Nhà thơ Vân Đài sinh ngày 9 tháng giêng năm 1903 ở phố Hàng Trống. Tôi phải thêm một chi tiết. Trong bản tóm tắt lý lịch ở cơ quan Hội Nhà văn, bút tích chị Vân Đài ghi : (theo CMT: ngày 15 tháng ba năm 1909). Nhưng đấy là công việc của các nhà nghiên cứu với con số, không bận đến những nhớ lại này của tôi. Ngày ấy, anh Nguyễn Công Hoan, học trường Bưởi, có những năm trọ ở phố Hàng Trống. Khi đùa cợt, tôi hỏi : "Ông cùng tuổi với bà Vân Đài, mà khi mười tám đôi mươi ông cùng ở phố Hàng Trống, thế ông có lọt được vào mắt xanh của giai nhân không?", anh Nguyễn Công Hoan cười khơ khớ thật sảng khoái :
– Con Minh ấy mà (nhà thơ Vân Đài tên thật là Đào Thị Minh), ba chị em nhà nó đẹp nhất phố Hàng Trống, nhất cả Hà Nội cũng nên. Đuôi chúng nó dài lắm. Tớ có sắp hàng thì cũng phải đứng vào loại ngoài rìa hàng tá, ăn thua mẹ gì!
Phải rồi, cậu học trò trường huyện lên Kẻ Chợ thì làm sao hớp nổi cái liếng mắt của những con người nghiêng nước nghiêng thành. Bao nhiêu năm về sau, mỗi khi trò chuyện lông bông về những ngày ấy, nói đến chị Vân Đài, trong chỗ thân tình như tôi, khi nào anh Hoan cũng gọi là "cái" Minh, con Minh, "cái con" Minh và trước mặt mỹ nhân đầu thế kỷ thì anh Hoan thân mật, dịu dàng : cô Minh, tôi đề nghị cô Minh… chứ không gọi là Vân Đài.
Thế nhưng, một cuộc tình éo le, cay đắng đã đến với con người hồng nhan mà bạc phận này. Một chàng sinh viên quê Trà Vinh ra Hà Nội học trường thuốc đã chiếm được trái tim người đẹp.
Chắc là các bạn trai gái thanh lịch hôm nay nghe câu chuyện giăng mắc tơ tình ngót trăm năm trước có thể thấy xa lạ như một huyền thoại.
Thời ấy, thông thường, trai gái đến thì đều được cha mẹ gả bán, con cái chỉ biết đặt đâu ngồi đấy. Lề thói là thế, vậy mà hai người ấy đã gặp nhau và yêu nhau. Dẫu thế nào, trước miệng tiếng thế gian, cũng là chuyện vụng trộm, xấu xa. Cái chàng sinh viên cao đẳng tận miền Nam ra đây học, dù đã đánh tiếng là công tử Bạc Liêu, gia tư bậc triệu phú thì cũng không khác chuyện đâu đâu.
Bên nội bên ngoại không ai bằng lòng, lại còn nặng lời, nữa. Thế rồi hai người trốn đi, đem nhau về Trà Vinh. Một chuyện tày đình. Người sắc nước hương trời, con nhà dòng dõi bỏ nhà đi theo trai đã chấn động cả một thành phố nền nếp nho phong. Họ Đào là một nhà gia thế lâu đời ở Hà Nội. Chẳng phải chỉ là điều xấu xa riêng cho một nhà, một họ, mà tai tiếng lan khắp. Gia đình đã ra trước pháp luật, từ bỏ đứa con bất hiếu.
Nhưng cuộc tình ấy cũng không hạnh phúc. Mười ba năm đằng đẵng ở Trà Vinh rồi phải "Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi” (Thế Lữ). Hai con lớn ở lại với cha. Một con trai thứ ba và cô gái út còn trứng nước với mẹ trở ra Hà Nội.
Nỗi đau mối tình tan vỡ đã chôn vùi mãi, nhưng cả đời thơ Vân Đài không khuây được nỗi niềm gắn bó với một phương trời mà người con gái ngót hai mươi tuổi đã lỡ bước tới – một day dứt ngược đời. Hình ảnh những "Trà Vinh thương nhớ", những địa danh xa lạ An Trường, Tiểu Cần, Càng Long đã hiển hiện trong mỗi lời thơ. Nhớ thương ấy không chỉ là một trạnh nghĩ, mà là nỗi đau đời người.
