Nhưng nếu ai đó đã có lần được đọc các tác phẩm của Trần Thôi ắt hẳn sẽ thấy rằng điều đó hoàn toàn không còn là dự cảm thuần túy, mà chính là một hiện tượng sinh động. Các sáng tác của Trần Thôi, dù là truyện ngắn hay truyện ký thì đó đều là những tác phẩm thấm đẫm tình yêu thương đối với lịch sử, với cuộc sống, với con người của quê hương anh. Bắt đầu cầm bút từ năm 18 tuổi, đến khoảng những năm 1985 – 1987, Trần Thôi chính thức bước vào con đường văn chương, một con đường có thể hứa hẹn nhiều vinh quang, nhưng trước hết phải nói rằng đầy dẫy những thử thách mà chỉ có những ai thật sự can đảm mới có thể theo đuổi đến cùng. Cùng viết song song hai thể loại chính là truyện ngắn và ký, tuy nhiên, cho đến lúc này, dường như Trần Thôi tỏ ra có duyên với thể loại ký hơn là với truyện ngắn. Bằng chứng cho thấy là những thành công mà anh gặt hái được trong những năm vừa qua đều là các tác phẩm ký văn học. Với các tác phẩm “Ải tử thần”, “Sông nước gợn buồn”, “Tiếng vọng thầm thì”, “Bên dòng sông Ngã cái” và “Chuyện hôm qua – chuyện hôm nay”, Trần Thôi đã giành được 8 giải thưởng hàng đầu, bao gồm 3 giải nhất, 5 giải nhì qua các cuộc thi với đề tài “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Bưu điện thời kỳ 1930 – 2000” do ngành Bưu điện tổ chức, lần đầu ở khu vực ĐBSCL, rồi đến cuộc thi dành cho tác giả ở các tỉnh phía Nam và trên phạm vi toàn quốc trong năm 2001. Đặc biệt, ở vòng thi cuối cùng, vượt qua 1.277 tác phẩm của 900 tác giả ở khắp nơi trên toàn quốc, tác phẩm “Bên dòng sông Ngã cái” của anh đã được Ban Giám khảo cuộc thi trao giải nhất. Cũng trong năm này, ký “Trôi dạt những mảnh đời” của Trần Thôi viết về cuộc đời của những người chăn vịt nghèo khổ, lênh đênh trên những cánh đồng mùa gặt lại vượt qua hơn 100 tác phẩm của 75 tác giả ở khu vực ĐBSCL để giành lấy giải nhất trong cuộc thi Bút ký Văn học ĐBSCL lần thứ nhất do Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh ĐBSCL tổ chức. Với những thành tích trên, năm 2001 đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Trần Thôi. Từ đây, tên tuổi của anh đã được nhiều người biết đến.
Mỗi thành công đều mang trong nó những yếu tố nhất định. Ở Trần Thôi cũng vậy. Thông thường, nói đến văn chương, trước hết, người ta nói đến văn phong. Văn phong của Trần Thôi cũng có điểm lạ, bởi giống như con người anh, ngôn ngữ trong tác phẩm của anh rất mực hiền lành, chân thực và giản dị, đôi khi còn mộc mạc đến mức xù xì và thô ráp. Song nếu điều ấy rất có thể khiến người ta còn phải suy gẫm nhiều để thẩm định đúng giá trị của nó thì ngược lại, cũng có một điều không ai có thể phủ nhận được, đó là thế mạnh đặc biệt của Trần Thôi trong cái cách anh cảm nhận và tiếp cận vấn đề. Ninh thới quê anh, cái làng quê nhỏ bé bên bờ sông Hậu ấy chắc phải hiền hòa lắm, êm đềm lắm nên mới sinh ra Trần Thôi, con người mang trong mình không chỉ có trái tim nhân hậu, mà còn cả một tâm hồn hết sức nhạy cảm ngập tràn tình yêu thương đối với con người và cuộc sống. Chính trái tim nhân hậu và tâm hồn nhạy cảm ấy đã mách bảo, dẫn dắt Trần Thôi đi tìm giữa dòng đời mênh mông những sự kiện, những con người, những khía cạnh đặc biệt của cuộc đời để làm đề tài cho những sáng tác của anh. Đặc trưng của những sáng tác ấy là luôn làm gợi lên cho người đọc sự quan tâm và mối đồng cảm sâu sắc đối với những vấn đề mà anh đặt ra trong tác phẩm. Trần Thôi có lần đã nói : đối với một người cầm bút, chỉ cần có một chút quan tâm và sự cảm thông với cuộc sống ở xung quanh thì sẽ thấy biết bao vấn đề bức xúc của con người và của xã hội. Đọc tác phẩm của Trần Thôi, người ta không chỉ biết rõ về tiến trình, ý nghĩa của các sự kiện, biết rõ về đời sống hiện thực và nội tâm của các nhân vật, mà còn thấy rất rõ quan điểm, tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với các sự kiện và các nhân vật ấy. Nói cách khác, thì người ta thấy Trần Thôi đã yêu thương biết bao lịch sử anh hùng nhưng đau thương của đất nước với những chiến công thầm lặng cùng những hy sinh mất mát không gì bù đắp được, yêu thương biết bao những thân phận, những mảnh đời cơ cực còn đang phải gánh chịu nhiều nỗi bấp bênh trên đường đời. Qua đó, người đọc buộc lòng phải có những suy gẫm về bản thân nói riêng, hoặc về giá trị của cuộc sống hiện thực ngày nay nói chung. Và đó chính là thành công lớn nhất, giá trị cao nhất trong sáng tác của Trần Thôi. Trong khi đi tìm cách lý giải cho sự thành công vừa qua của anh, chợt nhớ chẳng phải Nguyễn Du xưa đã có câu “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” hay sao…
Trần Thôi bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn chương của mình bằng nghề viết báo. Có lẽ yêu cầu của nghề nghiệp buộc anh phải đi nhiều, hỏi nhiều, ghi chép nhiều, càng nhiều càng tốt. Từ đó hình thành cho Trần Thôi một thói quen quý giá là hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong công tác điều tra, sưu tầm , thu thập tài liệu. Nhờ vậy, hầu hết các sáng tác của anh đều chứa đựng nhiều tình tiết hay, bất ngờ và thú vị, tạo nên một sức hấp dẫn đặc biết đối với người đọc. Điển hình có các truyện ký “Sông nước gợn buồn”, “Tiếng vọng thầm thì”, “Bên dòng sông Ngã cái”, “Người đàn ông và hai giò phong lan” v.v… Đặc biệt, trong ký “Trôi dạt những mảnh đời”, chỉ với khoảng năm ngàn chữ, Trần Thôi đã vẽ lên một bức tranh vừa khái quát lại vừa hết sức sinh động với rất nhiều chi tiết cụ thể mô tả cặn kẽ đời sống sinh hoạt của những con người ở làng chăn vịt chạy đồng. Chẳng vậy mà ngoài giải thưởng của Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh ĐBSCL, “Trôi dạt những mảnh đời” còn được Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu TPHCM dự định chuyển thể để dàn dựng thành phim truyện.
