Năm nay, mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hồng đã ở tuổi ngoài 70. Có người gọi bà theo tên thường dùng là cô Sáu Tiến, còn những người trẻ thì thích cách gọi gần gũi hơn là Má Sáu.
Má Sáu có vẻ ngoài hiền lành của một người mẹ miền Tây với áo bà ba, quần lá nem, khăn rằn quấn cổ. Má Sáu gắn bó với quê hương Càng Long từ thời đạn bom binh lửa và cũng mang trong lòng nỗi đau mất chồng, mất con – nỗi đau mà chỉ có ai trải qua một lần mới hiểu. Vượt lên trên nỗi đau ấy, má Sáu sống kiên cường, cống hiến cho quê hương bằng chính sự bao dung và lòng nhân ái với cuộc đời.
Thời con gái, má Sáu lớn lên và gắn bó với mảnh đất Nhị Long. Quê hương nhiều sông rạch hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng này đã hun đúc nên tinh thần của một con người đầy nghị lực và giàu lòng nhân nghĩa.
Lớn lên, má Sáu lấy chồng. Lắng nghe tiếng gọi của Tổ quốc, má Sáu tiễn chồng đi tập kết khi mối lương duyên chưa được tròn năm. Tình yêu thương và nỗi nhớ cứ dày vò người phụ nữ vẫn chưa tròn 20 tuổi khi ấy.
Rồi má Sáu sinh con. Mỗi tiếng khóc, mỗi hơi thở của con là gắn liền với nỗi nhớ chồng da diết. Đứa con cứ lớn dần lên theo nỗi nhớ của người mẹ trẻ. Gần 15 năm má Sáu vừa tham gia kháng chiến vừa lặng lẽ đợi chờ cho đến ngày chồng trở về. Đứa con trai duy nhất ấy còn là niềm hy vọng lớn lao trong cuộc đời má Sáu – hy vọng sự trở về, hy vọng được đoàn viên.
Ngày gặp mặt rồi cũng đến sau bao năm xa cách. Khi đứa con trai được hơn 10 tuổi thì chồng mẹ được trở về Nam. Nhưng đó cũng là ngày má Sáu đón nhận tin chồng mình chết trận. Vậy là, chồng má ra đi ngay trong ngày hẹn gặp mà chưa một lần được thấy mặt con. Cảm giác hy vọng và thất vọng đan xen vào nhau như dày vò người mẹ trẻ. Nén nước mắt vào trong, má Sáu lặng lẽ dắt con trở về quê.
Lớn lên, đứa con trai duy nhất của má cũng vào kháng chiến để rồi sau đó, má Sáu lại nhận được tin anh đã hy sinh mà không tìm thấy xác sau một cuộc tiến công. Chết lặng! Má chẳng tìm lại được gì sau chiến tranh, có chăng là một khoảng trống lớn lao của một góa phụ mất chồng, một bà mẹ mất con…Chính những nổi đau tột cùng ấy đã làm nên một nghị lực phi thường để má Sáu kiên cường hơn trong hiện tại.
Ngày nào cũng vậy, người dân Thành phố Vĩnh Long thường thấy má Sáu lặng lẽ đi qua hết con đường này đến ngõ hẻm khác, hết năm này qua tháng nọ. Công việc má Sáu đang làm tuy giản đơn nhưng đầy ý nghĩa: má đi nuôi heo đất để vận động cho người nghèo. Má cùng những người bạn của mình đến với những hoàn cảnh không may. Nỗi buồn của má Sáu vẫn còn đây, nhưng má không thấy mình đơn độc khi tham gia hành trình xoa dịu nỗi đau cho bao người khác.
Má đem hết tình yêu thương của mình dành cho những đứa trẻ bất hạnh, âm thầm cần mẫn góp nhặt, vận động kinh phí để mổ tim cho người nghèo, mang lại nhịp đập và sức sống mới cho những hoàn cảnh không may. Má tìm đến với những mảnh đời bất hạnh để cảm nhận nỗi đau của mình thật bé nhỏ trong biển nước mắt của những bà mẹ trong suốt cuộc chiến tranh. Má nâng niu từng mầm sống, từng mảnh đời để nuôi lớn những hy vọng đẹp đẽ của cuộc sống.
Thu Trang