Người có tên trên trang đầu các cuốn Harry Potter bản tiếng Việt, ngoài J.K.Rowling, chỉ có thể là Lý Lan! Vậy là, giới truyền thông bắt đầu gắn thêm hai từ “dịch giả” vào cạnh chức nghiệp vốn có của chị là “nhà giáo” và cái nghề mà chị theo đuổi là “nhà văn” mỗi khi nhắc tới Lý Lan. Và lúc này, tại đây, nhà giáo mô phạm, văn sĩ sắc sảo, dịch giả nghiêm cẩn và trước hết là người đàn bà an nhiên, tự tại Lý Lan sẽ chia sẻ với độc giả Vietimes những trải nghiệm của mình, cũng như cách nhìn của chị về cuộc sống hôm nay, về văn chương, về dịch thuật…

"Tôi thích sống giữa thiên nhiên. Cây cỏ, đất đá đối với tôi đều có linh hồn vì tôi luôn thấy được cảm thông giữa thiên nhiên. Làm vườn là sống với cây cỏ đất đá, là tạo một thiên nhiên mang dấu ấn cá nhân chung quanh mình. Tức là một kiểu tôn cái tôi của mình. Người có nhiều sở thích quá thì cái tôi của y át mất thế giới. Nên tôi cố hạn chế sở thích của mình vào những hoạt động vô hại, nếu không thể có lợi cho thế gian, như ngắm hoa nở, ngắm trăng lên, lắng nghe gió thổi, côn trùng kêu… " – (Lý Lan)

Phóng viên (PV) : Lý Lan chào đời ngày 16 tháng 7, một ngày nắng hay mưa? Chị có tin là mùa sinh ra người đàn bà cũng sinh ra tính cách của họ không?

Nhà văn Lý Lan (NV LL) : Ba tôi nói tôi chào đời vào buổi tối, tháng 7 thường có mưa, nhưng ba không nhớ buổi tối đó có mưa hay không. Tôi cũng được lấy cho một lá số tử vi, nhưng tôi chưa đi hết vòng đời của mình để nghiệm đúng vận mạng của mình.

PV : Gia đình có ý nghĩa như thế nào với người đàn bà Lý Lan?

NV LL : Gia đình là một cộng đồng cần thiết để mình sống đầy đủ những chức phận xã hội, như làm con, làm chị, làm em, làm vợ, làm mẹ, làm bà… Gia đình truyền thống thường dựa trên quan hệ huyết thống. Nhưng gia đình ngày nay cơ bản dựa trên sự đồng thuận gắn bó nhau bằng tình yêu, có thể là một người đàn ông và một người đàn bà kết hôn rồi sanh con cái, có thể là hai người đàn ông hay hai người đàn bà sống với nhau và nhận vào gia đình mình những đứa con nuôi, có thể là một người đàn ông hay một người đàn bà nuôi con, em, cháu. Thông thường, “gia đình” có từ hai người trở lên. Một người cũng có thể là một gia đình, nhưng khi người ta nói tới “gia đình”, người ta thường nghĩ đến một hay nhiều người khác mình nhưng thân thiết gắn bó với mình.

PV : Ký ức về vườn trái cây Lái Thiêu quê mẹ, cái nôi thơ ấu của chị, nơi chị đã sống 8 năm đầu đời cho tới khi mẹ mất, hẳn vô cùng đặc biệt… Chị có nghĩ hoàn cảnh sống của một ấu nhi có ảnh hưởng quan trọng nhất tới cả cuộc đời sau này không? Với riêng chị thì sao?

NV LL : Thời thơ ấu quan trọng lắm, đối với mọi con người. Trường hợp của tôi đâu có riêng biệt gì? Tám năm đầu đời sống trong tình yêu đầy đủ của cả cha mẹ, ông bà, họ hàng xóm làng ở nông thôn an lành hình thành nên giá trị căn bản con người tôi.

PV : Tôi vẫn thấy chị đang rong chơi, và an nhiên giữa cuộc đời. Hạnh phúc và nụ cười lấp lánh có thể mường tượng rất rõ trong những trang ghi chép trên và sau mỗi chuyến đi của chị… Người bạn đời của chị hẳn cũng chung vui với những niềm vui dung dị và trong trẻo mà chị tạo ra?…

NV LL : Trong hôn nhân, tôi là người may mắn. Và chồng tôi cũng biết là anh may mắn.

