Hơn 13 triệu ca tử vong trên toàn cầu đã được ngăn chặn, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm một nửa kể từ khi Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) ra đời vào năm 2000.
Ảnh minh họa
Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm nay do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động từ ngày 24-30/4 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, qua đó kêu gọi cộng đồng thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi để bảo vệ sức khỏe của người dân ở mọi lứa tuổi.
Vaccine hiện là công cụ giúp ngăn ngừa từ 3,5 triệu đến 5 triệu ca tử vong mỗi năm do các căn bệnh như bạch hầu, uốn ván, cúm, sởi gây ra. Các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp con người xóa sổ bệnh đậu mùa và gần như miễn nhiễm với bệnh bại liệt. Đại dịch COVID-19 càng chứng minh tầm quan trọng của vaccine trong việc tạo miễn dịch cộng đồng, giúp kéo giảm đáng kể số ca tử vong.
Ông Hans Kluge – Giám đốc WHO khu vực châu Âu cho biết: “1,4 triệu người cao tuổi ở châu Âu hiện có thể tận hưởng niềm vui bên gia đình nhờ họ đã đưa ra một quyết định quan trọng trong đại dịch COVID-19, đó là tiêm vaccine.”
Dẫu vậy, tiến độ tiêm vaccine trên toàn cầu những năm gần đây có chiều hướng giảm, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ước tính trong giai đoạn xảy ra đại dịch, 67 triệu trẻ em trên thế giới đã bỏ lỡ các liều vaccine cần thiết, trong đó có 31 triệu trẻ em châu Phi và 23 triệu trẻ em châu Á.
Xung đột, nghèo đói, tâm lý do dự tiêm vaccine là những yếu tố đe dọa công tác tiêm chủng. Hậu quả là thế giới đang chứng kiến các căn bệnh tưởng chừng đã được kiểm soát (như bạch hầu, sởi) bất ngờ bùng phát trở lại. WHO hiện đang phối hợp với các nước thúc đẩy tăng tỷ lệ bao phủ vaccine thông qua Kế hoạch Tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030, trong đó xác định tiêm chủng là một trong các quyền cơ bản của con người. Với chủ đề “Trong khả năng của con người: Giữ lấy sự sống thông qua tiêm chủng”, Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm nay nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ rằng mỗi người đều có quyền tiếp cận và được hưởng lợi từ sức mạnh bảo vệ của vaccine./.
Thảo Nguyên