thế lực nhất sau vua Arung Palakka, trên đảo Borneo. Họ là cố vấn cho vua về mọi thứ từ ngày tháng cử hành lễ đến tiên đoán về tương lai cho nhà vua. Sở dĩ những người Bissu luôn mặc trang phục phụ nữ bởi chỉ có họ mới được đặc ân trang điểm và thay trang phục cho các hoàng hậu, công chúa trong cung đình. Cuộc sống vương giả của những người Bissu rơi vào bi kịch khi họ đã làm mất một báu vật của nhà vua và cả cộng đồng Bissu bị lưu đày biệt xứ. Lang thang trên đại dương, cuối cùng các Bissu lạc đến vùng đất nam đảo Sulawesi và lập nên một làng Bissu.
Puang Matoa Saidi cho biết, trong cơ thể của ông có hai phần, một phần là con người, một phần là thần thánh. Không phải ai cũng có thể trở thành Bissu, vì theo truyền thống, một đứa bé trai sinh ra, đến năm 13 tuổi, nó sẽ được các Bissu trưởng thành đến nói chuyện với gia đình của đứa bé ấy để nhận đào tạo thành Bissu. Để trở thành một Bissu thực thụ thì phải mất cả hàng chục năm rèn luyện qua nhiều đẳng cấp, cao cấp nhất là “tước” puang như puang Matoa, puang Lolo, puang Pinah, sau đó đến Anna, Biasa, Pangce (Bissu nam) và Loloe (Bissu nữ). Để trở thành người lãnh đạo của cộng đồng Bissu, puang Matoa Saidi đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt nhất, mà kinh khủng nhất là việc ông phải được đưa vào một quan tài liệm vải trắng và chôn sống dưới đất trong bảy ngày.
Những người Bissu còn có khả năng đọc được sách thánh bằng cổ ngữ của miền nam Sulawesi viết về những câu chuyện thần thánh và linh hồn, chỉ có Saidi mới đọc và hiểu tường tận những gì thể hiện trong sách thánh.
“Sức mạnh của thần linh”
Những Bissu chuẩn bị cho lễ hiến tế thần linh
Ngày thứ hai sống trong làng người Bissu, chúng tôi mới được tham dự nghi lễ quan trọng nhất trong năm của họ. Lễ hiến tế cầu may. Căn nhà chật kín người đang nấu nướng và chuẩn bị cho lễ hiến tế. Ngoài những con vật được dâng hiến, cuộc hành lễ hôm nay còn có một lễ vật “đặc biệt” được đốt để dâng lên thần linh, đó là toàn bộ trang phục của một người trong đoàn chúng tôi! Đó là phán quyết của vị Bissu cao nhất, không thể khác hơn, bởi sự hiện diện của những người “ngoại đạo” như chúng tôi có thể làm thần linh nổi giận?
Puang Matoa Saidi cùng người học trò của ông đều ăn mặc rất cầu kỳ như vua chúa ngày xưa. Không khác gì những người phụ nữ, họ trang điểm rất chuyên nghiệp. Tiếng kèn, trống vang lên réo rắt khi những Bissu đang chuẩn bị làm lễ. Bất thình lình, một tiếng động lớn vang lên, cả gian trước ngôi nhà sàn sụp đổ, do có quá đông người đến dự lễ, may mà không ai bị thương tích gì nặng. Chỉ có vậy mà cả làng lâm râm cầu nguyện, các Bissu múa hát quay cuồng, bởi theo họ đó chính là sức mạnh của thần linh đã chứng giám cho cuộc hành lễ.
Buổi lễ bắt đầu, puang Matoa Saidi ngồi giữa, ngọn lửa được đốt lên trong một khay nhỏ, chiếc khay chuyền tay qua các Bissu, đó là ngọn lửa thần linh, thần sẽ là người truyền sức mạnh cho các Bissu, làm các Bissu thăng hoa trong lễ hiến tế. Cao trào của cuộc hành lễ khi những Bissu rút ra những con dao nhọn hình con rắn đâm thật mạnh vào lòng bàn tay, vào bụng, vào cổ. Các nhạc công đang cố sức tập trung vào giai điệu, bởi chỉ cần lạc một nhịp là có thể gây nguy hiểm cho các Bissu.
Người dân làng Pang Kep cho biết: đó là khi các Bissu đã hoà nhập linh hồn của mình ở một thế giới khác, những lời khấn đến thần linh được gởi đi bằng cách đâm con dao nhọn vào cơ thể mình và họ tin rằng chỉ những Bissu có sức mạnh của thần linh ban cho mới có thể chịu đựng lại những mũi nhọn của kim loại sắc bén đến như thế. Còn với puang Matoa Saidi, đó là cách
ông chứng tỏ với những người xung quanh về sức mạnh của mình. Trông puang Matoa Saidi lúc này không còn là con người trần tục nữa mà trở thành người thừa sai, là một phần của quyền lực thần linh.
Lễ hiến tế kết thúc. Puang Matoa Saidi rất cẩn thận khi rút con dao nhọn ra khỏi cổ, bởi chỉ mảy may sơ sẩy so với nhịp đập của thần linh, ông sẽ bị tổn thương. Đó là lúc sự giao thoa giữa linh hồn của ông và các đấng tối cao đang từ từ được tách rời. Puang Matoa Saidi trở về thế giới thực tại, để lại những lời nguyện cầu cho cõi hư vô. Với chúng tôi, đó là một thế giới xa lạ, mờ ảo đang sống rất thực trong cuộc sống đầy bụi trần…
Binh Nguyên – Trần Hoài Nam (theo sgtt)