Ở miền Bắc, hầu như khu dân cư cổ nào cũng có một ngôi chùa. Nghe đâu, thời cách mạng ngút trời, người ta đã phá phách đền miếu để dân chúng cùng "được" vô thần, người ta trưng dụng mái đình để làm chỗ cho hợp tác xã. May sao, người ta vẫn để lại những ngôi chùa. Chắc người ta cũng thấy chùn tay.

Ngày rằm, chùa nào cũng đầy ứ lên, vì chùa không rộng hơn mà người lại đông thêm nhanh chóng. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, nhiều khuôn viên chùa đã bị dân sở tại lấn chiếm, không tìm đâu ra một khuôn viên hoàn toàn thanh tịnh theo cả hai nghĩa như xưa. Không còn giá trị kiến trúc tổng quan cho cả vùng dân cư, nhưng dẫu sao, vẫn còn có Phật ở bên trong để người ta được đi lại, cầu khẩn và suy nghiệm. Đi chùa là nghĩa cử với văn hoá, là hành vi hoà tan mình với đám đông, trên hết, là nhu cầu tâm linh dẫu có bị đứt gãy thì các thế hệ cũng đã tìm cách gieo hạt cho nhau, âm thầm, sinh nẩy.

Nơi chúng tôi hay đến thật khiêm nhường so với danh tiếng của những ngôi chùa như Tây Phương, Bút Tháp, Trăm Gian, Phật Tích hay chùa Dâu chùa Keo chùa Mía. Đơn giản vì chùa này ở gần nhà, tâm tưởng mình thấy linh thiêng ắt sẽ có linh thiêng. Mười năm trước, chùa thật sự cổ kính nhờ khuôn viên nhiều cây cau, phía sau có mùi hoa mộc vào mùa xuân và mùi sen tươi vào những tháng hè. Tất cả thoáng đãng, tĩnh mịch, phù hợp với cư dân ngoại thành. Không biết từ lúc nào, sân chùa đã thành bãi giữ xe có phiếu thu tiền trong ngày rằm ngày Tết, có nhiều lớp cửa hơn để đóng chặt trong ngày thường và có những giò phong lan nhựa do các thí chủ tiến cúng treo toòng teng dưới tán hồng xiêm. Và những dòng người nườm nượp xếp hàng để được đặt lễ lên bệ thờ trong không khí tất tả cầu xin. Hầu như ai cũng có những việc cụ thể để xin xỏ khi khấn vái và cũng không biết từ bao giờ, người ta còn giắt tiền lên tay Phật và các vị La Hán. Chao ơi, xin Phật và chư vị hỉ xả cho chúng sinh tội lỗi này!

Nhớ mấy năm trước, khi đáo qua chùa Mía, chúng tôi đã bắt gặp những thùng công đức nền vàng chữ đỏ xếp thành hàng ở gian chính như một đội quân đeo biển tận thu. Ở Thiền viện Yên Tử, nhiều nhà sư đã phải thay nhau đứng bên cửa ra vào ngày ngày nhắc nhở khách thập phương để dép và túi xách bên ngoài và đừng giắt tiền lên tay tượng. Lại không quên một lần, ở một ngôi chùa có tên là chùa Rừng, một nơi thanh tao hiếm có, một nơi chỉ có tượng Phật nhỏ xíu trên bệ thờ và những bà cụ đem chuối vườn lên cúng rồi đưa chuối về thụ lộc, một nơi không rủng rỉnh hoa hoè vàng lễ, một nơi chỉ có những nải chuối giữa rừng chuối và những con người không bon chen không cầu xin gì cả, một nơi vô danh nhưng lại khiến người ta nhớ mãi và luôn muốn quay tìm.

Thật choáng váng khi biết, mới đây, người ta vừa sơn bằng sơn công nghiệp hết thảy dàn tượng nức tiếng của chùa Tây Phương. Lại biết ở một số chùa trên đất Sài Gòn, khi đi lễ, người ta không cho tiền vào hòm cúng dường nữa, mà bảo nhau vô phong bì đưa thẳng thầy trụ trì cho tiện. Chao ơi, một lần nữa xin Đấng từ bi và chư vị hỉ xả cho chúng sinh kẻ vầy người khác! Chúng ta đã một thời báng bổ, chúng ta đã quay về, nhưng hình như chúng ta đã mất phương hướng với chính mình trong mọi việc.

Dạ Ngân – SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *