Hiển hiện tự nhiên hơn tiếng thở tự cõi lòng
Như máu trong tôi sục sôi rồi lắng lại,
Thì khi ấy tôi đã là Người, hỡi Hồn Thời Đại
Qua trái tim này truyền tiếng nói đến hư không.

(Nỗi buồn này tôi giấu nổi Người chăng? – Thụy Anh dịch)

Lịch sử văn học và lịch sử đất nước đã cho thấy, Olga Berggoltz đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh mà bà đã tự đặt ra cho mình, với tư cách là một nhà thơ – người viết nên những dòng trần tình trung thực của thời đại. Thế nhưng, cũng như Olga đã viết, những dòng trần tình ấy lại thấp thoáng nỗi buồn không giấu nổi, tuy người đọc phải thật tinh tường mới cảm nhận được.

Cách mạng tháng Mười, lý tưởng của Lenin… sự khởi đầu sôi nổi

Olga Berggolz sinh năm 1910 tại Saint Peterburg (Petrograd) trong một gia đình trí thức. Thân phụ bà mấy chục năm là bác sĩ của một nhà máy, chữa bệnh cho công nhân, nhưng trước đó, ông từng là bác sĩ phẫu thuật phục vụ trong quân đội, kinh qua chiến tranh chống Đức dưới đế chế Nga hoàng. Khi cách mạng tháng Mười nổ ra rồi qua thời nội chiến, gia đình Olga tiếp nhận cuộc sống mới, lý tưởng mới đầy hồ hởi. Sau này, Olga đã ghi lại cuộc sống lao động say mê của những người dân Xô Viết thời ấy thế này :

Thậm chí lũ chúng tôi còn cùng tưởng lại tuổi thơ xa vắng
Ôn lại thời nội chiến năm nao, lời hiệu triệu cứu đói năm nào
Rồi ánh điện đầu tiên từ Volkhov dâng trào
Rọi thẳng vào tuổi thanh xuân
Rọi vào ngôi trường yêu dấu.

Tưởng lại ngày rời chiếc bàn học sinh thơ ấu
Bỏ lại cho các em, chúng tôi bước vào đời
Đến với hăng say lao động, trải trước mắt sáng ngời :
Tấm bản đồ khai hoang đất ông cha máu thịt
Lấp lánh ngọn lửa nhiều màu vui say nồng nhiệt …

(Trích “Lại một mình đơn độc lên đường” – 1952)*

Khi Lenin mất, bà nội của Olga đã thắp nến trong nhà để tưởng nhớ. Còn cô bé Olga 14 tuổi đã viết những vần thơ giản dị và xúc động, nói về nỗi buồn chung mà những người công nhân vùng quê nàng cảm nhận khi vị lãnh tụ Cách mạng tháng Mười qua đời : “Hình như tất cả các nhà máy/ Đều quỳ gối/ Chúng đã mồ côi/ Bởi Lenin đã mất/ Lenin thân yêu đã mất”.

Bài thơ đã được đăng trên báo của nhà máy, nơi cha Olga làm việc. Và Olga không ngờ rằng, với bài thơ đầu tiên này, cô đã bắt đầu con đường văn chương say mê và thống khổ.

Cô nàng Olia xinh đẹp mơ mộng đã tự cắt đuôi sam vàng rực của mình, choàng chiếc khăn hoa lên cho gọn gàng, hăm hở bước vào cuộc sống mới đầy sức trẻ và niềm tin.

Năm 1925, Olga tham gia bút nhóm "Kế tục", nơi cô đã gặp mối tình đầu – nhà thơ Boris Kornilov. Không lâu sau, họ nên vợ nên chồng, có một con gái tên là Irina. Năm 1926, hai vợ chồng trẻ cùng theo học khóa nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật. Olga được tuyển vào học ngành báo chí khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Leningrad. Olga được biết đến đầu tiên như một nhà văn nữ viết cho trẻ em. Những truyện ngắn và truyện vừa của nữ sĩ được nhà thơ thiếu nhi Samuel Marshak rất chú ý và ông đã từng có ý định đưa Olga vào đội ngũ kế cận mình. Chia tay với Kornilov năm 1930, nàng gặp Nikolai Molchanov (1909 – 1942), đi bước nữa cùng ông. Họ cũng có một con gái, bé Maia. Tràn đầy nhiệt tình cống hiến, hai vợ chồng lên đường đến Kavkaz, rồi Kazakhstan. Ở Alma- Alta, Olga được nhận làm phóng viên cho báo “Thảo nguyên Xô Viết”. Một năm sau, họ lại quay trở về thành Len. Olga từng làm biên tập viên báo “Những trang sử Đoàn Thanh niên cộng sản” của nhà máy Điện lực và báo “Văn nghệ Leningrad”. Olga viết rất nhiều về con người Xô Viết mới trong thời kỳ thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, qua các truyện ngắn trong tập “Đêm ở Tân thế giới” và những ghi chép, phóng sự, hồi ký mang đầy chất thời sự, phục vụ kịp thời cho công cuộc xây dựng đất nước.

Với thơ ca, trong số những bài thơ đầu tay non nớt viết năm 15, 16 tuổi, Olga đã khẳng định phong cách nghệ thuật của mình bằng bài thơ về cây sáo đá : “Tôi là chiếc sáo đá/ Tôi hát một bài ca/ Thật thà và giản dị/ Hãy đặt lên môi đi/ Nhè nhẹ thôi hãy thổi… ”. Quả vậy, bài ca mà Olga hát cho mọi người, cho dù thời thế thay đổi, vẫn là bài ca của một chiếc sáo, một cây đàn trung thực, không màu mè làm điệu : “Bài ca của tôi bây giờ/ Cung đàn trong sương mờ mịt/ Nhưng nó chẳng dối lừa/ Không một ai trong các bạn” (Cung đàn trong sương – 1940)*

Cuốn thơ đầu tiên có cái tên rất giản dị “Thơ” của Olga ra đời năm 1934. Nhà văn Xô Viết Maksim Gorki đã ngay lập tức viết thư khen ngợi. Ông nhận xét rằng, thơ của Olga không hề có tiểu xảo, không câu nệ kỹ thuật, không chơi chữ, không có sự “ồn ĩ lạnh lùng” của các nhà thơ trẻ cùng thời, cách viết chân thành khiến người đọc có thể tin và
o con đường chân lý giản dị của người nghệ sĩ – đó là đất nước, công việc và tình yêu.

Hiện thực nghiệt ngã

Sự thăng hoa nghệ thuật của nữ sĩ trẻ bất thần bị gián đoạn bởi những sự kiện đau buồn. Tháng 3 năm 1937, trong làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ dưới thời Stalin, nhà thơ Boris Kornilov bị bắt, bị khép vào tội phản cách mạng. Tháng 2/1938, anh bị xử hình. Tuy hai người đã chia tay từ sớm, nhưng giữa họ vẫn có mối liên hệ tinh thần không lời, khó lý giải. Đối với Olga, anh vẫn là một người bạn song hành với cuộc đời cô, người “Không quên tôi dù trong vài khắc lẻ/ Không phản bội tôi dù cổ dao kề”…

Olga không được biết ngay tin dữ ấy mà chỉ có thể cảm thấy, cho dù luôn luôn không muốn tin vào linh cảm của mình. Và rồi, là vợ cũ của Kornilov, Olga cũng bị liên lụy.. Ngày 13/12/1938, Olga bị kết án và rơi vào chốn ngục tù trong khi đang mang thai đứa con trai nhỏ, chịu đựng chuỗi ngày đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần cho đến khi được phục hồi danh dự vào tháng 7 năm 1939. Trước đó ít lâu, hai đứa con gái Irina và Maia đều lần lượt mang bệnh và qua đời. Trong tù, Olga đã sinh non và đứa bé chết. Còn nhớ, trong một bức thư gửi cho người bạn thân thiết – nhà ngôn ngữ học Georgi Makogonenko (1912 – 1986), về sau là người chồng thứ ba của bà, Olga viết : “Tôi chưa kể anh nghe, hai đứa con gái bé bỏng của tôi đã chết khổ sở thế nào. Irina cả tám tiếng đồng hồ trước khi tắt thở đã van xin tôi cứu lấy nó. Nó hiểu rằng mình đang hấp hối… Cả Maia cũng thế. Bé con lần đầu tiên biết gọi tôi là “mẹ” một ngày trước khi nó mất, lúc ấy cũng đã bắt đầu chạm đến cái chết… Và rồi, ở trong tù… ”

Nhưng Olga vẫn không nguôi hy vọng có được một đứa con. Sau khi ra tù, Olga mang thai, nhưng do ảnh hưởng của thời kỳ tù đày, bà lại mất đứa con trong bào thai này. Sau đó, Olga vĩnh viễn không còn được làm mẹ. Đọc kỹ những lá thư Olga trao đổi với Makogonenko (bà là người thích viết thư, và coi thư từ là một thể loại văn học quan trọng, cũng như hồi ký và ghi chép), khi hai người đã về ở với nhau, có một đoạn khiến người đọc không khỏi trào nước mắt. Đó là lá thư bà kể về những ngày ngắn ngủi, bà cùng một số văn nghệ sĩ rời Leningrad về Matxcơva báo cáo tình hình chiến sự (tháng 3/1942). Olga vui sướng đón nhận những triệu chứng thai nghén, ở tuổi 32. Bà khoe lời chúc mừng của nhà văn Sholokhov : “Mừng sức khỏe của người phụ nữ sẽ sinh con trong chiến trận”. Nhưng trớ trêu thay, đó chỉ là tín hiệu giả về một sự sống mới tượng hình bên trong người phụ nữ, là triệu chứng phù nề sau những tháng ngày đói và rét ở thành Len bị phong tỏa. Olga đã kêu lên đầy thất vọng : “Em đã mong chờ bé con biết bao, đã không giấu giếm ai điều đó, đã vui sướng vì sắp có nó, đã hãnh diện về nó… ”

Số phận quả đã rất cay nghiệt đối với người đàn bà bé nhỏ xinh đẹp này. Năm 1938 trong ký ức nhà thơ kéo dài dằng dặc hơn cả một đời người. Khổ hơn, là những đau đớn, tủi hổ, hoang mang của thời kỳ ấy, Olga không thể chia sẻ cùng ai. Những bài thơ bà viết trong tù, rất nhiều bài bà lưu lại cho riêng mình. Người đọc chỉ hiểu hết những gì nhà thơ trải qua rất lâu sau khi bà qua đời, khi em gái bà, Maria Berggoltz, đã tập hợp và công bố toàn bộ di cảo của Olga. Trong bài thơ “Năm 1938”, bà ví năm ấy như “con đường xuyên qua hoang mạc” mà bà sẽ chẳng kể cho ai nghe, tự cho rằng nó như định mệnh tất yếu :

Không, tôi chẳng chia bôi
Không đổi chác
Cái năm cực nhục tất yếu phải trải qua
Và có ai tự biết được điều này
Thì trong lặng im hồn tôi
Hẳn sẽ đọc được thôi
Tất cả *

Im lặng. Nhưng vết khắc khủng khiếp của số phận mà năm 1938 đã để lại tâm hồn Olga có lẽ không bao giờ phai mờ. Bà chỉ gắng nhìn nhận nó một cách biện chứng, để không làm mất đi nét hồn hậu vốn có trong tâm hồn mình.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nga I.D.Glikman hồi tưởng lại một lần cùng Olga đi lên Matxcơva bằng tàu hỏa. Đêm ấy, họ uống một chút rượu và Olga ngủ mê mệt. Khi tàu đến nơi, người bạn đường không thể đánh thức nổi bà. Bấy giờ, trưởng tàu thấy các hành khách khác đã xuống hết, bèn bước vào khoang và quát to : “Dậy!”. Tức thì, Olga bật dậy, đứng nghiêm. Một vài thứ đồ trang sức rơi xuống. Bà cúi xuống nhặt vội vàng và lại trở về vị trí, cổ vươn dài, hai tay để dọc thân mình, căng thẳng, trong lúc tinh thần vẫn mơ màng chưa tỉnh hẳn. Trong vô thức, bà đã hành động như khi ở trong tù, những ngày đã xa…

Hiểu biết về quãng đời này của Olga Berggoltz, ta càng thấm thía cảm thức “công dân” trong tác phẩm sau này của bà. Cảm thức ấy là điểm tựa để bà vượt lên trên mọi đau khổ cá nhân mà lao động và chiến đấu cùng nhân dân, lao vào cuộc sống gian khó không một lời oán thán. Với đất nước mình, bà vẫn giữ trọn niềm yêu, bởi “Tôi hiểu người chẳng á
c độc cùng ai/ Chỉ ấu trĩ thôi những tháng năm dài… ” (Ghi chép trong tù).
Cũng vì thế, người đọc có thể tận hiểu bài thơ Olga viết cho Tổ quốc khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đang đến gần, tận hiểu để mà cảm động sâu sắc trước tấm tình của một công dân dành cho đất nước:

Không, Tổ quốc ơi, dù ký ức đau thương chưa bao giờ dịu vợi
Dù đã chết đi hay oan trái tù đày
Theo tiếng gọi của Người, tôi vẫn đội mồ đứng dậy
Không phải chỉ mình tôi, ai cũng dậy mà đi…

Tôi yêu Người không tính toán điều chi
Tình mới mẻ, đắng cay, độ lượng
Ôi Tổ quốc đẹp xinh trong tâm tưởng
Với tràng hoa mận dại trên đầu
Và cầu vồng tối thẫm phía trời cao

Giờ đã điểm.
Giờ khắc này còn có nghĩa gì sao –
Chỉ có tôi và Người hiểu hết
Tôi yêu Người – Không thể khác hơn, tôi biết :
Tôi và Người vẫn là một, như xưa”

(Với Tổ Quốc – 6/1941)*
Thụy Anh – Hội Nhà văn VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *