Các nhà nghiên cứu thiên văn vừa phát hiện một hệ Mặt trời đồng bộ hiếm có gồm 6 hành tinh xoay quanh một ngôi sao. Hệ Mặt trời này được ví như một “hóa thạch quý hiếm” của vũ trụ khi chưa từng chịu bất kỳ lực tác động mạnh nào từ bên ngoài kể từ khi hình thành cách đây 4 tỷ năm.
Ảnh minh họa
Hệ Mặt trời mới được phát hiện nhờ sự phối hợp quan sát của 2 vệ tinh thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Hệ Mặt trời cách Trái đất 100 năm ánh sáng này gồm một ngôi sao và 6 hành tinh xoay quanh nó có cấu tạo gần với các hành tinh khí trong hệ Mặt trời của chúng ta. Mỗi hành tinh trong số này lớn gấp 2 đến 3 lần Trái đất, có quỹ đạo xoay quanh Mặt trời của chúng từ 9 đến 54 ngày và ít khả năng có sự sống tồn tại.
Hệ Mặt trời mới được phát hiện có sự cộng hưởng quỹ đạo, tức tỷ lệ thời gian xoay quanh Mặt trời của các hành tinh gần như hoàn hảo, chẳng hạn như hành tinh trong cùng hoàn thành 3 quỹ đạo khi hành tinh liền kề nó hoàn thành đúng 2 quỹ đạo. Theo các nhà khoa học, tất cả các hệ Mặt trời đều khởi đầu giống như hệ Mặt trời này, song chỉ 1 trong 100 hệ Mặt trời có thể giữ được sự chuyển động đồng bộ ban đầu do các tác động như va chạm hành tinh, thiên thạch./.
Thảo Nguyên