Chúng ta mải chạy theo những ham muốn vật chất, vẻ hào nhoáng bên ngoài mà quên mất một điều : Ngôi nhà sinh ra để cho người ở chứ không phải để trưng bầy, để khoe của.

1. Vợ tôi, chồng tôi, nhà tôi và rồi nhà tôi nhà… của tôi. Ba cái đầu (vợ – chồng – nhà) cùng một nghĩa, chỉ người thân thiết của mình, người của cuộc đời mình. Cái sau và cái sau cùng (nhà) thì đồng âm khác nghĩa : nhà là nhà chứ không phải nhà là vợ (chồng) mình. Ấy vậy, sự thân thiết lại giống nhau lắm.

Trong chúng ta, ai cũng có nhà để ở, nhưng không phải ai cũng có nhà riêng.Thuê mướn – không ổn, lại chuyển chỗ, thuê mướn chỗ khác, nhà ấy dĩ nhiên là nhà của người khác. Có khi “nhà mình” chỉ là một căn buồng, hoặc rộng hơn là một căn hộ trong chung cư (khu nhà tập thể) dành cho người thu nhập thấp (giờ có tên mới là nhà ở xã hội), dù thế nào chăng nữa cũng không thể gọi là nhà tôi hay nhà của tôi được khi mình chỉ sở hữu một phần rất nhỏ trong (ngôi) nhà đó. Nhà tôi hay nhà của tôi ngày xưa là giấc mơ của cả một đời người. Bây giờ với một số người có vẻ như đơn giản hơn – “trúng một quả đậm” là xong.

Nhà phố ba bốn tầng, nhà vườn, nhà trang trại để nghỉ ngơi – kể cả biệt thự – cũng chẳng phải là chuyện gì ghê gớm. Thuê kiến trúc sư thể hiện ý tưởng của mình, tìm nhà thầu có máu mặt, hợp đồng theo kiểu chìa khóa trao tay. Tám chín tháng sau dọn về ở, mở tiệc tân gia linh đình. Tung tăng dẫn khách đi tham quan để chiêm ngưỡng cái lộng lẫy “đỉnh cao” mà mọi giá trị từ viên gạch lát nền nhà (gạch men Tây Ban Nha đấy nhé) cho đến chiếc bồn cầu (Toto chính hiệu nhập từ Nhật Bản, miễn chê) đều được tính bằng đô (đã sang thì phải tính bằng đô cho nó xứng). Nhà đấy gọi là nhà của tôi, mà chữ của khẳng định quyền sở hữu chắc như đinh đóng cột của chủ nhân.

Thế nhưng, nhà tôi có khác nhà của tôi đấy. Nhà tôi cũng giống như vợ (chồng) tôi. Nó không hàm ý sở hữu, mà chỉ sự gắn bó thân thiết. Nó là nơi để chúng ta trở về, là chốn riêng tư, nơi lưu giữ những kỷ niệm gia đình và cũng là cái chân dung sống động mà chủ nhân của nó thể hiện trong từng chi tiết. Nhà tôi – nói theo cách nói chữ bây giờ – là một không gian sống riêng biệt của một người cụ thể nào đó. Nó không chỉ là cái nhà với những cấu tạo vật chất và công năng sử dụng, mà nó phải mang hồn chủ nhân – cái không gian tinh thần bàng bạc của người sống trong đó.

Đời sống thiên về vật chất thì thích khẳng định quyền sở hữu, ưa chuộng những giá trị vật chất được tính bằng đô, còn không gian sống riêng biệt là một cái gì đó rất mơ hồ. Nó không thể hiện được giá trị vì không tài nào qui ra được tiền mặt. Chẳng bán được cho ai nên dĩ nhiên nó chẳng thể sinh lời. Mà không “qui được ra thóc”, không sinh lời thì quan tâm làm gì?!

2. Người vô gia cư lang thang ngoài phố mùa đông, nhìn ánh đèn ấm áp hắt ra từ khung cửa sổ mà mơ. Giấc mơ ấy không có bồn cầu Toto và gạch men Tây Ban Nha, mà đơn giản chỉ là về chỗ trú ngụ của riêng mình (Không ai có quyền đuổi mình ra ngoài đường; Mình có quyền sắp xếp chỗ ăn ở, đồ đạc trong nhà theo ý thích : góc phòng ngủ ngay sát cửa sổ, mình có thể đặt chiếc bàn viết nhỏ với một chiếc ghế mây cũ, để thỉnh thoảng ngồi đọc sách và ngắm phố, giá sách liền kề, một chiếc đôn gỗ rẻ tiền trên đặt bình gốm có thể là thằng bạn nó tặng nếu sau này mình cưới vợ. Cũng phải dành một chỗ cho con cái chứ, nhỡ sau này mình cũng vợ con đàng hoàng thì sao v.v và v.v… ). Giấc mơ có vẻ tầm thường ấy chính lại là sự khởi đầu cho cái gọi là nhà tôi.

Nhà tôi – cái không gian sống riêng biệt của mỗi người, sự tiện nghi và vẻ đẹp của nó còn tùy thuộc vào túi tiền, vào văn hóa của chủ nhân. Nó không phân biệt to nhỏ, sang hèn, đẹp xấu, mức độ tiện nghi, miễn là sạch sẽ, không phạm chuẩn về xây dựng và kiến trúc. Có khá nhiều ngôi nhà to, đẹp, nội thất sang trọng, thừa thãi tiện nghi nhưng không nói nhiều về chủ nhân ngoài chuyện ông(bà) này rất nhiều tiền.

Những ngôi nhà như thế không có hồn, chán ngắt. Chúng ta mải chạy theo những ham muốn vật chất, vẻ hào nhoáng bên ngoài mà quên mất một điều : ngôi nhà sinh ra để cho người ở chứ không phải để trưng bầy, để khoe của. Yếu tố người (chứ không phải vật) mới là quan trọng. Người-tự-nhiên-bản-năng đặt đúng chỗ trong người-văn-hóa bao giờ cũng biết phải làm gì với ngôi nhà của mình.

Nếu họ có đủ tiền để tạo dựng một không gian sống cho riêng mình thì dù chỉ là nhà cấp 4, phòng ngủ không máy lạnh, bếp không micro way, không tủ lạnh hai buồng, phòng khách không salon da, không LCD 42” v.v… tôi tin rằng, họ vẫn có một ngôi nhà thú vị khi ta bước vào.

Nếu ta nói “Văn tức là người” thì chỗ này “Nhà cũng là người”. Ở đó, nếu có hoa thì không phải là hoa hồng hay hoa loa kèn, mà là cách cắm hoa, nếu là đồ vật, là những khoảng trống thì không phải là đồ vật, là những khoảng trống này nọ, mà là cách sử xự với đồ vật, với những khoảng trống trong nhà – cái sẽ nói nhiều hơn cả về chủ nhân. Cái chất người của nhà là ở chỗ ấy. Và chữ nhà tôi là của những ông chủ như thế.

3. Chất lượng sống của mỗi con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, không gian sống là vô cùng quan trọng. Bạn có bao nhiêu oxy để thở, có bao nhiêu khoảng trống có ánh sáng, có cây xanh để ngắm nhìn. Chỗ bạn ở có đủ sự yên lặng để có thể nghe tiếng gió thổi, tiếng chim hót, những âm thanh tinh tế của những bản nhạc đàn trữ tình như Norture của Chopin chẳng hạn. Tiếp đến là sự phân chia công năng và tổ chức không gian riêng cho nó có hợp lý, có thuận tiện không. Cuối cùng là đồ đạc nội thất : giá trị, kiểu dáng và sự bài trí có phù hợp.

Một ngôi nhà được tổ chức hợp lý, thuận tiện, thông thoáng, có nội thất phù hợp sẽ giúp chúng ta sống thoải mái trong đó. Ngôi nhà đó nếu có đầy đủ tiện nghi văn minh thì càng tốt, bằng không cũng chẳng sao, bởi cái nào cũng có hai mặt. Quá ham tiện nghi thì cơ thể sẽ lười, vì thế, nó ít được sống. Một cơ thể ít được động chạm nghĩa là ít được sống sẽ đánh mất rất nhiều cảm giác. Thiếu sự nhạy cảm, thiếu cảm giác, con người ta trở nên vô cảm. Với một kẻ vô cảm, chất lượng sống chẳng còn ý nghĩa như chúng ta nghĩ.

Có bao nhiêu người trong hơn tám mươi triệu người Việt Nam có khả năng lập trang trại riêng, làm nhà vườn, nhà phố hoặc xây biệt thự để mà
theo đuổi giấc mơ nhà đẹp? Tuy bây giờ là thời của “Xuân tóc đỏ”, nhưng thật ra, chuyện “cổ tích thời hiện đại” kiểu như mười năm trước còn đạp xe đạp hành nghề cò đất, giờ đã xe hơi (Mercedes), nhà lầu (biệt thự) cũng không có nhiều lắm đâu. Nước ta còn nghèo, người nghèo còn nhiều lắm (nếu không đã là Singapore rồi). Kiếm được đủ tiền để có một ngôi nhà riêng thì to nhỏ gì cũng là hạnh phúc, là may mắn hơn người. Nhà đẹp thì tuyệt vời rồi, nhưng để có nhà đẹp thì cần nhà tôi trước đã. Bởi nó không quá phụ thuộc vào túi tiền, mà phụ thuộc chủ yếu vào cách nghĩ, vào sự cảm nhận văn hóa mà bạn có thể có, vào tình yêu gia đình và cái nhu cầu muốn được trở về sau mỗi chuyến đi xa, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc ở những nơi không phải nhà của mình.

Nếu sau này, nhà tôi lại còn được mọi người trầm trồ là nhà đẹp thì còn gì hơn thế nữa.

Dương Thụ – VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *