Một đứa trẻ ngồi xổm đếm từng đồng bạc cắc giơ lên trước đôi mắt ưu tư. Một con chó nằm khoèo bên đường trong khi cảnh sát ví trẻ con chạy qua. Một gầm cầu chen chúc người lớn con nít đang tắm giặt vui chơi. Giấc ngủ mệt mỏi bên đống rác, bóng người nhỏ nhoi lang thang trong khói bụi. Mái tóc rối bời không bao giờ chải gội quanh khuôn mặt lấm lem không xoá nhoà được đôi mắt đen láy ngây thơ và viền môi rõ nét khát khao của đứa bé gái mồ côi. Cơn mưa tầm tã và đứa nhỏ ngồi thu lu vẽ vời một mình trên nền đất sũng nước… Những chi tiết vút qua trong đời thường. Vút qua trong phim. Để trở đi trở lại trong đầu tôi, day dứt.
Đôi khi tôi có dịp đưa du khách nước ngoài đi tìm hiểu đất nước mình, và quan sát họ xem họ quan sát cái gì. Tôi thấy ánh mắt họ lướt qua những đứa trẻ bán hàng rong, cố tránh nhìn vào mặt những đứa bé ăn xin, giơ máy chụp hình con chó ốm bên đường, cái chòi cá chênh vênh trên ao súng, những dòng xe ào ào như nước xoáy. Đôi khi ngượng ngùng vì cách ăn ở cư xử không lịch sự lắm của đồng bào mình. Họ bèn nói là chuyện như vậy họ từng thấy ở nhiều nơi khác, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Vả lại, họ đã chuẩn bị tinh thần gặp những chuyện như vậy khi đến một nước đang phát triển. Sau này có hiểu biết hơn về người phương Tây, những người của xã hội được coi là phát triển như Mỹ, Anh, Úc, tôi nhận ra một điều.
Người phương Tây trung bình thường cho là xã hội và các thiết chế trong xã hội của họ hoàn hảo hơn các nước đang phát triển; và ở những nơi như châu Phi, Đông Nam Á, kể cả Ấn Độ, thì chuyện rùng rợn quái dị gì cũng có thể xảy ra, thậm chí phải xảy ra những chuyện như vậy thì mới đúng là xứ Ấn Độ, xứ Á châu. Móc mắt trẻ con, nhảy xuống hố phân ngập ngụa, đu tòng teng trên nóc xe lửa đang chạy để ăn cắp miếng bánh, chiếc xe hơi bị trộm gỡ sạch sẽ bốn bánh và đồ phụ tùng, hay giầy dép bị lấy cắp ở đền chùa là chuyện bình thường ở những xứ đó. Người ta đi du lịch những nơi đó để trở về kể những câu chuyện như vậy. Và với những người chưa từng đến nơi, câu chuyện kể phải có những chi tiết như vậy mới hấp dẫn và thuyết phục, mới là chân thực.
Cho nên phim “Slumdog Millionaire” (Triệu phú chó hoang) thành công đặc biệt ở Mỹ, đồng thời gây nên làn sóng phẫn nộ của cư dân ở Ấn Độ. Có lần, tôi thấy trên đường phố Sài Gòn một người gánh hàng rong té trên đường, bánh trái rơi vãi tứ tung, chị bò ra lượm lại, cả những thứ rơi vào vũng sình, trong lúc một du khách chụp hình. Bức hình được đem về phương Tây cho bạn bè hàng xóm xem và được bình phẩm đầy tò mò, hứng thú. Vấn đề không phải là hình ảnh người bán hàng rong bò ra đường lượm những bánh trái lăn lóc là chi tiết hiện thực hay không. Vấn đề ở chỗ, một đằng là cuộc sống nhọc nhằn mà người ta vật lộn cả đời, hoặc nhiều đời, vẫn không có lối thoát ra; đằng kia là hình ảnh được cách điệu hoá, hoặc nghệ thuật hoá, để giải trí đám đông. Khi xem phim “Slumdog Millionaire”, tôi không cần đặt mình vào vị trí của những cư dân khu ổ chuột “được lên phim” để cảm thấy uất nghẹn. Nhưng có thể, tôi hiểu tại sao khán giả Mỹ yêu thích bộ phim này.
Vì nói cho cùng, bất chấp đạo diễn là người Anh, hầu hết diễn viên và toàn bộ bối cảnh là Ấn Độ, bộ phim “Slumdog Millionaire” là một câu chuyện điện ảnh Mỹ, được “làm mới” bằng cách chuyển bối cảnh sang Ấn Độ với những chi tiết được cho là đời thường ở các nước đang phát triển để tạo cảm giác “hương xa vị lạ” cho khán giả phương Tây. Nhân vật chính từ bần cùng vươn lên triệu phú một cách lương thiện (và may mắn). Dù trải qua những điều khủng khiếp nhất, nhưng cuối cùng, anh thành công, có cả tiền lẫn người con gái anh yêu. Bộ phim được làm theo công thức Hollywood pha Bollywood : Có cả bạo lực và ái tình, có những pha đuổi bắt hấp dẫn, có những cú thoát hiểm ngoạn mục, nhạc hip hop trộn ca múa Ấn Độ, tuy diễn viên chính không phải là ngôi sao, nhưng cả chàng trai lẫn cô gái trẻ măng đều đẹp quyến rũ. Đây là bộ phim mang tính “toàn cầu hoá” rõ nhất, từ thực hiện, nội dung đến quảng bá, phát hành. Thành công của nó phát một thông điệp định hướng cho kỹ nghệ điện ảnh trong thời khủng hoảng khắp nơi này : Hãy cho người ta niềm hy vọng. Thông điệp của “Slumdog Millionaire” rất rõ ràng : Hãy nỗ lực vươn lên một cách lương thiện và giữ lòng tin yêu, rồi sẽ được tưởng thưởng.
Tôi thú nhận là tôi đã bị cuốn hút khi xem phim, vì kỹ thuật điện ảnh điêu luyện. Nhưng hình ảnh đọng lại sau đó, những chi tiết đời thường, dường như là những gì tôi thấy tôi gặp hàng ngày tại chính thành phố tôi đang sống, cứ day dứt mãi. Ánh mắt trẻ thơ, những mái tôn chen chúc, bãi rác ngồn ngộn, nước dòng kênh đen ngòm, cơn mưa tầm tã… Khi chúng là hiện thực, chúng tầm thường nhếch nhác. Khi chúng trở thành nghệ thuật, sức mạnh của chúng thực khôn lường.
Lý Lan – Mart Stewart – Thời báo Kinh tế Sài Gòn