Năm 1954, khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, chị Vân Đài nhận được đứa con thứ hai theo người ta từ miền Nam ra tập kết. Huỳnh Tấn Khanh năm ấy đã ngoài ba mươi tuổi. Khanh người nhỏ nhắn, thanh tú.
Khanh mắc bệnh dại bẩm sinh – một chứng điên hiền lành.
Tôi đã làm quen với Khanh. Tôi thường nhận thấy ở người bệnh thần kinh có một tư cách và suy nghĩ lạ, như sinh vật ở hành tinh khác tới. Tưởng như sự im lặng hay mỗi câu nói của họ đều ngoài hiểu biết của ta.
Như em Dũng đương học lớp 1 thì loạn óc, cả ngày đi tha thẩn. Hơn mười tuổi, em theo cả nhà về Quảng Ngãi. Em nhớ Hà Nội đến độ em cố học lại, viết được thư cho tôi. Tất nhiên, nguệch ngoạc vài dòng. Thư nào cũng hỏi thăm sức khỏe bác Nguyên Hồng, dẫu cho mỗi lần trả lời thư Dũng, tôi đều bảo cháu là bác Nguyên Hồng mất rồi. Thư sau lại hỏi thăm bác Nguyên Hồng! Có lẽ người điên được hạnh phúc có cái đinh ninh vĩnh viễn. Nhiều năm, tôi quen Châu ở vùng ngã năm phố Bà Triệu. Tôi đã để ý cái anh ngớ ngẩn này từ hồi anh ta làm bưng bê cho hiệu nem Cát Tần.
Trẻ con các trường học quanh ngã năm vừa sợ lại vừa hay trêu "Trâu điên". Ngày ngày, Châu đun nước gội đầu cho các hiệu cắt tóc và rửa bát hàng phở, kiêm húp nước phở thừa. Lâu lâu không gặp tôi, Châu đi các hàng quán và hiệu cắt tóc quen, hỏi : Có thấy ông Tây đến không? Châu gọi tôi là "ông Tây" không phải vóc vạc tôi to như Tây, mà có lẽ vì đôi khi tôi cho Châu tiền. Thấy tôi, Châu chụm chân giơ tay chào kiểu nhà binh. Có hỏi, chỉ trả lời dóng một : Đi đâu? – Về. Ăn cơm chưa? – Rồi. Lấy vợ chưa? – Chưa…
Vài năm nay không gặp, chắc đã chết ở bờ tường nào rồi.
Còn Khanh thì lúc nào cũng xách cái túi cói, trong có mấy cái lá cải bắp. Khanh không chào hỏi, hai con mắt đăm đăm nhìn. Tôi đưa tiền. Khanh lắc đầu. Đã biết tính, tôi mua cho mấy điếu thuốc lá, Khanh cầm ngay, rút hút luôn một điếu, rồi đi. Con mắt vẫn nhìn đằng trước, cũng lẳng lặng như cái bóng lúc đến.
Chị Vân Đài thương đứa con thứ hai này lắm. Chị thường ao ước bao giờ để dành được đủ tiền chị sẽ sắm một cái máy khâu cho Khanh. Có việc làm vui tay thì thần kinh nó sẽ đỡ ốm, sẽ khỏi – chị Vân Đài thường tưởng tượng thế. Vậy mà, cho đến khi hai tay buông xuôi, chị vẫn chưa lo xong được việc ấy cho con.
Chị Vân Đài mất ngày 31 tháng mười hai 1964, thọ sáu mươi mốt tuổi. Tôi còn nhớ hôm đưa tang chị, Khanh cũng được đội mũ, đeo băng đen, như Hùng, như Tuyết, các con chị, nhưng Khanh không ngồi trong xe tang với mọi người trong gia đình. Khanh đứng bíu vào cửa xe rồi trèo lên ngồi bó gối trước mui xe linh cữu mẹ. Chốc chốc, rít một hơi thuốc lá rồi lại gục đầu xuống, Khanh thương mẹ, Khanh khóc mẹ, Khanh đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng theo cách của Khanh. Rồi Khanh còn sống vất vưởng đến năm nào, tôi không biết.