PV : “Bây giờ tôi cảm thấy, với tôi, trở thành một nhà văn tự do là đủ tốt cho mình rồi.” – Chị thấy thật vậy? Có thể hình dung như thế nào về nhà văn tự do Lý Lan hôm nay?

NV LL : Câu đó, tôi nói trong một cuộc phỏng vấn khác, trong bối cảnh đang nói đến việc phụ nữ phải làm thêm nghề khác mới có thể theo đuổi chuyên môn (nghệ thuật) của mình. Trước đây, tôi đã mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau, bây giờ ở tuổi tri thiên mệnh, biết sức mình biết phận mình rồi, tôi tự cho tôi cái quyền sống nhàn, tự do, tự tại. Có thể hình dung về tôi hôm nay đại khái như thế này : tôi không làm việc lãnh lương tháng cho ai hay ở đâu cả, tùy hứng mà viết, in chỗ này không được thì in chỗ khác, ở chỗ này không được thì ở chỗ khác, làm việc này không được thì làm việc khác.

PV : Ngoài văn chương, chị quan tâm tới nghệ thuật nào khác? Chị có quan tâm tới cái gọi là nghệ thuật đương đại ở Việt Nam?

NV LL : Tôi thích âm nhạc. Hồi nhỏ, tôi có học vẽ, nhưng được thầy khuyên không nên theo đuổi nữa. Tôi cũng thích điện ảnh, thường xem phim truyện và phim tài liệu. Quê tôi có lò gốm, hồi nhỏ, tôi hay lấy đất sét nắn ra cái này cái kia, lớn lên vẫn ham tạo hình, nhưng chỉ ham thôi. Trên đời có nhiều thứ hay quá, mình không kham hết được. Rốt lại, tôi chỉ còn đeo đuổi ba bốn thứ : đọc sách, viết văn, nghe nhạc, làm vườn. Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam phản ảnh xã hội hiện nay ở Việt Nam. Ẩn lắng dưới những ồn ào bát nháo chắc có những giá trị đích thực ít người biết đến.

PV : Chị nói chị hiểu mình rất rõ. Tôi cho đó là một yếu tố quan trọng để thành công. Chị có lời nào với những người không biết mình là ai hay không?

NV LL : Hiểu biết mình cũng như những hiểu biết khác, cần có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm, học tập… Không thể tự nhiên hiểu ra một điều gì, và không phải hễ mình tưởng mình hiểu tức là mình hiểu. Tôi nói mình hiểu mình là điều quan trọng nhất. Có thể coi đó là một yếu tố để thành công, như cổ nhân nói Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Nhưng tôi chưa đạt tới trình độ đó. Hình như Socrates nói rằng : “Điều tôi biết chắc là tôi không biết gì hết.” Tôi chỉ nhái ông mà nói : Tôi hiểu rõ tôi ở chỗ tôi không hiểu gì cả.

PV : Chị có thích một kiểu người nào đó không? Một thần tượng?

NV LL : Kiểu người nào cũng đáng quan sát tìm hiểu đối với một người viết văn. Tôi không có thần tượng.

PV : Chị có nguyên tắc sống thế nào?

NV LL : Sống sao mình cảm thấy thoải mái là được.

PV : Một vài sở thích ngày thường của chị? Tỉ dụ, làm vườn?

NV LL : Ừ, tôi thích sống giữa thiên nhiên. Cây cỏ đất đá đối với tôi đều có linh hồn vì tôi luôn thấy được cảm thông giữa thiên nhiên. Làm vườn là sống với cây cỏ đất đá, là tạo một thiên nhiên mang dấu ấn cá nhân chung quanh mình. Tức là một kiểu tôn cái tôi của mình. Người có nhiều sở thích quá thì cái tôi của y át mất thế giới. Nên tôi cố hạn chế sở thích của mình vào những hoạt động vô hại, nếu không thể có lợi cho thế gian, như ngắm hoa nở, ngắm trăng lên, lắng nghe gió thổi, côn trùng kêu…

PV : Ảnh hưởng của công nghệ thông tin tới bản thân Lý Lan?

NV LL : Có lẽ Internet có ảnh hưởng lớn nhất. Máy tính giúp ích nhiều cho công việc nghiên cứu và sáng tạo. Nhưng tôi không xài ipod và iphone…

VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ LÝ LAN

Nhà văn Lý Lan

Lý Lan chào đời ngày 16 tháng 7 năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Quê mẹ ở xứ vườn trái cây Lái Thiêu, quê cha ở huyện Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tám năm đầu đời, Lý Lan sống ở quê mẹ, sau khi mẹ mất thì gia đình về Chợ Lớn định cư đến nay.

Lý Lan học khoảng một năm ở trường làng, nửa năm ở trường Trung Chánh, và học hết tiểu học ở trường Chợ Quán, trung học ở Trường Gia Long, đại học ở Trường Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, và cao học (M.A.) Anh văn ở Đại học Wake Forest (Mỹ).

Từ năm 1980, Lan bắt đầu dạy ở Trường Trung học Cần Giuộc (Long An), năm 1984 chuyển về Trường Trung học Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh), năm 1991 chuyển qua Trường Trung học Lê Hồng Phong, năm 1995 sang dạy ở Đại học Văn Lang đến năm 1997 thì nghỉ dạy hẳn.

Tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Lý Lan :

– Cỏ hát (in chung với Trần Thùy Mai, NXB Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1983).

– Ngôi nhà trong cỏ (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1984) – Tập truyện thiếu nhi được giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.

– Là mình (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2005) – Tập thơ được giải thưởng thơ hội Nhà Văn TP HCM.

– Nơi bình yên chim hót (NXB Cà Mau, Cà Mau, 1986)

– Chút lãng mạn trong mưa (NXB Trẻ, TP HCM, 1987)

– Hội lồng đèn (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1991)

– Chiêm bao thấy núi (NXB Trẻ, TP HCM, 1991)

– Truyện (in chung với Nguyễn Thị Minh Ngọc và Nguyễn Hải Chí, NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1992)

– Những người lớn (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1992)

– Mưa chuồn chuồn (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1993)

– Chân dung người Hoa (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1994)

– Đất khách (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1995)

– Bí mật của tôi và Thằn lằn Đen (NXB Trẻ, TP HCM,1996)

– Lệ Mai (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1998)

– Thơ (in chung với Thanh Nguyên và Lưu Thị Lương, NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1998)

Bìa cuốn "Tiểu thuyết đàn bà"

– Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1998)

– Khi nhà văn khóc (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1999)

– Dặm đường lang thang (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1999)

– Dị mộng (NXB Trẻ, TP HCM, 2000)

– Quán bạn (in chung với Thanh Nguyên, Lưu Thị Lương và Chim Trắng, NXB Trẻ, TP HCM, 2001)

– Một góc phố Tàu (NXB Văn học, Hà Nội, 2001)

– Ba người và ba con vật (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2002)

– Là mình (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2005)

– Người đàn bà kể chuyện (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2006)

– Miên man tùy bút (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2007)

– Tiểu thuyết đàn bà (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2008)

***

Nhật ký phóng viên

 …Tôi không biết nhiều về Lý Lan, cũng không hâm mộ Harry Potter. Tôi chỉ cảm thấy Lý Lan là một người nữ viết văn không quá màu mè, không quá “sâu cay dày vỏ”, cũng chẳng kiếm chuyện gây “xìcăngđan” như khá nhiều nhà văn nữ hôm nay. Tôi đôi khi đọc được những tản văn, tùy bút của chị trên vài tờ báo nghiêm ngắn mà mình có yêu thích. Biết chút chút về chị, biết chút chút về người nổi tiếng thì cũng coi là chưa biết gì. Chỉ là cảm giác thôi – một mối thiện cảm.

Và vì thế, tôi đã dịch một bài phỏng vấn Lan bằng tiếng Anh, dù thiếu tự tin, là vì tôi thừa cảm hứng. Tôi đã ngồi dịch khi mình hơi ốm và đi ngồi vạ vật ngoài đường giữa nắng chang chang, tôi đeo kính râm ngồi bệt dưới bóng cây để gõ, như bị “tha hóa”, trong khi chờ sửa xe đạp.

Và, cũng như bị “tha hóa”, tôi đã gửi bản dịch của mình cho Lý Lan mà không hy vọng gì vào sự hồi âm kịp thời của một người nổi tiếng. Bất ngờ, tôi nhận được e-mail chị gửi sau khoảng một tuần, khi tôi tưởng mình đã… tuyệt vọng. Chị tỏ ra áy náy vì đã để tôi phải chờ đợi, và sẵn lòng trò chuyện trực tiếp với tôi bằng… tiếng Việt. Thì ra, trong một tuần e-mail tôi chưa được mở ấy, chị đang rong chơi xứ Angkor…

(Còn nữa)
Nhuệ Anh (Vietimes) thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *