Hoạ sĩ Lê Trí Dũng thời kỳ là lính xe tăng (Quảng Trị-1972). |
Từ hàng trăm rồi hàng ngàn ký họa còn xém lửa bom – các tác phẩm có kích cỡ lớn của anh lần lượt nối nhau ra đời như: "Vượt trọng điểm" (sơn mài, 1974), "Vượt sông" (sơn mài, 1976), "Cánh rừng dioxin" (lụa, 1989), "Mẹ của những người lính" (sơn dầu, 1999), "Biên ải" (sơn mài, 2000), "Chân dung người lính" (sơn dầu, 2004)…
Anh đã vẽ bằng tất cả sự say mê lẫn niềm kiêu hãnh về cuộc chiến tranh khốc liệt mà anh đã trải qua. Và bao trùm lên tất cả màu sắc cũng như đường nét của người lính xe tăng ấy, là một mong muốn thành tâm đặng góp phần nhỏ bé, làm siêu thoát và thảnh thơi cho linh hồn của những người đồng đội đã hy sinh.
Anh gắn bó với đề tài chiến tranh đến nỗi, nhiều người vẫn cứ tưởng anh là họa sĩ ở bên quân đội. Đâu phải vô cớ mà trong khoảng khắc thiêng liêng nhất của mỗi năm, anh lại cất tiếng gọi thảng thốt và giữa mênh mông: "Nhớ "chúng nó" lắm, đồng đội ơi!".
Không chỉ vẽ, họa sĩ Lê Trí Dũng còn "lén lút" viết văn. Mặc dù chỉ riêng sự nghiệp hội họa của anh, công bằng mà nói cũng đã đồ sộ và huy hoàng lắm rồi. Hình như có lần anh đã từng khoe, bạn văn của anh còn đông hơn cả bạn vẽ. Và người lính xe tăng này như tôi đã giới thiệu ở trên, anh đã viết văn… bằng mắt.
Ẩn sau đôi mắt đó bao giờ cũng là một tấm lòng, và nằm trong tấm lòng đó là những con chữ dạt dào cảm xúc chân thành đến mức bi tráng. Với cuốn Tạp văn "Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân", tôi nhớ mãi cái động tác vừa e thẹn lại vừa tự hào khi anh đưa tặng cho chúng tôi vào đúng ngày giỗ của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân.
Người họa sĩ, người lính xe tăng đã tâm sự về cuốn sách đầu tiên của mình như sau: "Việc sáng tác hệ trọng ví như mài ngọc quý. Đang tập trung thần khí, chỉ một tiếng chuông cửa, một tiếng con quấy… tán thần ngay.
Không làm sao nhớ lại được. Còn nữa, trong sáng tác, người nghệ sĩ như một cỗ máy khổng lồ, hàng ngàn đinh ốc, mất một chiếc, trục trặc ngay. Cỗ máy tinh tế âm thầm làm việc suốt ngày đêm, lúc ăn, lúc nhậu, cả lúc ngủ, mãi mới nảy ra một ý, mỗi mình biết, ghi lại ngay trên lịch cũ, sổ tay, mẩu giấy báo, bao thuốc lá…".
Vậy mà anh chỉ dám nhận những trang viết đã hòa lẫn khá nhiều nước mắt của mình là những "hòn cuội" nhặt dọc đường. Còn tôi, tôi thấy "hòn cuội" nào của anh cũng lấp lánh và lặng lẽ tỏa ra cái ánh sáng của thần khí. Trong "những hòn cuội" đó rõ ràng có ngọc!
Đối với nghệ thuật nói chung, điều quan trọng nhất vẫn là "cái nhìn". Và anh đã viết văn bằng mắt theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Nếu chỉ dùng bút, làm sao trong "Chân dung người lính" anh có thể viết được như thế này: "Lúc vĩnh biệt anh, nhìn cái balô con cóc ấy có cái mũ tai bèo úp chụp phía trên, khẩu AK dựng bên, phía dưới là đôi dép đúc cao su Trung Quốc của anh mà cạnh đó là cái bi đông thủng lỗ chỗ…
Tôi thấy chân dung anh, chân dung người lính giải phóng, nó vừa cô đơn, vừa hào hùng, vừa có một cái gì nghĩa cả lại vừa tủi phận, nó vừa là sứ mệnh lại vừa là số phận… Bùi ngùi nhìn hàng dãy hàng dãy balô tử sĩ xếp thẳng hàng, chính chúng tôi cũng không biết rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài bao lâu và bao giờ thì đến lượt balô của mình đội điểm nghiệm điểm danh".
Rồi trong "Viên gạch Cổ Thành", cũng bằng đôi mắt của một người lính xe tăng, anh đã dựng lên một bức tường tưởng niệm không lời ngay giữa trái tim của bạn đọc chúng ta: "Trời sáng dần, trên chiếc bàn gỗ lũa hình con rùa, viên gạch Thành Quảng Trị,Viên Gạch Thiêng Cổ Thành vẫn nằm đó, lặng lẽ, thần bí. Một nửa cháy xém, đen thui vì napan, nửa kia lỗ chỗ vết đạn và cào xước của bom pháo, nó vỡ hình lưỡi rìu cổ, dựng đứng lên trông giống một bức tượng đài".
