Cầu Vịnh San Francisco là một trong những cầu có nhịp dài nhất ở Tây bán cầu và là một kỳ công của kỹ nghệ xây dựng. Băng mình qua địa hình hiểm trở, cầu luôn nằm trong tình trạng dễ bị tổn thương.

Cầu vịnh San Francisco

Giờ đây, tức là gần tám thập niên kể từ khi đi vào hoạt động, cầu đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, cần phải có một cầu mới, kích cỡ siêu lớn, nằm kế cạnh cầu cũ với trên 15km cột móng, 452 phân đoạn đường và 17.000 tấn thép gia cố. Cầu Vịnh San Francisco mới sẽ là công trình phức tạp nhất từng được xây dựng. Đây là dự án khổng lồ, và quy tụ các kỹ sư hàng đầu đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cầu sẽ trải dài gần 9 dặm trên vùng nước sâu hơn 30m. Kỹ sư, công nhân phải chạy đua cùng thời gian và chống chọi lại sức mạnh của tự nhiên.

San Francisco là thành phố nổi tiếng về cầu Cổng Vàng và quang cảnh tuyệt đẹp khi hoàng hôn buông xuống trên bờ biển. Tuy nhiên, thành phố này cũng nằm trên bờ vực của thảm họa. Trận động đất Loma Prieta đã tấn công San Francisco vào tháng 10 năm 1989 với 6.9 độ Richter. Hậu quả để lại là 62 người thiệt mạng và 3.800 người khác bị thương. Cầu vịnh cũ đã hư hại nghiêm trọng. Sàn cầu trên đổ sụp. Hàng ngàn tấn bêtông đổ ụp xuống sàn cầu dưới. Theo dự đoán, trong vòng 30 năm tới, một trận động đất kinh hoàng nữa sẽ tấn công khu vực này, trong đó có cả San Francisco. Bởi thế, cuộc đua xây dựng cầu mới thực sự là vấn đề giữa sự sống và cái chết.

Những làn xe trên cầu vịnh San Francisco

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng được cầu mới? Những gì xảy ra cho thấy, cầu mới nhất thiết phải chống chọi được sức tàn phá không khoan nhượng của tự nhiên.

Cầu mới nằm kế cạnh cầu cũ. Nó được thiết kế để chịu đựng được động đất có sức mạnh gấp 10 lần trận động đất Loma Prieta – trận động đất dữ dội nhất kể từ năm 1906.

Để đảm bảo những tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra, ban quản lý dự án đã mời những kỹ sư hàng đầu thế giới đến góp sức. Cầu Vịnh San Francisco mới sẽ được xây dựng theo cách thức hoàn toàn khác biệt so với cầu cũ. Phần đường dành cho xe cộ qua lại được chống đỡ bởi 28 cột trụ thẳng đứng làm từ bêtông cốt thép.

Cầu vịnh trong quá trình thi công

Trước hết, các ống thép rắn chắc sẽ được đóng xuống đáy biển, kế đến là phần việc của máy xúc, theo sau là nhóm xây dựng kết cấu khung, nhóm đổ bêtông và cuối cùng là nhóm nâng phân đoạn sẽ nâng những phân đoạn đường khổng lồ vào đúng vị trí. Chỉ phân nửa trong tổng số 28 cột trụ là hoàn tất. Nhóm thi công mất thêm hai năm nữa để xây xong cầu với điều kiện là họ duy trì tiến độ như mong đợi.

Đóng cọc là bước đầu tiên để xây dựng trụ mới. Trên công trường xây dựng, công việc diễn ra hết sức tấp nập. Để đưa các trụ xuống đáy biển, người ta sử dụng đến một trong những búa đóng cọc lớn nhất thế giới từng được chế tạo.

Forman Gordicrocker dẫn đầu nhóm đóng cọc trên công trường xây dựng cầu vịnh San Francisco. Thách thức của họ là làm sao đưa các trụ xuống đáy biển an toàn .

Họ sử dụng các ống thép rỗng khổng lồ và cần 6 cọc cho mỗi trụ. Tạo nền móng rắn chắc là công việc đặc biệt khó khăn do nhiều phần trong khu vực xây dựng không có nền đá để hỗ trợ khối lượng nặng nề bên trên. Đáy biển chỉ toàn bùn và rung lắc dữ dội khi động đất xảy ra. Do đó, các kỹ sư dùng đến một kỹ thuật đặc biệt để gia tăng sức mạnh cho các trụ. Họ bố trí mỗi cọc theo một góc nhất định trước khi đưa sâu xuống biển. Trụ gồm 6 góc cọc hoạt động giống như chân của chiếc ghế đẩu và trở nên vô cùng mạnh mẽ. Chúng thường được sử dụng để hỗ trợ các giàn khoan dầu xa bờ. Trụ ở góc cực kỳ hiếm trong lĩnh vực xây dựng cầu.

Cầu vịnh San Francisco sáng rực trong ánh đền đêm

Một khi tất cả đã đâu vào đấy, Gordicrocker và các cộng sự bước sang bước kế tiếp. Máy đào đưa gàu xúc vào các cọc vừa mới được đóng, lấy bùn ra ngoài, tạo không gian cho các thanh gia cố và bêtông siêu chắc.

Đứng đầu nhóm đào là kỹ sư Canada 27 tuổi Petr Nademlejnky. Anh là kỹ sư trưởng trẻ nhất trên công trường. Khi gàu xúc trồi lên và chứa đầy bùn, Petr biết rằng đã có tiến triển tốt.

Cho đến thời điểm này, nhóm thi công thực hiện công việc trôi chảy. Mặc dù vậy, những thách thức đối với dự án đồ sộ như thế này là không nhỏ.

(còn tiếp)

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *