Có một lời khuyên quen thuộc, đại ý : Ai té ngã nhưng biết đứng lên đi tiếp, người đó sẽ vững vàng hơn. Tôi muốn hiểu câu này theo nghĩa đen đối với trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nói với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (vừa qua đời 16.1.2009) về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn : "Sơn viết (ca khúc) dễ như lấy chữ từ trong túi". Nhìn vào sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ai cũng dễ dàng nghĩ rằng, ông dường như sinh ra đã là nhạc sĩ. Thực tế đã có những biến cố xảy ra trong đời ông thời nhỏ, tác động mạnh mẽ đến sự chọn lựa của ông đối với âm nhạc cũng như ý nghĩa cốt lõi trong những ca từ ông viết. Hay có thể nói, với những biến cố đó, âm nhạc đã… chọn ông!

BIẾN CỐ THỨ NHẤT

Năm 1955, Trịnh Công Sơn 16 tuổi, cha ông đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Vốn là trụ cột chính trong gia đình, kẻ ra đi đã để lại một khoảng trống quá lớn về kinh tế cho những người ở lại. Nhưng không chỉ có thế. Với riêng cậu bé Trịnh Công Sơn, từ đó, cái chết trở thành nỗi ám ảnh như một triết lý buồn luôn phải nghiền ngẫm. "Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa bức xúc của cuộc sống, giữa những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh đó đã trở thành ngọn nguồn của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người" – Sau này, ông kể lại.

Nỗi ám ảnh về cái chết, về "sự vắng bóng của con người" đó đã chuyển thành những tư tưởng, triết lý đậm chất nhân bản về – như cách giới phê bình nghệ thuật thường nói – thân phận và tình yêu con người. Trong vô số ca từ của ông kéo dài cho đến cuối đời, thân phận và tình yêu con người trở thành ý nghĩa cốt lõi và là thông điệp chính mà ông muốn mang lại cho những người nghe nhạc, cho người đời nói chung.

Điều thật tuyệt vời là những tư tưởng, triết lý đó đã sóng đôi khắng khít, trọn vẹn – như một hôn phối định sẵn – với những giai điệu âm nhạc mà chỉ riêng ông mới có.

Nhưng thuở ấy, cậu bé Trịnh Công Sơn chưa biết viết nhạc, mặc dù như ông kể lại sau này : "10 tuổi biết solfège (xướng âm), chép lại những bài hát yêu thích, đóng thành tập, chơi đàn mandolin, sáo trúc. 12 tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó dùng guitar đệm cho mình hát". Điều này cho thấy Trịnh Công Sơn có năng khiếu âm nhạc ngay từ khi còn là một cậu bé. Nhưng chừng nào thì cậu mới "vươn vai" để trở thành một nhạc sĩ thực sự? Cha mất, biến cố bất hạnh kia trở thành cú hích "tâm lý" khiến tâm trí ông bừng ngộ. Nhưng có cú hích "vật lý" nào để cho những ngón tay mảnh khảnh tài hoa kia – ông có 10 ngón tay dài… kinh dị – biết bấm lên những nốt nhạc đầu đời cho chính mình? Có đấy.

BIẾN CỐ THỨ HAI

Khoảng một năm sau khi cha mất, tức cuối mùa hè 1956, tốt nghiệp tú tài 1 xong (hết lớp 11 bây giờ), từ Huế, Trịnh Công Sơn khăn gói vào Sài Gòn một mình, xin vào trường Jean Jacques Roussau (THPT Lê Quý Đôn ngày nay) học đệ nhất (lớp 12) ban Triết. Cũng cần nói thêm, thuở đó, 17 tuổi, ông có một thân hình khá rắn chắc, khoẻ mạnh (chứ không ốm yếu như hình ảnh thường thấy sau này). Ông từng luyện tập điền kinh và võ Vovinam. Nhân kỳ nghỉ giữa hai lục cá nguyệt (học kỳ), ông về Huế thăm gia đình. Trong một lần dợt võ cùng cậu em kế là Trịnh Xuân Hà, vô tình, một đòn cùi chỏ của Hà trúng mạnh vào ngực Trịnh Công Sơn, làm vỡ mạch máu phổi, tưởng chết. Suốt gần 2 năm, ông rơi vào trạng thái kiệt sức, không tự ăn được, thân mẫu phải ép nước thịt bò, nấu cháo yến và pha nước sâm tự tay chăm sóc.

Trong thời gian dài dưỡng bệnh đó, Trịnh Công Sơn đã kịp "ngốn ngấu" các tác giả văn học lừng danh đương thời như Apollinaire, Prévert, Tagore, Proust, Nietzsche, Kazanzakis, Camus, Sartre…; đọc Kinh Phật, Truyện Kiều, tìm hiểu âm nhạc dân ca Việt Nam và các loại nhạc blues, gospel của người da đen. Với trí óc vốn linh mẫn, nhạy bén với các vấn đề về con người, yêu thích triết học một cách bản năng, ông tiếp thu rất sâu. Có thể nói, đó gần như là vốn liếng đủ làm hành trang theo ông suốt đời trên con đường gắn bó cùng chữ nghĩa và âm nhạc. Khi có dấu hiệu hồi phục, Trịnh Công Sơn chợt nghĩ đến việc dùng ngôn ngữ âm nhạc để chuyển tải lòng mình, tình ý mình, cộng hưởng những gì ông đã tiếp thu và nghiền ngẫm trong thời gian dưỡng bệnh. Hai ca khúc "Sương đêm" và "Chơi vơi" ra đời như hai cánh cửa nhỏ mở ra sự tự khám phá trong âm nhạc (hai ca khúc này hiện chưa sưu tầm lại được, vậy nên người ta vẫn công nhận bài "Ướt mi" – 1958 như ca khúc đầu tay của ông).

Sau này, nhìn lại biến cố đó, ông thổ lộ : "Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy". Với cách diễn tả này, ta có thể hiểu, biến cố vô tình kia cũng có thể là một "cú
hích" tiền định, đẩy Trịnh Công Sơn thực sự dấn thân vào con đường âm nhạc. Bởi, cũng theo lời ông kể, không lâu trước khi xảy ra biến cố đó – thời đi học ở Jean Jacques Roussau, ông từng trăn trở : "Tôi một mình ở giữa Sài Gòn phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc, tôi muốn bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc "xướng ca vô loài". Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vọng lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ".

Âm nhạc đã chọn lựa ông. Nhưng có thể nói, lúc đó, ông cũng chưa chuẩn bị gì nhiều cho âm nhạc. Vậy nên, chính xác là : Apolon đã mượn cú "kungfu" của một người gần gũi ông nhất để ông có thời gian thẩm thấu toàn triệt "phép màu" của vị thần thi ca – âm nhạc trước khi "ra tay". Cú hích thứ hai làm ông ngã xuống đất là để nếm được mùi vị của cái chết thật sự sau khi đã bị nó ám ảnh từ cái chết của cha. Ông đã có hai "cái chết" trong một con người – cái chết của hồn và cái chết của xác. Để từ đó, âm nhạc của ông không bao giờ chết.

Đoàn Vị Thượng – Theo Đương thời

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *