Mafia đã trở thành chủ đề ám ảnh Puzo  gần như suốt đời. Những cố gắng nghệ thuật của ông nhằm cứu ngòi bút thoát khỏi cái thế giới có nguồn gốc từ đảo Sicily đều đã thất bại. Phần lớn những cuốn sách mà ông viết về những chủ đề khác mafia đều "không một tiếng vang", mặc dù theo lời Puzo, chính cuốn "The Fortunate Pilgrim" (Đất tiền đất bạc) mà ông đã cho ra mắt độc giả  trước "Bố già"mới chắc chắn là tác phẩm văn học hay nhất của ông.

Vượt khó đi lên

Mario Puzo sinh ngày 15/10/1929 tại New York trong một gia đình Italia nhập cư. Bố mẹ ông hoàn toàn mù chữ. Tuổi thơ của cậu bé Mario trôi qua giữa những tầng lớp bần hàn sống dưới đáy xã hội New York . Tuy thế, ngay từ nhỏ, nhà văn tương lai đã rất mê đọc sách. Và đọc rất nhiều sách bởi tìm thấy ở trong thế giới sách quá nhiều điều mà ông không được có trong đời thực. Về sau, nhà văn kể lại: "Tôi đã đọc "Bà Bovary" bốn lần. Tôi đã thuộc làu tác phẩm của Simon De Beauvoir, còn Dostoyevsky thì đã làm đảo lộn đời tôi…".

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Puzo từng phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ ở Đông Á và ở Đức. Sau chiến tranh, ông vào học ở Trường Đại học Columbia ở New York  rồi làm việc trong các cơ quan chính phủ ở New York và ở nước ngoài tới gần hai mươi năm. Từ năm 1963, ông mới  bắt đầu bước vào công việc làm báo với vai trò một phóng viên ngoài biên chế, chuyên viết những chuyện phiêu lưu, rồi dần dà trở thành người viết văn chuyên nghiệp. Ông cũng từng là người viết cho chuyên mục phê bình văn học trên tờ New York Times, điều mà về sau, mỗi khi nhắc lại, ông vẫn lấy làm hãnh diện…

Tác phẩm đầu tay của ông là "Miền bóng tối", xuất bản năm 1955. Cốt truyện diễn ra ở nước Đức sau chiến tranh thế giới thứ hai, xoay quanh mối tình của một người lính Mỹ trở về từ chiến trường với một cô gái Đức. Tiểu thuyết tiếp theo là "Đất tiền đất bạc", in năm 1965,  viết về công cuộc mưu sinh vất vả cực nhọc của những người Italia nhập cư vào Mỹ trong những năm Đại suy thoái…

Bước vào tuổi gần ngũ thập, đang giữ chân viết cho các tạp chí ba truyện phiêu lưu một tháng, chưa kể đến những đoạn phê bình sách. Puzo cảm thấy mình đã biết hết tất cả những mánh lới trong nghề cầm bút: "Tôi đã như một nhà điền kinh đang trong thời kỳ sung sức nhất, có thể làm tất cả những gì mong muốn. Thế mới tuyệt làm sao!..".

Và khi nghe được lời khuyên: "Ông luôn cho rằng ông có thể viết một cuốn  best-seller bất cứ lúc nào ông muốn. Vậy thì ông viết đi!", ông đã ngồi vào bàn và "Bố già" đã ra đời và được in năm 1969. Chính tiểu thuyết này đã mang lại vinh quang toàn cầu cho Puzo, dẫu ông vẫn coi "Đất tiền đất bạc" là tác phẩm hay hơn nó. Nhân vật chính trong "Bố già" – Don Corleone – thể hiện cuộc đấu giành quyền lực trong thế giới ngầm. Trọng tâm  chú ý của nhà văn là những gì được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới ảnh hưởng biến đổi của thời cuộc…

Trong nhiều năm liền, "Bố già" đã trở thành sách best-seller. Năm 1972, đạo diễn gạo cội ở Hollywood là Francis Coppola đã  chuyển thể cuốn sách này thành phim (kịch bản do chính Puzo viết) với sự tham gia diễn xuất của những ngôi sao hàng đầu…

Năm 1991, Puzo đã bị một cơn đột qụy tưởng chết ở Las Vegas . Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật tim, ông đã qua được bạo bệnh và trở lại với bàn viết để hoàn thành tiểu thuyết "Bố già cuối cùng", xuất bản năm 1996. Đây là câu chuyện viết về một gia đình Mỹ gốc Italia có tham vọng thâu tóm Hollywood . Thế nhưng, những âm mưu xấu xa lại bị chôn vùi dưới những thứ còn xấu xa hơn nữa. Đạo diễn Coppola đã bỏ ra 2,1 triệu USD để mua quyền chuyển thể tiểu thuyết này thành phim cho kênh truyền hình CBS…

Trước lúc qua đời, Puzo đã kịp hoàn thành tập sách nữa về mafia, đó là tiểu thuyết "Luật Omerta" và sách đã được xuất bản vào năm 2000. Năm 2001, bản thảo tiểu thuyết cuối cùng của ông "Gia đình" đã được vợ ông hoàn thành và cho in.

Ông có vợ và 5 con.

Không định mà thành

Sinh thời, Puzo từng thú nhận rằng, ông viết kịch bản phim "Bố già" chỉ đơn thuần là do những câu thúc về tài chính. Để có tiền chu cấp cho gia đình, ông đã bán kịch bản này cho hãng phim Paramount với giá 10 triệu USD. Tuy nhiên, cuối cùng từ kịch bản làm không theo cảm hứng này đã xuất hiện một bộ phim được đánh giá là một trong những siêu phẩm hàng đầu của Hollywood trong suốt lịch sử của nó.

Khi "Bố già" đã tới tay bạn đọc, Puzo tâm sự: "Tới giờ tôi đã viết được ba tác phẩm. "Bố già" còn lâu mới là cuốn hay nhất trong số này. Tôi viết nó chỉ để kiếm tiền… Tôi đã 45 tuổi rồi và tôi mệt làm nhà văn. Ngoài ra, tôi còn phải gánh món nợ 20 triệu USD… Cần phải trưởng thành hơn và bắt đầu kiếm sống. Và như Lenny Bruce (đạo diễn, người viết kịch bản, nghệ sĩ lừng danh ở Hollywood – PH) đề nghị, tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết về mafia…

Một lần một nhà văn quen biết chạy vào chỗ tôi. Tôi cho anh ấy đọc một số trang bản thảo cuốn "Đất tiền đất bạc" của tôi. Sau một tuần anh ấy quay trở lại và tuyên bố rằng, tôi là nhà văn vĩ đại. Tôi rất dễ chịu khi nghe những lời như thế và tôi đã đãi anh ấy một bữa trưa ngon lành trong nhà hàng. Sau bữa ăn, tôi kể cho anh bạn một số câu chuyện về mafia và đọc cho anh ấy nghe một số đoạn trong "Bố già". Anh ấy đã rất sửng sốt… Một tuần sau anh ấy tới và bảo rằng đã sắp xếp cho tôi một cuộc gặp với chủ một nhà xuất bản.

Trong cuộc gặp đó tôi cũng kể rất nhiều và rất lâu các câu chuyện về mafia. Có lẽ ông chủ nhà xuất bản cũng cảm thấy thích những câu chuyện đó. Vì ông ấy bảo tôi viết một tiểu thuyết về những chuyện này. Và ứng trước cho tôi 5 nghìn USD…  Và tôi ngồi vào viết "Bố già" dù thực sự tôi không có chút cảm hứng nào để làm việc này…

Tôi viết "Bố già" trong 3 năm. Cũng trong thời gian đó, tôi còn viết mấy truyện ngắn phiêu lưu cho Martin Goodman (chủ nhà xuất bản – P.H.). Tôi viết những truyện ngắn đó hoàn toàn miễn phí…

Tôi rất xấu hổ khi nói ra chuyện này nhưng tôi viết "Bố già" chỉ từ những gì tôi có thể tìm được trong thứ văn học khác. Tôi chưa bao giờ gặp một tên gangster thực sự trung thực nào cả. Tôi đã bắt buộc phải hoàn thành "Bố già" vào tháng 7/1968 vì tôi cần có 1.200 USD còn lại từ nhà xuất bản…  Tôi đã muốn đưa vợ và con đi nghỉ ở châu Âu. Sau khi chúng tôi trở về nhà, món nợ của tôi trên thẻ tín dụng đã là 8 nghìn USD… Tôi lên New York để gặp người đại diện cho mình. Anh ấy báo rằng có một nhà xuất bản muốn mua quyền ấn hành "Bố già" với cái giá lên tới 410 nghìn USD. Tôi lập tức bỏ ngay chân phóng viên phiêu lưu ngoài biên chế của mình…

Tôi gọi điện báo cho anh mình những tin tức tốt đẹp này. Anh tôi có  10% số tiền bán "Bố già" vì trong thời gian tôi viết tác phẩm này, anh tôi đã luôn là nhà bảo trợ cố định cho tôi và gia đình tôi. Sau vụ chia tiền nhuận bút từ "Bố già", phần tôi nhận được là 205 nghìn (một nửa số này tôi đã trả cho người đại diện của mình)…

"Bố già" đã giúp Puzo trở nên giầu có. Đích thân ông đã viết kịch bản cho cả ba bộ phim "Bố già" của đạo diễn Coppola. Khi trả lời những câu hỏi tò mò về bí quyết làm giàu của mình, Puzo tươi cười đáp như không: "Làm thế nào để tôi kiếm được hàng triệu USD ư? Tôi nằm dài trên ghế sô pha và nhìn lên mái nhà. Cảnh này có thể tiếp diễn hàng tháng ròng. Rồi, một ngày nào đó, tôi bật dậy và đánh máy liền một mạch 700 trang liền".

Quan điểm hành xử của ông nghe như đơn giản: "Tôi là một nông dân Italia. Tôi làm theo nguyên tắc, nếu một cái gì không sinh ra tiền thì nó không có giá trị! Tôi biết tôi là một người kể chuyện rất giỏi… Thế thì tại sao tôi lại phải từ chối khả năng đó? Biết kể một câu chuyện còn quan trọng hơn là có một phong cách… Các nhà phê bình đã từng nói, "Ba chàng ngự lâm pháo thủ" không có một chút giá trị văn học nào cả. Từ cuốn sách đó, người ta đã làm ra 20 bộ phim, nó đã được dịch trên khắp thế giới và đã 150 năm nay người ta nói về nó! Dù sao thì đó cũng là một trong những cuốn sách mà tôi thích nhất. Tôi thích kể những câu chuyện, những khúc hát tiên nga. Tôi không phải là – trái những điều mà người ta tưởng-  một chuyên gia của mafia…".

Cả công chúng lẫn các nhà phê bình văn học đều phải công nhận rằng, Puzo đã miêu tả thế giới mafia tuyệt vời đến nỗi, thậm chí có người nghi ngờ rằng, ông là "tay trong" của thế giới ngầm này. Sau thắng lợi vang dội của "Bố già" năm 1971, ông phần nào bị cô lập. Thật sai lầm! Nhưng những lời đồn đại bao giờ cũng có lớp da dày. Bản thân Puzo thì hiểu ra một điều, ông chỉ giỏi viết khi nói về gangster Mỹ gốc Italia. Theo ông, những nhân vật mafiosi của ông không có nhiều điểm giống như thực tế.

Ông nhấn mạnh: "Tôi luôn luôn ưa chuộng buổi bình minh của mafia Sicily , khi mà những người đàn ông thông minh, không đểu giả và luôn luôn có một ranh giới của lòng tự trọng. Đến nay, chẳng còn trường hợp nào như thế nữa. Trí tuệ đã không còn là phẩm chất của các mafiosi nữa. Nếu như mafia cần cảm ơn tôi về điều gì đó, thì chính là ở chỗ, tôi đã gắn cho họ trí tuệ…".

Ghét và yêu Hollywood

Suốt ba bốn năm cuối đời, nhà văn hầu như chỉ bó mình lại tại ngôi nhà riêng ở Long Island . Có cảm giác như ông không còn mấy thích thú cái thế giới kinh doanh nghệ thuật nặng mùi kim tiền từng đưa ông lên giàu sang và danh tiếng. Ông đặc biệt ác cảm với "kinh đô điện ảnh Mỹ".

Có lần, Puzo thổ lộ: "Điều làm mê hoặc tôi ở Hollywood là, người ta bịp bợm một cách hoàn toàn hợp pháp. Những bản hợp đồng hết sức khôn khéo. Những con người cực kỳ hấp dẫn, đôi khi còn hết sức hóm hỉnh, nhưng họ không có lấy một lời, một ý nghĩ danh dự nào. Sau "Bố già", tôi đã viết "Động đất". Bộ phim thành công rực rỡ. Nhưng tôi đã phải hao tâm tổn trí nặng nề mới đòi lại được tỉ lệ phần trăm của mình. Chuyện tương tự đã xảy ra với tất cả các bộ phim của tôi, trừ "Bố già". Tôi bảo đảm với bạn rằng, nếu tôi thuộc băng đảng mafia, hẳn tôi đã sát hại một nửa Hollywood . Tại đó, cách duy nhất để giành lấy phần của mình là đến với một khẩu súng!".

Theo ông, sức hấp dẫn của Hollywood đối với ông nằm ở chỗ "họ luôn hứa hẹn dành cho tôi vô khối tiền, nhiều đến mức tôi không còn đủ can đảm để từ chối. Còn có một lý do nào nữa để viết, nếu không phải vì tiền? Tôi không phải là kẻ tự phụ đến mức cho mình là thiên tài và cuốn sách nào của tôi cũng đáng quí như "Anh em nhà Karamazov". Viết là một công việc nặng nhọc. Cho dù là viết một cuốn sách dở đi chăng nữa…".

Về chuyện CBS mua kịch bản "Bố già cuối cùng" của ông, nhà văn kể: "Hãng truyền hình CBS vừa mới mua bản quyền cuốn "Bố già cuối cùng" của tôi với giá 2,1 triệu USD. Họ có thể dùng nó thế nào tuỳ thích, một tập phim, một bộ phim nhiều tập, hay vứt nó đi – đối với tôi cũng như nhau. Tôi đã có 2 triệu trong ngân hàng rồi. Chỉ có điều đó mới đáng kể. Họ đã tới đề nghị tôi viết kịch bản "Cotton club". Tôi không muốn làm, nên tôi đòi họ 1 triệu cho họ nản. Họ chấp nhận. Thế là tôi viết trong ba tháng. Khi xem phim, tôi thấy kịch bản của mình không được giữ lại lấy dù chỉ một dòng…".

Puzo nhận xét: "Nói chung, thương nhân ở Las Vegas hay New York còn có đạo đức và biết điều hơn hầu hết các ông bà chủ các hãng phim. Một người duy nhất tôi coi trọng trong nghề này là Coppola. Ông ấy không bao giờ chỉ trích những gì tôi làm… Nói thế thôi chứ nếu tôi được bắt đầu lại cuộc đời, tôi sẽ làm người viết kịch bản ở Hollywood . Bầu không khí trang nhã, cuộc sống thì dễ dàng, phụ nữ thì xinh đẹp và người ta trả một tấn tiền cho anh vì những việc lặt vặt…"

Theo CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *