Dọc hành lang chung cư, tôi để mấy chậu trồng mồng tơi cho dây leo quấn quít lên lan can, vừa làm cảnh, vừa có rau ăn – ấy là suy nghĩ lãng mạn ban đầu. Ý tưởng xuất phát từ hai quan niệm cấp tiến của thời đại, một là trồng bất cứ một cây xanh nào cũng là góp phần tích cực vào (cứu vãn) biến đổi khí hậu trên trái đất, hai là cây cỏ gì con người ăn được để sống là cây cỏ đẹp. Ở chỗ khác, tôi sẽ tranh cãi về cái đẹp của cây cỏ, bây giờ, tôi phải nói tới chuyện khẩn cấp hơn do cơn mưa trái mùa mấy hôm nay gây ra.

Tháng hai Sài Gòn mà mưa đến nỗi đường sá ngập lụt mấy tiếng đồng hồ là mưa to thất thường. Cho dù cống rãnh thế nào thì cũng phải có đủ một lượng nước dồi dào từ trên trời rớt xuống mới ngập đường. Mà theo lý thuyết thì Sài Gòn đang giữa mùa khô, đáng lẽ bói không ra một trận mưa rào, mà có mưa thì cũng không dễ gì thấm đất. Trận mưa quái dị trái mùa này dường như e là chỉ mới gây được sự sửng sốt chứ chưa đủ đô khiến người ta quan tâm, nên bèn mưa cho liên tiếp mấy trận, chia đều cho mấy ngày Sài Gòn âm âm u u.

Cùng lúc đó, và trước đó, trận cháy lớn phá mọi kỷ lục ở Úc đã hoành hành cả tuần lễ. Cháy như vậy đương nhiên có một lượng thán khí lớn toả vào không khí. Cho nên tôi hồ nghi có ảnh hưởng dây chuyền hay gián tiếp cách nào đó đến trận mưa Sài Gòn, nhưng tìm khắp báo, vào cả Web của Đài Khí tượng Thủy văn cũng không thấy ai lý giải gì cả. Đem suy đoán của mình đi hỏi vòng vòng thì bị cười cho đầu óc hoang đường. Thành ra tôi không bàn tiếp giả thuyết này. Nhưng tôi vẫn bảo lưu một điều : chuyện nắng mưa ở xứ mình giờ không chỉ là chuyện ở xứ mình, mà có dính dáng chuyện nóng lạnh ở các nước láng giềng và những xứ xa xôi khác. Theo dự báo thì xứ mình là một trong những vùng đất bị ảnh hưởng tệ nhất trong cuộc biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra : hai cái vựa lúa của xứ mình sẽ bị biển tràn trước nhất khi nước biển dâng do băng tan ở Bắc cực! Nhưng thôi, không nói chuyện mấy chục năm sau chi cho thêm sợ.

Nói trở lại chuyện trước mắt là giậu mồng tơi của tui. Cây trồng ở hành lang chung cư tuy phải co cụm rễ trong chậu chật chội, nhưng được cái là nắng che mưa đậy, mưa to cũng chỉ tạt xiên xiên, chứ không bị quần quật như cây dầu đứng ngoài lề đường. Mồng tơi leo quanh lan can ở lưng chừng trời, lá to bằng lòng bàn tay, mập mạp, mơn mởn, xanh nõn nà, chỉ hơi bị vênh lên một tí vì ban trưa hành lang cực nóng. Mỗi ngày tưới cây, tôi thích tưới đẫm cả lá để những giọt nước trong veo đọng lại trên lá phản chiếu tia nắng sớm. Trông những chiếc lá lúc ấy đẹp như những bàn tay cẩm thạch khum khum hứng những viên kim cương.

Sau trận mưa quái vừa rồi, hành lang ướt nhem, cây cỏ cũng ướt rượt. Chắc chúng thoả thuê lắm sau trận tắm mưa cả tiếng đồng hồ. Hồi lâu sau tôi ra thăm, thấy nước mưa còn đọng trên lá, và nhìn thấu qua làn nước trong là cặn bụi đen đen lắng đọng trên mặt lá xanh xanh. Tôi không muốn suy càn ra là mưa dơ, mưa đen, mưa ô nhiễm, kẻo bị rầy nữa. Nên lọ mò tự tìm giải đáp trên Internet, gõ chữ khí hậu (climate) thì ra cái tin về Hội thảo của Hội Tiến bộ Khoa học Mỹ diễn ra từ 13 đến 16/2/2009 ở Chicago, chủ đề trọng tâm là khí hậu và môi trường.

Các nhà khoa học tham gia Hội thảo đều đồng ý là tốc độ biến đổi khí hậu từ khi chúng ta bước sang thiên niên kỷ thứ ba đã diễn biến nhanh hơn ước tính của họ, do lượng khí thải công nghiệp đã gia tăng nhanh chóng hơn tính toán, và nhiệt độ cao đang tác động những cơ chế phản hồi tự gia tăng trong hệ thống sinh thái hoàn cầu. Thán khí (khí carbonic, carbon dioxide) thải vào khí quyển với số lượng lớn như hiện nay là nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng do hiệu ứng nhà lồng kính; nhiệt độ tăng khiến cho tầng băng vĩnh cửu ở địa cực tan, băng tan có thể nhả vào không khí hàng trăm tỉ tấn khí carbonic và khí metan; những khí này, theo cái vòng luân hồi, khiến nhiệt độ tăng thêm và đẩy nhanh tiến trình của tự nhiên.

Hồi nào giờ tôi biết băng tan vì trái đất nóng, nay mới biết trong băng có một ngàn tỉ tấn thán khí. Đọc thêm thì thấy đại dương cũng giữ một lượng thán khí khổng lồ, bởi vì nước biển cũng hấp thu thán khí. Thời tiết nóng hơn khiến cho biển dậy những cơn sóng lớn, đảo lên bề mặt những tầng nước sâu, khiến thán khí bị thải trở lại không khí. Khả năng hấp thu thán khí của đại dương cũng có giới hạn, carbon khiến cho biển bị a-xít hoá, khả năng hấp thụ thán khí bị giảm. Lại cái vòng luẩn quẩn.

Chỉ còn niềm hy vọng trên mặt đất là cây cỏ. Khi cây cỏ quang hợp để lấy năng lượng từ mặt trời, carbon trong không khí được hấp thu và biến thành vật chất của cây. Quá trình này lâu lắm. Cây mọc khó nhọc mấy chục năm, tích cóp carbon trong gỗ nó, khi bị đốt (chỉ cần vài giờ hay vài ngày) là bao nhiêu thán khí lại bị trả vào không khí! Nếu cây chết … già, rã mục âm thầm thì thôi; khi chúng thành than, thành dầu hoả, chúng ta đốt than hay dầu hoả, cũng là thả thán khí trở vào khí quyển! Ừ, khổ lắm, vật chất không biến mất đi đâu hết, không ở đây thì nó… chạy qua chỗ kia. Cho nên các nhà môi trường mới khuyên người ta ráng trồng cây nhiều nhiều, đừng đốt nó, và ráng đừng để nó chết. (Cây một khi chết thì khô và dễ là mồi lửa gây cháy cả rừng).

Dĩ nhiên, biện pháp quan trọng và khẩn cấp là giảm việc đốt nhiên liệu (gỗ, than, dầu). Chỗ này, các khoa học gia tranh cãi hơi nhiều. Có người bảo một phần ba lượng thán khí thải ra hiện nay là do các nước đang phát triển đốt nhiên liệu. Người khác cãi là chính các nước đã phát triển mới thải nhiều thán khí do xài nhiều xe cộ máy bay và các phương tiện máy móc hiện đại (nhiệt điện sản xuất từ than và dầu hoả). Có người bảo là rừng ở vùng ôn đới không có lợi vì mùa đông, mặt đất trơ trụi phủ tuyết sẽ hắt lại nhiều nắng hơn rừng cây. Người khác bảo duy trì rừng nhiệt đới là rất khó và phải cân nhắc nhu cầu của con người ở khu vực này. Dù sao thì mọi người đều đồng ý là cây cỏ rừng nhiệt đới là niềm hy vọng, là lá phổi của trái đất.

Do dầu mỏ cạn dần, dầu sinh học đang được sử dụng ngày một nhiều, nhiều rừng nhiệt đới có thể sẽ bị thay thế bằng những cánh đồng trồng thầu dầu hay đậu nành. Như vậy chẳng khác nào lấy rổ hứng nước. Làm sao trong thế kỷ này giảm được từ 100 tỉ đến 500 tỉ tấn khí thải để tránh sự nóng lên nguy hiểm trên khắp trái đất? Hiện giờ mỗi năm, 10 tỉ tấn khí thải vẫn tiếp tục được nhả vào khí quyển.

Thiệt là nhức đầu. Các nhà khoa học và các chính khách sẽ phải giải quyết vấn đề này – hy vọng như vậy. Cỡ tôi thì biết làm gì khác hơn chăm sóc giậu mồng tơi của mình và năn nỉ ông hàng xóm đừng cố tình đổ a-xít vô gốc cây dầu trước nhà ổng. Ổng làm ăn không khá là tại kinh tế thế giới khủng hoảng, chứ sao lại đổ thừa cây cổ thụ có ma?

Lý Lan – SGGP thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *