Còn nhớ, vào Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 diễn ra tại Văn Miếu cách đây mấy năm, đã diễn ra một cuộc hội thảo thơ khá sôi nổi, sau một khoảng thời gian dài dành cho việc đọc thơ, hát thơ, biểu diễn thư pháp, thả thơ… Tại đây đã có hai ý kiến của hai nhà thơ nghiêng về hai thái cực khác nhau. Ý kiến thứ nhất của một nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Ý kiến thứ hai của một nhà thơ thuộc thế hệ sau 1975.
Nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ nói: Thế hệ ông vẫn là trụ cột và có nhiều đóng góp cho thi đàn, cho dù nếu muốn chỉ những ai là trụ cột bây giờ, cũng hơi khó (nhiều người đã đứt hơi, nhiều người đã dậm chân tại chỗ, nhiều người đã "cũ" dần theo tuổi tác…).
Nhà thơ thuộc thế hệ sau 1975 nói: Thế hệ ông đang là cầu nối và đang sung sức, tuy còn bị "đối xử" chưa công bằng.
Rất tiếc là không có một nhà thơ nào đại diện cho thế hệ @ (tức là những người thuộc thế hệ 8X). Nếu không rất có thể người đại diện này sẽ nói: "Chúng tôi mới là đáng kể", cho dù trong một cuộc hội thảo về thơ được truyền hình trên VTV1 diễn ra cũng vào thời điểm ấy, chính nhà thơ Vũ Quần Phương – Chủ tịch Hội đồng Thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu một câu rất hay: "Tôi trân trọng mọi sự đổi mới như những cô gái đi tìm chồng và bao giờ họ tìm được chồng, tôi mới chúc mừng họ".
Tóm lại, dù ở thế hệ nào thì hình như vẫn có một chuyện cũ rích xảy ra. Tức là không có thế hệ làm thơ nào chịu thế hệ làm thơ nào cả. Và xem ra thế hệ nào đang nắm "quyền" thì thế hệ ấy có lợi thế, sẵn sàng làm cái việc "cả vú lấp miệng em" như thường.
Các cuộc tranh luận kiểu này, chắc chắn rồi khó đi đến đâu cả. Tại sao?
– Vì hình như tranh luận chỉ là tranh luận và nhiều khi chỉ để cho vui, thế thôi! – Một người bạn nói với tôi.
– Sao ông lại nghĩ thế?
– Thì ngày xưa, người thông thái như Đức Phật có phát ngôn mấy đâu nào?
– Tuy không nhiều nhưng cũng có đấy.
– Ví dụ?
– Ngài chỉ tay vào vầng trăng và nói: Ta chỉ tay là để các đệ tử nhìn thấy mặt trăng chứ không phải để nhìn thấy ngón tay ta. Có một lần Ngài cùng các đệ tử đi đến một con sông. Gặp một người dùng phép khinh công, bay từ bờ này sang bờ kia. Các đệ tử của Ngài nhìn hiện tượng đó và tỏ ra hết sức khâm phục. Thấy thế, Ngài bèn hỏi "người bay": Thế ông tập hết bao lâu mà bay được như thế? "Người bay" đáp: Thưa, mất đúng ba mươi năm ạ! Nghe xong, Ngài quay lại bảo các đệ tử: Thế thì tốn kém quá! Ta chỉ cần mất 5 xu thuê người lái đò, là có thể sang sông được rồi.
– Tuy vậy, Ngài vẫn thuộc diện ít nói.
– Đúng. Vì vô ngôn nhiều khi còn ghê gớm hơn hữu ngôn. Vấn đề là hành động chứ không phải là lời nói.
Nghe hai bậc cao niên trao đi đổi lại với nhau như thế bên lề cuộc hội thảo thơ, tự dưng tôi thấy thấm câu kết luận của nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) sau khi nghe hai nhà thơ trên tranh luận. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: Tranh luận mãi thì rồi cũng không đi đến đâu cả. Bây giờ kết thúc tranh luận sẽ là những bài thơ hay. Tóm lại, chúng ta cần khẳng định chúng ta bằng những bài thơ hay. Đấy mới là điều quan trọng nhất.
Theo Đặng Huy Giang – CAND Online