Cái năm bỏ Trà Vinh về lại Hà Nội, chị Vân Đài ba mươi tuổi. Bốn năm sau, Vân Đài tái giá với Nguyễn Khắc Tường, một công chức chuyên viên ngành vô tuyến điện, anh Tường goá vợ. Cuộc tình duyên của anh chị đã toàn vẹn đến trọn đời.
Xưa nay, tôi hay để ý Hồ Gươm, không phải đền chùa cũ, nhà máy điện, toà thị chính, bến xe điện Hà Đông ngày trước, mà những cái nhỏ nhặt, nếu người biết chẳng nói thì không mấy ai tỏ tường được. Đôi khi, những lặt vặt ấy lại là điều mà các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua.
Theo cụ Trần Huy Bá, bờ hè các phố giữa Hà Nội nhiều quãng bọc thềm bằng đá núi Thày, núi Trầm. Thời ấy, xi-măng và gạch ngói phải tải bên Pháp sang, những vỉa hè đá là vỉa hè đầu tiên ở Hà Nội. Bây giờ, nếu có sửa các hè phố Tràng Tiền, phố Hàng Khay, mấy quãng phố Ngô Quyền và một số phố khác, xin thành phố đừng cho bỏ đá ốp xi-măng với cát, mà nên giữ vẻ đẹp và di tích của đá ban đầu.
Ngày trước, ở vườn hoa Cửa Nam có một pho tượng lớn. Tượng thu nhỏ hình thần Tự Do ở cửa cảng Nữu Ước bên Mỹ. Tác giả tượng là một nhà điêu khắc Pháp. Nước Pháp đã đưa niềm vinh dự của tài năng đất nước họ đi khoe với các nước thuộc địa và đặt tượng này vào một chỗ lộng lẫy nhất Hà Nội, thủ đô xứ Đông Pháp.
Theo cụ Hoàng Đạo Thuý, đầu tiên, tượng được dựng trên mái Tháp Rùa. Có ý để cho bốn phía hồ đều trông thấy. Nhưng rồi các báo Pháp ở Hà Nội và Hải Phòng đã kịch liệt phản đối. Họ bảo là : Tượng đặt trên cái tháp mỏng manh dễ bị đổ, vì xứ này hay có bão. Vả lại, tượng người đàn bà mà lại ngồi lên nóc cái chùa thì phạm vào phong tục phương Đông. Ông đốc lý Pháp đã phải dỡ pho tượng trên nóc tháp Rùa xuống, khiêng ra đặt ở vườn hoa Cửa Nam. Người qua đường gọi là tượng "bà đầm Xòe" – có ý mỉa mai làm vế đối với tượng đồng “Bôn-be” chỗ vườn hoa Nhà Kèn.
Mặt nước Hồ Gươm lăn lăn gợn sóng. Từ bên tháp Hoà Phong qua tháp Rùa sang bờ bên này, những đám sóng đỏ nhấp nhô. Mùa thu, cánh hoa lộc vừng rụng từng đám đỏ hây lững lờ rạt sang bên này hồ. Một con rùa ngoi đầu lên đớp những cánh hoa.
Chúng tôi ngồi bên mép nước, dưới chân đã tụ lại từng làn cánh hoa lộc vừng đỏ. Chị Vân Đài ngoảnh nhìn quãng dốc lên phố Hàng Trống.
– Nhà tôi trước ở xế ngã ba đầu dốc ấy. Chị em chúng tôi thường rửa rau vo gạo, giặt giũ ở cái cầu ván bắc ra hồ đầu ngõ Bảo Khánh bây giờ. Những tối sáng trăng còn ra hồ tắm. Bấy giờ, những bụi cúc tần phủ dây tơ hồng vàng rượi cả một mé bờ hồ bên này.
Thế ra chỗ ghế đá chúng tôi ngồi đây, ngày ấy còn lơ lửng trong lòng hồ. Người Pháp làm đường vòng quanh Hồ Gươm đã ngang ngược cắt đôi sân đền Bà Kiệu, khiến cho cái cổng vào đền phải đứng mồ côi một mình bên kia đường đến tận hôm nay. Nhưng cũng nhờ con đường mà từ đấy về sau, lòng hồ bớt bị lấp thêm.
Chị Vân Đài thông thuộc vùng Hồ Gươm như người ta quen cái đầm nước y con đường làng. Những quang cảnh không bao giờ còn nữa, nhưng nghe chị kể thì tưởng như phảng phất chỗ cầu Gỗ vẫn cái lạch nước và từ bờ sông Cái vào, buổi trưa, những bãi dâu và cánh đồng ngô tràn nắng đến tận đầu cầu Thê Húc.
Ai mà nhớ được như chị! Những miếu âm hồn đầu Hàng Giò. Ở bờ hồ chỗ Hàng Trống trông xuống, vào những đầu mùa hạ và tháng bảy, hàng phố làm lễ kỳ yên, cúng chúng sinh, khói vàng mã bốc lên như cháy hồ. Trên mặt nước oan nghiệt vô tình kia, chẳng mấy hôm mà không có người ra trẫm mình, người sảy chân, vơ vẩn biết bao nhiêu hồn oan.
– Anh có biết một cảnh thật là quê ngay giữa thành phố này. Chỗ bên kia hồ thôi.
Tôi theo chị đi men hồ đến nơi khác thường ấy và nghe chị nói chuyện về tháp Rùa. Cái gò cỏ nhô giữa hồ, vào những ngày đông hanh hao, từng đàn rùa – thật ra, đấy là một loại ba ba, những con rùa có con to bằng cái nia – lên mặt gò phơi nắng. Một nhà phú hộ, ông bá hộ Kim, được phép làm công đức xây một tháp trên gò, tháp được người ta gọi nôm na là tháp Rùa.
Đại lộ Hai Bà Trưng quãng giữa ngã tư Hàng Bài và Bà Triệu, trên vỉa hè um tùm mấy cây nhãn, như lề đường các phố cũ, nhấp nhô ngôi nhà cổ rêu phong ẩm ướt. Chen với những toà biệt thự được xây dựng hồi giữa thế kỷ. Nếp nhà tựa ngôi đền ấy là từ đường ông bá hộ Kim, ngày nay con cháu vẫn đương ở. Quá vào trong, một khu vườn, cỏ loang và bóng cây um tùm sang tận bờ dậu các vườn dinh thự bên đại lộ Lý Thường Kiệt.
Bỗng nhiên, chúng tôi lạc vào giữa vắng lặng. Bao nhiêu nhộn nhịp phố phường đã chìm nghỉm ngoài kia.
Giữa cái khoáng đãng thôn dã, một tiếng gà gáy trưa không biết trong các bụi cúc tần hay ở một gốc cây nhãn cổ thụ nào. Tiếng gà gáy trong im ắng, cảnh thôn dã thơ mộng vừa khác thường vừa gần gũi xiết bao.
Chị Vân Đài nói :
– Nghe tiếng gà gáy vang ra tận các ngách tường xung quanh, anh thấy thế nào? Tôi rất ưa những nơi như làng mạc mà bước ra cửa đã gặp thành phố. Trước kia, chúng tôi đã tậu một thửa đất khá rộng ở Xã Đàn, có ý định thực hiện điều mong ước ấy. Nhưng cứ nay đây mai đó, không lúc nào được ở lâu Hà Nội. Đến khi đi kháng chiến về, tôi đã hiến nhà nước chỗ đất ấy. Có gì đâu, chúng tôi đã cao tuổi, đứng trước mảnh đất hoang, thấy cái mơ ước xưa kia và thực tế của mình bây giờ, thật so le, chẳng còn hào hứng và sức lực nữa.
Tôi hỏi :
– Hình như ngày trước từ khi trở về Bắc, chị đã được đi và ở rất nhiều nơi. Tôi nhớ những bài thơ của chị đăng báo Đàn bà hồi ấy, khi thì viết ở Luang Prabang, khi ở Cham Bát Xắc. Chị đã đăng ở báo nào những câu "Tiếng đêm" :
Tưởng hồn thu theo trong khuya vắng
Rủ rỉ cùng hoa nói chuyện đời.
Chị Vân Đài trầm ngâm rồi nói :
– Chúng tôi ở đảo Cát Hải bốn năm. Rồi nhà tôi phải đổi ba năm sang Lào, khi Thượng Lào khi Hạ Lào, có dạo ở trên cao nguyên Bôlaven.
Rồi chị lại nói :
– Nhưng mà những kỷ niệm buồn vui nhất đời đối với tôi vẫn là thời trẻ và những ngày kháng chiến. Trước kia được đi lắm nơi thật, như là con người trong cuộc sống nội trợ gia đình, tất nhiên là đường xa cảnh lạ được biết nhiều. Từ khi cách mạng thành công, nhà tôi tình nguyện nhập ngũ. Ông ấy vốn là chuyên môn vô tuyến điện.
"Thế là tôi cũng vào bộ đội. Bấy giờ tôi mới có được một đời sống ý nghĩa với xã hội. Năm 1948, tôi gia nhập Đảng trong quân đội, tôi đã đi bộ hầu khắp Việt Bắc. Tôi ở trong Ban Văn nghệ Liên khu 1 và viết các báo : Xông pha, Bắc Sơn, Quân tiên phong. Về hoà bình, làm báo Phụ nữ Việt Nam, báo Văn Nghệ…
"Thôi, bao nhiêu gian khổ thì khỏi nói. Nhưng chưa bao giờ tôi có được những ngày sôi động, gây được ấn tượng nhớ mãi đến như thế. Ở thời kỳ này tôi làm được nhiều thơ nhất”.
1954, những năm chúng tôi trở về Hà Nội.
Lại một mùa thu tới, mỗi khi nhớ chị, tôi cứ nghĩ đến mùa thu, không hiểu vì sao. Có lẽ vì bấy lâu chỉ nghe chị nói những chuyện buồn xưa và những xế chiều. Dạo ấy, cơ quan có sáng kiến lập một cái căn-tin. Ngôi nhà trụ sở vốn là một biệt thự, cả mặt bằng tầng trệt là nơi tiếp khách bây giờ, ghép bàn lại làm cái quầy, trên bày một loại chai rượu mùi : chanh, mơ, si rô lựu đỏ bán pha với bia cho người Hà Nội đương tập uống bia. Và mấy tút thuốc lá D’rao rẻ tiền với Thăng Long bao bạc. Khi ấy, ngoài chợ, mậu dịch bán phân phối từng lạng muối, cân bột mì Liên Xô thay gạo phiếu và tôi đã công phu biết nhóm bếp thổi cơm bằng sách cũ giấy vụn, ngoài đường tuyệt nhiên không có hàng quán và ai mua bán gì, thì cái căn-tin ú ớ này cũng là một niềm an ủi cơn sầu nhiều lắm.
Người giữ căn-tin là chị Vân Đài. Ừ, con người đã viết cả một quyển sách dạy ai muốn trở thành Người thanh lịch thì ít nhất ở chỗ này cũng là dịp cho người cầm bút thấy được sự thanh lịch và vang bóng.
Căn-tin dập dìu mỗi chiều chiều.
Nguyễn Tuân và tôi hay đến ngồi bên thềm cái bồn nước, trên dàn rủ xuống những dây hoa ớt vàng nhòe.
Chúng tôi uống bia Hữu Nghị – một thứ bia đen quý hiếm, hồi ấy có nhìn thấy ở quầy khách sạn "Mêtôbôn Thống Nhất" mà chỉ khi nào cùng đi với khách nước ngoài mới được mua uống, thật như lá trong chiều thu mặt hồ yên sóng, người đàn bà thanh lịch ấy bước ra.
Cử chỉ và phong thái Hà Nội thuở nào, con người của phòng khách, của các thứ salông đài các và sang trọng xưa kia. Mặc dầu vẫn bộ áo đại cán ka-ki màu "be" may đồng loạt trên Thái Nguyên, nhưng quần áo là thẳng nếp. Mái tóc hoa râm, vẻ yểu điệu thanh xuân không còn nữa, nhưng cách thức nhấc, đặt chiếc phin và tách cà-phê vừa như hững hờ lại thật như ý tứ. Ôi, điếu thuốc lá – chỉ là điếu thuốc lá mà nói là cầm thì không đủ nghĩa, điếu thuốc lá như một búp ngọc lan chín trắng mịn giữa những ngón tay một thời ngà ngọc của chị.
Chị Vân Đài hút thuốc lá thơm. Chị không uống bia, chị chỉ "giúp đỡ” chúng tôi uống bằng cách đặt cái quyển sổ ghi nợ đã để sẵn đấy. Không biết có còn những ai thế nữa chăng, còn chúng tôi hôm nào cũng uống biên sổ. Thiếu nợ nhà nước vài ba két bia uống chơi đã ăn nhằm gì, chưa khi nào chúng tôi tính đến chuyện trả. Rồi căn-tin của chị Vân Đài vỡ nợ, đóng cửa.
Tô Hoài – Những gương mặt – Chân dung văn học