Rau dền có nhiều loại. Loại lá lớn có màu đỏ tía là dền đỏ, dền canh; đặc điểm là thân mọng nước, nấu chóng nhừ, nấu canh thì ngon hơn. Loại lá bé có màu xanh là dền trắng, dền xanh hay dền cơm. Rau dền gai mọc hoang.

Rau dền chứa nhiều protid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng. Các protid chứa trong đó được cơ thể hấp thu triệt để. Chất bêta – caroten trong dền gấp 2 lần so với cà, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, giúp ích cho việc tăng cường cơ thể, nâng cao sức miễn dịch, nên được mệnh danh “rau trường thọ”.

Hàm lượng chất sắt trong rau dền nhiều hơn so với bó xôi, hàm lượng canxi gấp 3 lần. Điều quan trọng hơn là, trong rau dền không chứa acid oxalic, canxi và sắt trong dền sau khi đi vào cơ thể rất dễ được tận dụng và hấp thu, vì vậy rau dền thúc đẩy phát triển cơ thể cho trẻ, có giá trị dinh dưỡng cao, giúp xương gãy mau liền.

Rau dền giàu vitamin A, B, C, PP và chứa gần 10 axit amin cần thiết.

Rau dền là loại rau mùa hè, có tác dụng mát gan, thanh nhiệt. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy: Rau dền có khả năng tăng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì có nhiều steril, các acid béo không no.

Theo Đông y, dền cơm vị ngọt, tính hàn. Dền tía vị ngọt, mát, vào đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu. Dùng cho các trường hợp kiết lỵ, táo bón, rối loạn tiết niệu, đau mắt đỏ, sưng đau họng, côn trùng cắn đốt. Có thể nấu, xào ép nước. Ngày dùng 100 – 250g.

Một số món ăn, bài thuốc có rau dền:

* Cháo rau dền tía: Rau dền tía 200g. Rửa sạch, nấu lấy nước, lấy nước rau nấu cháo với gạo lứt. Ăn khi đói. Dùng cho phụ nữ trước, sau khi sinh con có hội chứng kiết lỵ, dùng cho người cao tuổi viêm ruột, kiết lỵ…

* Canh rau dền: Rau dền tía 200g. Rửa sạch, nấu canh. Dùng cho các bệnh nhân ung thư cổ tử cung, hội chứng lỵ, u tuyến giáp trạng lành tính.

Canh rau dền

 

* Canh rau dền thịt lợn: Rau dền tía 60g, thịt lợn nạc 60g, nấu dạng canh. Dùng cho các bệnh nhân bướu giáp trạng lành tính.

* Chữa phát ban: Rau dền 10g, rễ hoặc lá lức 10g, ké hoa vàng 8g, rễ sắn dây 8g, cỏ mần trầu 8g, dây chiều 8g, rau má 8g, dây giác tía 8g, kinh giới 6g, cam thảo đất 6g, bạc hà 4g, gừng sống 2 lát. Sắc uống. Chữa sốt nóng thời kỳ đầu…

* Chữa hậu sản: Lá dền tía 50g, rửa sạch thái lát, nấu bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày.

* Chữa đau mắt: Hạt dền cơm, hạt thảo quyết minh, liều lượng bằng nhau đều 10g. Sắc nước uống. Chữa mắt đau có màng mộng.

* Mát gan, thanh nhiệt: Dền cơm 100g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay; nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua.

* Chữa tăng huyết áp: Rau dền đỏ 20g, lá mã đề non tươi 20g, lá dâu non 20g, nấu canh ăn hàng ngày.

* Chữa lỵ ra máu: Rau dền đỏ 20g, lá mơ lông 20g, rau sam 20g, cam thảo đất 16g, sắc uống ngày 1 thang. Hoặc rau dền đỏ 30g, rau sam 30g, nấu canh ăn ngày 1 – 2 lần.

* Chữa mụn nhọt: Rau dền đỏ 20g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 16g, cam thảo đất 16g. Có thể dùng rau dền đỏ giã nát đắp lên mụn nhọt.

* Chữa sơn ăn mặt: Rau dền đỏ giã nát, đắp ngoài.

* Chữa huyết nhiệt sinh lở ngứa: Rau dền đỏ 20g, kim ngân hoa 12g, ké đầu ngựa 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống hàng ngày một thang.

Chú ý: Rau dền đỏ rất kỵ với tiết canh, đặc biệt là tiết canh vịt và tiết canh lợn; có thể gây tháo dạ (tiêu chảy) nếu ăn cùng.

Do rau dền có tính mát, nên không thích hợp dùng cho người thể chất lạnh; tiêu lỏng và tiêu chảy mạn tính. 

Theo Quốc Trung ( Nông nghiệp Việt Nam )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *