Đảo quốc Iceland từ lâu đã là một trong những nơi chịu tác động lớn bởi con người, dẫn đến tình trạng sa mạc hóa diễn ra trên diện rộng. Ngày nay, một loài cây ngoại lai xâm lấn đang bất ngờ trở thành một trong những giải pháp tiềm năng để đảo ngược tình trạng sa mạc hóa ở Iceland.


Đậu Lupin là loài thực vật có nguồn gốc từ khu vực Bắc Mỹ. Từ khi được mang đến Iceland vào năm 1945, loài cây này đã phát triển rất nhanh chóng và hiện bao phủ nhiều vùng đất hoang dã ở Iceland.
Cây đậu Lupin có thể phát triển đến chiều cao khoảng 1,2 mét và sống lâu tới 20 năm. Cây ra hoa có màu tím hoặc xanh dương với hương thơm dễ chịu.
Dù là loài ngoại lai xâm lấn, nhưng đậu Lupin có một đặc tính mà không có loài cây bản địa nào sánh bằng, đó là khả năng tạo đạm rất tốt. Chính vì vậy, cây đậu Lupin đóng vai trò như một loại phân bón tự nhiên giúp cải tạo các vùng đất hoang hóa ở Iceland. Trên những cánh đồng hoa đậu Lupin, người ta có thể trồng lại những loài cây bản địa.


Kể từ khi con người bắt đầu định cư ở Iceland vào thế kỷ thứ 9 tới nay, tỷ lệ diện tích cây xanh bao phủ trên cả hòn đảo đã giảm mạnh từ mức 65% xuống còn 25%, chủ yếu do tác động từ các hoạt động canh tác nông nghiệp và phá rừng. Trong bối cảnh đó, cây đậu Lupin được xem như là một giải pháp hiệu quả để phục hồi sự màu mỡ cho đất, chống sa mạc hóa.
Tuy vậy, các nhà khoa học cảnh báo rằng sự phát triển của cây hoa đậu Lupin cần phải được quản lý chặt chẽ để tránh chúng phát triển quá mức và gây hại cho các loài cây bản địa ở Iceland.

Đức Tài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *