Có thể nói năm 2008 là năm buồn nhất trong cuộc đời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Bởi chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, số phận đã cướp đi của ông cả cha và mẹ. Sự mất mát này dường như là quá sức với nhà thơ – một người nổi tiếng hiếu thảo với song thân của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và mẹ |
Có lần Nguyễn Quang Thiều kể rằng, ông cùng với nhà thơ Nguyễn Duy về quê của Nguyễn Duy chơi. Nhìn thấy cảnh ngôi nhà trống vắng, nhà thơ Nguyễn Duy cất tiếng hỏi: “Có ai ở nhà không?”, nhưng không có ai trả lời. Bóng tối loang lổ, lá khô rụng cửa vào sân gạch, gió thổi vi vu. Ngôi nhà im lìm trong bóng chiều tà. Thấy cảnh như vậy Nguyễn Quang Thiều chợt hoảng sợ khi nghĩ đến một ngày nào đó, ông trở về ngôi nhà của mình, cất tiếng gọi bố mẹ nhưng đáp lại chỉ là hư vô. Nguyễn Quang Thiều giờ đã thành sự thật.
Có thể nói năm 2008 là năm buồn nhất trong cuộc đời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Bởi chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, số phận đã cướp đi của ông cả cha và mẹ. Sự mất mát này dường như là quá sức với nhà thơ – một người nổi tiếng hiếu thảo với song thân của mình. Tháng 5/2008, người cha rất mực kính yêu của ông đã ra đi vì lâm trọng bệnh. Sự hụt hẫng, nỗi đớn đau còn quá mới thì vừa đây thôi, vào ngày 22/11, người mẹ mà Nguyễn Quang Thiều thương yêu nhất cũng đã giã biệt ông mà an nghỉ chốn vĩnh hằng. Chưa bao giờ tôi thấy Nguyễn Quang Thiều suy sụp đến vậy.
Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh nhà thơ chăm sóc mẹ và vì thế nên tôi phần nào hiểu được nỗi đau của ông khi người mẹ không còn nữa. Vậy là từ giờ trở đi, mỗi chiều thứ bảy đến, ông không còn được hối hả để trở về bên mẹ. Không cần biết thiên hạ dùng hai ngày nghỉ cuối tuần để làm gì, riêng ông, quỹ thời gian ấy là dành cho bố mẹ, đó như một quy luật hiển nhiên không gì thay đổi được. Đã có lần vợ của nhà thơ tỏ ra ái ngại khi trời đang chuyển giông bão mà ông vẫn nhất quyết về thăm bố mẹ. Vợ ông bảo: "Anh hãy để trời hết giông thì hãy về. Đi bây giờ nguy hiểm lắm!". Ông đã không một phút suy nghĩ mà trả lời rằng: "Không, chỉ cần nghĩ đến hình ảnh mẹ đang thấp thỏm ngóng chờ anh ở phía đầu làng và lo lắng cho anh thì mọi gió mưa kia chẳng còn nghĩa lý gì". Và cuối cùng vợ ông đành bất lực để chồng đội mưa gió về quê.
Mẹ của ông là bà Ngô Thị Thái – đó là một người phụ nữ rất đặc biệt. Tuy chỉ là một cô giáo làng nhưng sự thông minh dí dỏm của bà thì bất cứ người nào tiếp xúc cũng đều dễ dàng nhận thấy. Bạn bè của Nguyễn Quang Thiều rất quý ông, và thường thì có cơ hội là họ về quê cùng ông. Ai nấy trong số họ khi tiếp xúc với cụ đều lắc đầu khó hiểu: "Tại sao một cụ già gần như chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng mà cái sự hiểu biết lại uyên thâm đến vậy".
Họa sĩ A Sáng, bạn của nhà thơ còn nhận xét rằng: "Cụ bà là một người rất phong cách". Có lẽ Nguyễn Quang Thiều đã được thừa hưởng những tố chất tốt đẹp ấy từ mẹ mình. Trong cuộc sống thường ngày, bà vẫn hay gọi nhà thơ với giọng rất trìu mến "Quang Thiều à, Quang Thiều ơi!". Tôi biết, giờ đây dù Nguyễn Quang Thiều có đánh đổi cả hàng nghìn thứ bảy để trở về mái ấm nơi anh đã sinh ra thì cũng không bao giờ được nghe lại lời gọi thân thương và ngọt ngào ấy.
Nguyễn Quang Thiều thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình gia phong, nền nếp và lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương. Có lẽ người ta sẽ hiếm gặp ở đâu một khung cảnh đôi vợ chồng già xấp xỉ tuổi 90, ngồi bên nhau mà vẫn nói những lời bông đùa và kể lại cho nhau nghe những chuyện tình yêu của thuở ban đầu như hai cụ song thân của nhà thơ. Có lần, khi đang ngồi nói chuyện với bà và tôi, cụ ông bỗng dưng ngủ gật. Bà chỉ cho tôi rồi pha trò: "Nhìn kìa, ngồi nói chuyện với người yêu mà cũng ngủ gật. Rõ chán!"…
Với Nguyễn Quang Thiều thì cha là người truyền cho ông ý chí. Cụ vẫn thường dạy ông rằng: "Đừng bao giờ gây sự hay cãi nhau với ai. Nếu có bị người ta hắt nước, té bùn thì hãy rửa sạch rồi đi tiếp đến nơi mình cần đến". Còn với mẹ, Nguyễn Quang Thiều lại được thừa hưởng sự hài hước, tinh tế và lãng mạn. Cảm hứng văn chương của ông hầu hết đều được khơi nguồn từ mẹ. Nguyễn Quang Thiều bảo, ông có thể trò chuyện với mẹ mình hết ngày này qua tháng khác không biết chán. Sự tâm đầu ý hợp của hai mẹ con nhà thơ đã có lúc khiến cụ ông phát cáu: "Hai mẹ con nhà bà làm gì mà cứ rủ rỉ, thầm thì nói chuyện dưới bếp mãi thế. Sao không lên trên nhà mà uống nước. Chắc lại nói xấu tôi chứ gì?"…
Biết mẹ mình có chứng mất ngủ thâm niên nên mỗi lần về quê, Nguyễn Quang Thiều thường vờ đi ngủ từ rất sớm để mẹ đỡ lo. Sau đó đến nửa đêm ông mới lại trở dậy làm việc. Thường thì trước khi ngồi vào bàn làm việc, ông hay có thói quen vào phòng của mẹ để biết chắc chắn xem cụ đã ngủ hay chưa. Ông thường thì thầm gọi "Mẹ ơi!" nhưng không nghe tiếng trả lời mà chỉ thấy nhịp thở đều đều của mẹ. Khi ấy ông mới thực sự yên tâm mà làm việc. Sáng hôm sau, lúc ngồi ăn cơm, mẹ ông hỏi: "Hôm qua Quang Thiều vào phòng của mẹ phải không?". Ông hơi bất ngờ, hỏi lại: "Sao mẹ biết?". "Vì mẹ vẫn thức nhưng sợ Quang Thiều lo lắng nên mẹ không trả lời"…
Khi mẹ mệt nặng, Nguyễn Quang Thiều đã xin nghỉ phép một tháng để về trông mẹ. Ông tự tay bón cơm cho mẹ và trái tim như nghẹn lại mỗi khi phải chứng kiến cơn đau hành hạ người mẹ thân yêu. Là một nhà thơ nổi tiếng nhưng mỗi khi trở về bên mẹ, Nguyễn Quang Thiều thấy mình giống như một đứa trẻ. Có lần, Nguyễn Quang Thiều nói với một người chị họ: "Em dạo này cũng ăn ít lắm!". Người chị ấy lo lắng: "Em bệnh à?" thì không ngờ ông trả lời rất hồn nhiên: "Không, mẹ em ăn ít nên em cũng ăn ít theo".
Quả thật, tôi ít thấy một người con nào lại gắn bó với mẹ sâu sắc như ông. Có lần tôi nghe được mẹ con Nguyễn Quang Thiều nói chuyện với nhau. Mẹ ông bảo: "Quang Thiều của mẹ "dại" thật!". Ông hốt hoảng: "Con làm sao hả mẹ". "Thì người ta thì mong làm quan chẳng được, Quang Thiều thì lại hết mực chối từ". Khi ấy, ông trả lời mẹ rằng: "Thiên hạ cứ tưởng thiên hạ khôn, nhưng con của mẹ mới chính là người khôn. Làm sao họ biết được cảm giác hạnh phúc giống như con lúc này". Có lẽ khi ấy không chỉ mẹ của Nguyễn Quang Thiều mà bất cứ người mẹ nào nghe được người con của mình trả lời như thế cũng đều cảm thấy mãn nguyện.
Mẹ của Nguyễn Quang Thiều chính là biểu tượng của đức hy sinh. Thay chồng nuôi một đàn con thơ, đến khi các con đã trưởng thành bà lại hết lòng lo lắng cho sự nghiệp của họ, nhất định không làm bất cứ việc gì ảnh hưởng đến tư tưởng của các con. Còn nhớ trước đây khi cụ ông còn sống, mỗi khi các con gọi điện về (mà hoàn toàn không biết mẹ mệt), bà đều dặn cụ ông: "Nếu chúng muốn gặp tôi, ông nhớ bảo là tôi đi chơi loanh quanh đâu đó nhé". Có lần Nguyễn Quang Thiều gọi điện về rất nhiều lần nhưng không gặp mẹ. Linh tính có điều gì bất ổn, ông liền gấp rút về quê. Về đến nhà thấy mẹ ốm nằm đó, nước mắt ông cứ tự nhiên trào ra. Mẹ càng hy sinh bao nhiêu thì ông lại càng cảm thấy yêu và trân trọng mẹ bấy nhiêu.
Khi cụ ông qua đời, cụ bà suy sụp rất nhanh. Bà vốn ăn uống rất kém, nay vì đau buồn nên ăn lại càng kém hơn. Vì thế Nguyễn Quang Thiều luôn phải thường xuyên động viên mẹ. Có lần tôi thấy nhà thơ bưng vào cho mẹ một cốc nước cam vắt. Ông nói với mẹ: "Mẹ cố uống đi, mẹ sẽ uống loại nước này trong vòng 10 năm. Sau đó lại chuyển sang uống nước cà rốt trong vòng 5 năm, và tiếp đến mẹ sẽ lại uống những loại nước khác nữa". Bà dù rất mệt nhưng cũng không thể nhịn được cười: "Quang Thiều cứ làm như mẹ sẽ sống được mấy chục năm nữa không bằng". Ông bảo: "Điều đấy chắc chắn sẽ xảy ra". Lúc đó tôi nhìn thấy cụ đã lạc quan hơn đôi chút về bệnh tật của mình.
Rồi có lần khác, tôi lại thấy ông động viên mẹ mình rằng: "Hôm nay mẹ mệt, mẹ ăn bằng hạt đỗ, mai mẹ khá hơn sẽ ăn bằng hạt lạc, cứ thế rồi sức khỏe sẽ bình phục". Chẳng biết có phải vì ông là một nhà thơ không mà ngay cả những lời động viên mẹ thường ngày tôi cũng thấy đậm chất thơ trong đó.
Khi mẹ mất (lúc đó là hơn 3 giờ sáng) ông đã chạy ra một góc sân và ôm mặt khóc tức tưởi. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến ông khóc, không phải là những giọt nước mắt lặng lẽ chảy mà nó nấc nghẹn lên thành tiếng. Tiếng khóc ấy hoàn toàn không phải của một người đàn ông trưởng thành mà là tiếng khóc của một đứa trẻ quá hoảng hốt khi người mẹ thân yêu nhất của mình không còn nữa. Tiếng khóc mơ hồ về sự cô đơn, chống chếnh khi mất đi một chỗ dựa lớn nhất, một bến đỗ bình yên nhất trong cuộc đời nhà thơ. Một người gan góc và can trường như ông đã phải bật khóc nức nở đủ hiểu tình yêu của nhà thơ đối với mẹ sâu sắc và gắn bó biết nhường nào.
Trước đó Nguyễn Quang Thiều tâm sự: "Mỗi tháng tôi sẽ về bên mẹ 10 ngày, cho dù có thể bị cơ quan trách phạt hoặc bị một hình thức kỷ luật nào đó nặng hơn". Nhưng thật không may cho ông, cái dự định ấy đã không thể nào thực hiện được. Bởi ngay cái đợt 10 ngày đầu tiên trong một chuỗi dự định dài kia mẹ ông đã ra đi… Cầu chúc cho linh hồn cụ được siêu thoát và cầu chúc cho Nguyễn Quang Thiều sẽ sớm vượt qua nỗi đau để lại mang đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị…
Theo CAND Online