Bây giờ thì trên bàn viết của tôi là cuốn tạp văn thứ hai mà anh vừa gửi tặng. Không hiểu sao lần này anh lại bỏ đi hai chữ "hành quân" mà chỉ lấy là "Những hòn cuội nhặt dọc đường".
Tuy vậy, dù muốn dù không dấu chân của những người lính, cả người sống lẫn người chết, vẫn cứ in đầy lên các trang viết của anh. Và anh vẫn tiếp tục viết văn… bằng mắt. Một cuốn sách vuông vắn và đẹp đến lạ lùng với 120 minh họa của chính anh.
Tôi thích nhất bức có tên là "Mẹ" của anh – anh đã vẽ nó bằng niềm cảm xúc biết ơn vô hạn và lòng yêu thương vô bờ. Đó là hình ảnh một bà mẹ ngồi im một chỗ "giống như một khúc củi khô, đen cháy, sắt lại" – Mẹ ngồi lọt thỏm vào giữa một đống vũ khí và những bộ quần áo lính của cả hai bên chiến tuyến.
Có lẽ cảm thấy chưa vẽ hết nỗi lòng và tâm sự của mình, anh lại tiếp tục viết thêm… bằng mắt: "Xung quanh mẹ là những người trai trần trụi, còn vương những mảnh quân phục rách bươm với gương mặt lưu lại dấu vết của tổ tiên Việt tộc: hàm vuông, trán rộng, môi dày, lông mày lưỡi mác, mắt đen, sâu, tóc dày và thẳng, cổ to, mũi hơi hếch… gương mặt biểu lộ sự trung thực, chất phác, dễ tin, can trường, dám yêu hết mình…
Tôi đi ra biển Cửa Việt. Suốt mấy dặm không một bóng người, nước biển xanh một màu kỳ lạ, cát thì trắng đến kinh người, trời xanh thăm thẳm, từng cọn mây trắng khổng lồ trôi nhanh qua. Để nguyên quân phục, tôi từ từ lội ra đến ngập đầu, mặc cho nước mắt hòa cùng nước biển, thấy vị hai thứ cũng mằn mặn như nhau".
Đồng đội! Đồng đội! Tôi nôn nao đến tận đáy lòng trong tiếng gọi "Đồng đội" của anh: "Cứ mỗi độ xuân về, lòng lại không khỏi trào lên nỗi nhớ đồng đội. "Đồng đội" hai chữ thiêng liêng đã nâng đỡ tôi qua bao nỗi khó của đời. Tôi không công thần, không "ăn mày dĩ vãng", không nói mãi một việc "biết rồi…".
Nhưng nói gì thì nói, ở nơi đó tôi đã tìm thấy tình người đích thực, thấy sự hy sinh cao cả… Và thế là tôi vẽ bức "Đồng đội". Nền tranh đỏ một màu máu, chính giữa tranh là hai người lính đang cõng nhau tìm về đơn vị. Cây rừng và vách đá Trường Sơn, một mảnh trăng vắt ngang trời…".
Lê Trí Dũng ơi! Đồng đội của tôi ơi! Đêm nay trên đầu tôi, một mảnh trăng cũng vắt ngang trời. Nếu tôi khen văn của anh viết hay thì thật là không phải, thật chả ra làm sao cả!
Có một thứ văn dị ứng với mọi sự bình phẩm dông dài – thứ văn đọc lên là để cùng nhau thấm thía và cùng nhau chia sẻ về những chiêm nghiệm trong trẻo mà dữ dội, tìm thấy ở giữa những góc khuất của cuộc đời – ấy là văn của Lê Trí Dũng.
Tôi còn nhớ như in lời thì thào của anh trước cổng tòa báo Văn Nghệ, khi anh kín đáo tặng tôi một viên đá được bọc trong giấy xi măng – viên đá mà anh nhặt về từ Thành Cổ Quảng Trị: "Thấm nhiều máu và vong hồn của những người lính lắm đấy! Nhớ thỉnh thoảng thắp hương, Cầm nhé!".
Phiến đá ấy đang nằm sừng sững ngay trước trang giấy của tôi. Xung quanh phiến đá đầy những chân hương và hồng rực lên cái màu linh thiêng – cái màu mà Lê Trí Dũng đã bao lần nhìn thấy và đã viết lại bằng đôi mắt rưng rưng của mình: "Riêng trong tôi, hình bóng những người lính đội mũ tai bèo, xốc AK, đứng thẳng người xả đạn trong ánh hoàng hôn… mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm, suốt đời chẳng thể nào quên".
Đêm đã rất khuya.
Bên hàng xóm có tiếng khóc của trẻ sơ sinh, rồi tiếng ru của người mẹ dịu dàng cất lên:
Bồng bồng con nín con ơi
Giữa sông cá lội, trên trời chim bay…
Tôi buông bút – tìm một nén hương, thành kính xoè diêm và châm lửa.
Theo Hoàng Nhuận Cầm – CAND Online