Còn có một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của Trần Thôi, đó là sự khổ luyện trong nghề nghiệp. Từng nghe câu “Thiên tài chẳng qua chỉ là 1% của tài năng cộng với 99% của lao động khó nhọc”. Những thành công của Trần Thôi hôm nay không phải tự nhiên mà có. Trần Thôi rất thật khi anh nói rằng, đã có lúc anh muốn bỏ nghề viết vì thấy viết văn sao mà khó quá. Trần Thôi kể lại, rất nhiều khi, giấy bút chuẩn bị xong đã lâu mà anh vẫn không sao bắt tay được vào việc. Đến khi cầm được bút lại thầm mong điện bị cúp hoặc ai đó đến rủ đi chơi để có lý do mà dừng lại. Dẫu vậy, vượt qua những thử thách âm thầm và dai dẳng, 15 năm qua, Trần Thôi vẫn kiên trì cầm bút, miệt mài sáng tác để đến hôm nay trồng cây có ngày hái quả. Sự thành công của anh đã được bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ và đánh giá cao.
Ngoài thể ký, Trần Thôi còn sáng tác khá nhiều truyện ngắn. Từ năm 1987, anh đã có một số tác phẩm in chung với Ngô Vĩnh Nguyên và Chiêm Thành trong tập truyện “Khoảnh khắc hoa quỳnh nở”. Sau này, anh còn có thêm hai tập truyện nữa là “Má tôi” và “Mưa bóng mây”, được in vào những năm 1990 và 2000. Truyện ngắn của Trần Thôi chủ yếu lấy đề tài ở những người sống quanh anh, hoặc anh đã từng bắt gặp họ ở đâu đó trên đường đời. Thông qua những mảng đời dung dị, chất phác, Trần Thôi muốn chia sẻ cùng họ những niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời, hoặc bày tỏ sự đồng cảm của anh đối với nỗi thăng trầm trôi trên những số phận lênh đênh. Từ đó, Trần Thôi tự làm rung lên những cung bậc khác nhau trong trái tim và tâm hồn anh. Bên cạnh lối viết, cách kể chuyện dung dị, mộc mạc vốn có như trong thể ký, đôi khi người ta bắt gặp trong truyện ngắn của Trần Thôi sự tươi trẻ, hóm hỉnh và duyên dáng như trong các truyện “Đừng viết văn”, “Bé Tâm”, “Thú phạt”, “Bến vắng”, “Chuyện làng” v.v… Ngoài ra, giữa những câu chữ tưởng chừng đơn giản, mộc mạc vốn có ấy, thật bất ngờ khi ta bắt gặp được những áng văn chương đẹp đẽ và tài hoa, để lộ ra một Trần Thôi khác hẳn với con người mà ta ngỡ quen biết đã từ lâu. Đó là những đoạn văn Trần Thôi kể về ông già Lục Vân Tiên của làng anh, về cha anh – một lão nông tri điền mê tiếng gà gáy và tìm thấy được ở đó không phải chỉ là niềm vui thú của trần gian, mà còn cả một triết lý sống tươi đẹp cho cuộc đời.
![]() |
Trong tác phẩm “Lặng chảy một dòng sông”, Trần Thôi có viết một câu, tôi đọc một lần và nhớ mãi. Anh viết “Có những con người mà cuộc đời họ chính là một phần của quê hương”. Nhìn lại quá trình sáng tác của Trần Thôi và những thành công mà anh đã đạt được trên con đường này, tôi nghĩ, giống như ông già Lục Vân Tiên, Trần Thôi cũng là một con sông đang ngày đêm âm thầm, lặng lẽ chở từng hạt phù sa màu mỡ bồi đắp cho mảnh đất này. Với một chữ “tâm” mang trong tim làm ánh lửa soi đường, một chữ “nhẫn” làm hành trang trên đường thiên lý, rồi anh -Trần Thôi – Trần Ninh Thới – sẽ luôn là một phần không thể thiếu của quê hương, không phải chỉ bằng những cái tên mang danh nơi chôn nhau cắt rốn, mà còn bởi tất cả những gì mà anh đang và sẽ còn để lại cho mảnh đất này.
Thu Hà