Trạm xe buýt bên kia đường là chỗ dừng của xe số 59. Xe này hẳn là chạy ngang một số trường đại học hay ký túc xá đại học, nên tôi thường thấy nhiều người trẻ tuổi có vẻ sinh viên đứng đón xe mỗi sáng. Thỉnh thoảng, tôi đi xe này vào giờ cao điểm, bước lên xe đông đúc, và được một người đứng dậy nhường ghế. Tôi rất cảm kích. Hiển nhiên người đó nhường ghế vì coi tôi là người già.
Cũng chuyến xe buýt đó chạy ngang một cái chùa rất lớn, nên mỗi tháng vài lần, tôi gặp một nhóm phụ nữ ngồi đợi xe buýt ở cái trạm bên kia đường từ sáng sớm. Chuyến xe đầu tiên sẽ chạy ngang trạm lúc 5:50, nhưng khoảng 5:30 đã thấy các bà tụ tập như một cái chợ chồm hỗm nho nhỏ. Một số bà mặc bộ bà ba màu lam nhạt, một số khác cũng mặc bà ba nhưng khác màu, khác kiểu, rộng rãi, không màu sắc chói chang hay hoa hòe kinh dị. Nên nhìn qua y phục mà nói, trông họ không hấp dẫn chút nào. Và nhìn qua dáng dấp tóc tai, chắc là họ cỡ tuổi tôi trở lên.
Thấy họ nhiều lần, cứ đúng hẹn lại lên, tôi quyết định thâm nhập vô thực tế này. 5:30 sáng ra chờ ở trạm xe buýt, lập tức được một bà đã đến trước hỏi : “Chị đi chùa lần đầu hả?” Khen cho con mắt tinh đời. Đành thật thà hỏi xem đi tới trạm nào thì xuống xe? (Đáp : Chuyến sớm này đa số là người đi chùa, như tụi tui, khi nào thấy người ta xuống thì mình xuống). Hỏi tiếp, mình chưa có đồ lam, ăn mặc như vầy vô chùa có tiện không? (Đáp : Không, ngồi xếp bằng nghe thầy giảng cả giờ đồng hồ mà mặc quần tây như vậy không chịu nổi đâu, mặc bà ba như tụi tui cho thoải mái, mới ngồi thiền lâu được).
Tôi nói để tôi chạy về nhà thay đồ, các bà bèn can : Đừng chạy, lớn tuổi rồi đi đứng phải cẩn thận, với lại chạy cũng không kịp; thôi lỡ rồi, với lại mới đi lần đầu mà, nếu ưng thì lên chùa (gần chùa) mua một bộ đồ lam may sẵn cho tiện. Coi đồng hồ thì thấy còn 20 phút nữa xe buýt mới tới, nhưng các bà bảo có khi xe buýt tới sớm (cũng có khi trễ) không chừng, xe buýt xứ mình mà. Bởi vậy, các bà từ 5 giờ sáng là đã bắt đầu đi tà tà ra trạm chờ, có người ở hơi xa phải nhờ con cái chở tới đây. Bà Hồng luôn là người đến sớm nhất : thức dậy, dọn dẹp nhà cửa xong rồi, thì đi, chứ ở nhà đâu có việc gì làm nữa!
Thực ra, không phải vì sợ lỡ chuyến xe mà các bà đi sớm từ 15 đến 45 phút. Tôi khám phá rằng, mấy chục phút ngồi chờ xe cũng là một phần quan trọng trong (tạm gọi là) nghi lễ đi chùa của các bà. Hai tuần mới gặp nhau một lần, cần có thời giờ hỏi thăm nhau. Tôi không quen biết ai trước, chỉ nghe người này nói chuyện với người kia mà biết : Ông chồng bà Vân có kết quả xét nghiệm chắc chắn là viêm gan siêu vi (chứ không phải SIDA, mô Phật!), nhưng bác sĩ nói bệnh viêm gan đó cũng lây từ chồng qua vợ, biểu bà đi khám và điều trị, mặc dù không có thuốc trị con vi rút đó, dính bệnh là kể như dính suốt đời, chừng nào trời kêu thì dạ. Vậy thì bà đi bệnh viện làm gì? Bà đi chùa.
Chồng bà Nhan thì còn mạnh sân sẩn, dù tuổi đã quá lục tuần, ngày đi oánh ten-nit, đêm đi ngâm thơ, tham gia ba bốn cái hội toàn các cô U40. Ổng có bệnh tật kín gì không bà không biết, vì nhiều năm nay ở chung nhà chứ không nằm chung giường. Có lần, bà Nhan đi du lịch ra tận miền Bắc, vô cái chùa nọ, đọc trên bia ghi công đức người lập chùa, rằng bà ấy là một phụ nữ giỏi giang giàu có, đến 50 tuổi thì quyết định giao sự nghiệp cho con cái, cưới vợ bé cho chồng, rồi cất một kiểng chùa để tu. Bà Nhan giác ngộ, chỉ có điều, bà không đủ khả năng tự cất chùa cho riêng mình, nhưng đi chùa chung bà cũng tìm được niềm vui : Bà là người trí thức nhất đám, nên thường nghe các bà khác kể lể hay tranh cãi, rồi bà phán cho mấy câu bình luận chí lý, ai cũng phục.
Trừ bà (đúng ra là cô) Nhị chưa bao giờ có chồng, và bà Thanh đã thôi chồng từ lâu, một mình nuôi con đến khi nó ra nước ngoài lập nghiệp, còn lại những người khác đều có đủ thứ chuyện gia đình. Nhưng chuyện chồng, thậm chí chuyện con, cũng không phải là đề tài sốt dẻo. Họ đều là bà nội bà ngoại rồi. Thành ra, chuyện mấy đứa cháu tuổi teen trở thành đề tài thường xuyên. Thì ra, hồi con cái mình mười mấy tuổi, mình đang ở đỉnh cao sự nghiệp, công danh, hoặc trên đường phấn đấu đến cái đỉnh đó, có quá nhiều nỗi toan tính, bận lòng, con cái chỉ bổ sung vô những buồn vui mừng giận qua nhanh trong cuộc sống. Bây giờ, nhìn con cái mình nuôi dạy cháu mình mới thấy chúng không biết cách thức này, không hiểu tâm lý kia, không gần gũi con cái, không nhận ra những giá trị lớn hơn sự nghiệp công danh v.v… Nhưng, như ngạn ngữ Tây đã đúc kết : Khi mình có tất cả câu trả lời mà không ai thèm hỏi mình nữa, nên hiểu là mình quá đát rồi.
Thì đi chùa. Ngồi xếp bằng 15 phút tê chân quá, tôi phải đứng dậy đi ra sân chùa ngắm cảnh. Sân chùa rộng, có hòn non bộ, thác nước, tượng Phật, hoa cỏ vui mắt. 15 phút, tôi chỉ nghe thầy giảng là phải biết buông, bỏ, vì tất cả sở hữu đều là tạm bợ, kẻ ky bo giữ tiền rồi chết đi cũng chẳng mang theo được, kẻ biết cúng dường thì tích được phước đức, cho kiếp này lẫn kiếp sau. Tôi hiểu là thầy giảng cho một đám các bà bình dân, nên chọn cách nói nôm na dễ hiểu, cụ thể hóa triết lý cao siêu bằng từng thí dụ đơn giản. Chứ đâu có dễ làm cho người ta chấp nhận là chồng, con, cháu, sự nghiệp cả đời, công danh, nhà cửa, và bản thân, đều là tạm bợ, phải “buông”, phải “bỏ” hết. Tiền bạc, cả tiền lẻ, bỏ cũng khó, nhưng còn có thể bỏ được. Nhất là khi bỏ tiền ra với niềm tin là tiền ấy sẽ giúp chùa (và qua chùa) giúp được chúng sinh, do vậy mình tạo được duyên lành.
Trên đường về, tôi nhìn các bà ngồi lim dim trên xe buýt như tiếp tục thiền, chứ không có vẻ thanh thản ngủ. Nét mặt người nào cũng hằn những vết nhăn thời gian. Mắt họ nhắm như cửa sổ đóng, nên gương mặt lặng lẽ, chỉ có đôi môi thỉnh thoảng mấp máy như đang đọc kinh hay nói thầm một mình. Nửa tuần trăng sau, tôi lại gặp họ ở trạm chờ xe buýt bên kia đường. Hai mươi phút trước khi xe đến, câu chuyện lại vẫn là triệu chứng nào nên nghi là ung thư, rễ hay lá cây cứt lợn trị được bệnh gì đó, đứa cháu mê game quậy phá làm sao, ông chồng đi oánh ten-nit riết rồi bỗng in tập thơ, đưa cho mấy cô U40 ngậm ngợi quay phim, tốn kém, tiền của chắt chiu một đời… Mà thôi, phải biết buông biết bỏ. Già rồi. Vô sự thì mới là tiểu thần tiên.
Lý Lan
Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy