Gần chục ngày trước, vua Lê Thái Tông ở tuổi 20 đã đột ngột qua đời tại Lệ Chi Viên; khi đó có Nguyễn Thị Lộ, người vợ thứ ba của Nguyễn Trãi ở cạnh. Những kẻ không ưa đã nhân cớ này mà vu cho ông tội giết vua, đáng phải "tru di tam tộc".

Giữa bóng tối mênh mông của nhà giam, Nguyễn Trãi lại thấy rất sáng tỏ những ngày đã qua trong cuộc đời ông, đặc biệt là những tháng năm sau khi tụ nghĩa Lam Sơn dưới ngọn cờ của Thái Tổ Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, giải phóng đất nước.

Ông vẫn nhớ năm Mậu Thân 1428, khi ông đã rất hào sảng hoàn thành bản hùng ca Bình Ngô Đại cáo lưu danh thiên sử. Cũng năm đó, ông được vua Lê Thái Tổ phong cho chức Quan phục hầu, còn Tư Đồ Trần Nguyên Hãn trở thành Tả tướng  quốc. Vậy mà chỉ tới tháng 2/1429, năm Kỷ Dậu, tức là năm Thuận Thiên thứ hai, tai họa đã ập xuống đầu cả hai đặc đẳng công thần này của triều Lê.

Trần Nguyên Hãn đã bị bức tử vào tháng hai, phải nhảy xuống sông tự vẫn, còn Nguyễn Trãi cũng bị tống giam một thời gian. Họa vô đơn chí, phụ thân của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cũng mất đúng vào năm 1429. Năm sau, một đại thần khác là Thái uý Phạm Văn Xảo cũng bị sát hại. Sau những "nếm mật nằm gai há chẳng phải một hai sớm tối" ngoài sa trường vì nghiệp lớn của dân tộc, Nguyễn Trãi đã lại phải nếm ngay mùi cay đắng của kiếp bề tôi thời bình. Khi ấy ông đã ngấp nghé tuổi ngũ thập.

Đau thì đau thật nhưng biết làm sao khác. Muốn giúp dân giúp nước thì không thể không can dự việc triều chính, mặc dầu ông luôn hiểu rằng "Tùng cúc do tồn qui vị vãn/ Lợi danh bất tiện ẩn phương chân" (dịch nghĩa: Tùng cúc hãy còn, về cũng chửa muộn. Lợi danh không ham, ẩn dật mới phải). Và Nguyễn Trãi đã cố gắng hành xử sao cho đúng điều tâm huyết nhất của đời mình là "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ băng hà, Thái tử Lê Nguyên Long lên nối ngôi, tức là vua Lê Thái Tông. Nguyễn Trãi vẫn được ông vua trẻ tin dùng. Và ông cố gắng làm tròn bổn phận tôi trung. Thời thế càng nhiễu nhương, ông càng thao thiết với những lời tấu thấm đẫm thương yêu đối với đời, với người cùng khổ, dẫu rằng không phải bao giờ cũng được "đấng cửu trùng" nghe thấu. Năm 1435, có bảy tên ăn trộm can tội tái phạm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử chém. Quan đại tư đồ Lê Sát thấy giết nhiều người quá, trong lòng ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Và Nguyễn Trãi trả lời:

"Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ cả rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải hành vi của bậc đại đức. Kinh Thư có câu: "An nhữ chi" (hãy yên với chỗ đứng của mình), sách Truyện có câu: "Tri chỉ nhi hậu hữu định" (biết dừng thì rồi mới vững). Thần xin thuật lại nghĩa của chữ “chi” để bệ hạ nghe: "Chi" có nghĩa là yên với chỗ đứng của mình, như trong cung là chỗ đứng của bệ hạ, thỉnh thoảng bệ hạ có ngự ra nơi khác, cũng không thể ở đó mãi, phải trở về trong cung, thì mới yên chỗ đứng của mình được. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng vậy, phải để lòng nơi nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng không thể như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần".

Thấy vậy, Lê Sát mới nói đầy vẻ châm biếm:

"Ông có nhân nghĩa, có thể cảm hóa được kẻ ác thành người thiện, xin giao chúng cho ông, phiền ông cảm hóa cho!".

Rồi Lê Sát bàn việc đưa những tên tù ấy cho Nguyễn Trãi để ông "cảm hóa", Nguyễn Trãi mặc dù phân bua: "Chúng là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp chế của triều đình còn không trừng trị được, huống hồ bọn chúng tôi đức mỏng, cảm hóa thế nào được", nhưng vẫn tìm ra phương án giải quyết đỡ đẫm máu hơn: chỉ xử chém hai tên, còn lại thì xử đi đày…

Năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), vua Lê Thái Tông sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng (một hoạn quan) đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa… Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng:

"Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc".

Lê Thái Tông được lời như cởi tấm lòng, hết sức khen ngợi Nguyễn Trãi và tiếp nhận bản vẽ. Nhà vua cũng sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm theo bản vẽ đó…

Tháng 5/1437, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng:

"Mới rồi, bọn thần cùng với Lương Đăng hiệu đính nhã nhạc, nhưng kiến giải của thần không giống của Lương Đăng, thần xin trả lại công việc được sai". Trước kia, Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế mũ áo nhưng chưa kịp thi hành. Đến thời vua Lê Thái Tông, Lương Đăng dâng thư viết: "Về lễ thì có lễ đại triều và lễ thường triều. Tế trời, cáo miếu, ngày thánh tiết, ngày chính đám, thì lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục, đội mũ chầu. Còn những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc công phục, đội mũ phác đầu. Lễ thường triều thì hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự, nhạc cứu có khi nhật thực, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung, không thể dùng nhất loạt được. Về lễ bộ đại giá, như xe kiệu thì có đại lộ (xe lớn), tượng lộ (xe có trang sức bằng ngà voi), mã lộ (xe ngựa), có cửu long dư (kiệu chín rồng), thất long dư (kiệu bảy rồng), có bộ liễn (xe đi thong thả), có phi liễn (xe đi nhanh), về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, tràng, phướn, tinh kỳ, mao tiết (các loại cờ), chương phiến (loại quạt lớn làm bằng lông chim), long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số đội ngũ theo hầu cũng đều có quy định cả, thần không thể chép hết được".

Nhận được thư dâng lên, vua Lê Thái Tông sai Lương Đăng định ra quy chế. Lương Đăng nhân đó dâng lên quy chế về mũ áo và nhạc khí. Tuy nhiên, những quy chế do Lương Đăng đề ra phần nhiều khác với chủ kiến của Nguyễn Trãi nên Nguyễn Trãi xin thôi việc đó. Vua Lê Thái Tông thuận theo lời bàn của Lương Đăng…

Đến thời điểm đó, vua Lê Thái Tông đã đủ tuổi để xét đoán mọi việc một cách sáng suốt, nhưng quan Tư đồ Lê Sát vẫn tham quyền cố vị nên vua, như sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, "càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bao dung. Sát không nhận ra điều đó…". Và rốt cuộc là Lê Sát đã bị buộc tội chuyên quyền phải chết. Chiếu vua ban xuống rằng: "Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan bịt miệng im hơi. Xét mọi việc làm của hắn đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc, nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước". Lê Sát đã phải tự tử ở nhà. Điền sản của ông này đều bị tịch thu….

Khi vua Lê Thái Tông sai chép các nghi thức đại triều theo các ý tưởng của hoạn quan Lương Đăng đem treo ra ngoài cửa Thừa Thiên để mọi người thực hiện, quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng một số triều thần dâng sớ tâu rằng:

"Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi sau hãy làm, được như Chu Công thì sau mới có lời chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao! Vả lại, quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả, như đánh trống là bao giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh.

Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh trống hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào thì đánh chuông chưng tân rồi năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có sập vàng, ở điện Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi gì?

Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước, quy chế xưa làm như thế hay sao? Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, vua còn ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao? Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, quanh quẩn chầu hầu bên cạnh vua, thần trộm lấy làm ngờ lắm".

Lương Đăng biết vậy mới tâu rằng: "Thần không có học thức, không biết quy chế cổ, các nghi thức nay đã làm, chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền". Triều thần Nguyễn Liễu bèn tâu: "Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá thiên hạ như thế này". Thấy vậy, một hoạn quan tên là Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng:

"Hoạn quan làm gì mà phá thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước". Cuối cùng Nguyễn Liễu bị giao cho hình quan xét hỏi. Đại Việt sử ký toàn thư kể: "Án xử xong, tội đáng chém, nhưng được lệnh riêng cho thích chữ vào mặt, đày ra châu xa…". Trong vụ việc này, Nguyễn Trãi đã kiềm chế nên không bị chịu hậu quả trực tiếp.

Cuối tháng 7/1442, như Đại Việt sử ký toàn thư chép, vua Lê Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi, lúc này đang ở Côn Sơn, mời vua ngự chùa Côn Sơn (chùa này còn có tên Tư Quốc, tương truyền do nhà sư Pháp Loa đời Trần xây dựng; chùa làm ở núi Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương hiện nay). Trước khi tới Lệ Chi viên đã xảy ra một việc. Số là, khi vua đi thuyền từ bến Đông, vào sông Thiên Đức, qua mộ Bạch Sư ở cầu Bông, xã Đại Toán, huyện Quế Dương, thì thuyền ngự không đi lên được. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Các quân hết sức kéo dây cũng không nhúc nhích, hình như có người giữ lại. Vua bèn sai trung sứ đi hỏi khắp những người già cả xứ ấy xem chỗ này có vị thần nào. Các cụ già bảo:

"Ngày xưa, có người tên là Bạch Sư, khi còn sống rất tinh thông pháp thuật. Sau khi mất, chôn ở ven sông, thường có hiển linh, người xứ này vẫn tế thần long trọng lắm".

Trung sứ hỏi: "Tế bằng thứ gì?"

Người già bảo: "Tế bằng nghé".

Trung sứ đem việc ấy về tâu. Vua sai đem nghé non đến tế thần. Bấy giờ thuyền ngự mới đi được…".

Ngày 4/8, vua Lê Thái Tông về đến Lệ Chi viên. Nguyễn Trãi đã đưa người vợ thứ ba yêu quý là Nguyễn Thị Lộ, tài sắc vẹn toàn mà vua vốn rất sủng ái, tới hầu bên cạnh vua. Nửa đêm, vua bỗng bị bạo bệnh rồi băng. Các quan đã bí mật đưa thi hài của vua về kinh rồi mới phát tang. Đục nước béo cò, những kẻ tiểu nhân vốn nhiều hiềm khích với vị danh nhân "tâm thượng quang khuê tảo" đã vu cho Nguyễn Trãi tội đồng lõa giết vua. Và Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và tam tộc của ông đã bị sát hại vào ngày 16/8/1442.

Theo các nhà nghiên cứu sử học thời nay, vua Lê Thái Tông chết chính là do âm mưu của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Trãi chỉ là nạn nhân trong thảm án này.

Đêm cuối cùng trên cõi thế, Nguyễn Trãi đã ứa ra những giọt lệ hồng như máu. Hình như trước lúc bị hành hình, ông đã cay đắng nhớ lại câu thơ cũ:

       "Hư danh thực họa thù kham tiếu,
        Chúng báng cô trung tuyệt khả liên"

Tạm dịch:

        "Danh hư thực họa nên cười quá,
         Bao kẻ gièm pha xót người trung"…

Theo Đặng Đình Động – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *