Ôm ấp giấc mộng mai này đủ sức truyền cảm hứng đến nhiều trẻ em yêu thích âm nhạc vững tâm theo đuổi năng khiếu của bản thân, chàng thanh niên khiếm thị người Khmer Sơn Thanh Tuấn ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh dặn lòng phải kiên trì học hỏi nhiều loại nhạc cụ hơn nữa.
Vượt qua trở ngại bởi cơ thể sinh ra đã èo uột, yếu ớt; năm lên 6 tuổi, Tuấn đã tự chế 1 bộ trống từ đồ phế liệu, ngày ngày tập luyện. Không dừng ở đó, Tuấn còn thành thạo bộ đàn ngũ âm – loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc Khmer.
Muốn diễn tấu hòa hợp với ban nhạc, thì trước hết, người nhạc công bắt buộc phải am hiểu cả 7 loại nhạc cụ làm ra từ 5 chất liệu khác nhau là đồng, sắt, gỗ, da và hơi – đại diện của năm âm thanh chủ yếu tạo nên chất riêng của nhạc Ngũ Âm. Càng có cơ hội gần gũi với loại hình âm nhạc đậm hồn dân tộc này Tuấn càng nhận ra việc đàn hát tại các đám tiệc hoặc lễ hội lớn hằng năm trong cộng đồng mình không chỉ giúp em đỡ đần gia đình vượt qua những ngày thiếu ăn thiếu mặc mà còn giúp chàng nhạc công tật nguyền nuôi dưỡng mãnh đất tâm hồn ngày thêm tràn đầy nhựa sống.
Không còn những ngày tăm tối, tự ti vì cơ thể khiếm khuyết, chọn con đường âm nhạc Tuấn dường như đã tìm thấy tương lai tươi sáng. Tiếp tục thử sức học thêm mảng nhạc trẻ là đàn organ, Tuấn đi theo các ban nhạc sống để đánh đàn và hát cho bà con. Vậy là ngót nghét 15 năm trôi qua, nghề đàn hát rong ruổi ấy đã giúp Tuấn mưu sinh kiếm sống; và cũng là ngần ấy năm chàng thanh niên người Khmer mù lòa vẫn mãi khát khao về một điểm diểm dừng chân yên bình bên cơ sở dạy đàn, để việc mua bán nhạc cụ thêm vững vàng. Thế nhưng đồng lời ít ỏi của nghề chưa cho phép Tuấn sắm sửa các loại nhạc cụ dù gắng hết sức chắt chiu. Những ngày tháng sắp tới với Tuấn vẫn còn đầy ắp chông gai….
Trong cái thiệt thòi về thể chất khiến k thể theo học văn hóa như mọi người thì Tuấn được bù đắp lại bằng khả năng âm nhạc cực nhạy bén. Điển hình là việc học đàn ngũ âm năm 6 tuổi, học organ năm 9 tuổi.
Càng thương con, người làm cha làm mẹ như vợ chồng ông bà Hai càng thấu hiểu nỗi khát khao được theo nghề của Tuấn. Không ruộng đất trong tay, tất cả vốn liếng mà cha mẹ Tuấn có được chỉ gói gọn là nghề làm bánh bao hơn 20 năm. Nhưng nhờ đó ông bà có thể nuôi nấng Tuấn cùng 2 người con nữa khôn lớn nên người.
Anh chị của Tuấn may mắn có được cơ thể lành lặn, được ăn học đến nơi đến chốn tuy nhiên sau khi hoàn thành xong 4 năm đại học, họ vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp nên khó lòng san sẻ với cha mẹ gánh nặng kinh tế, giúp em trai tật nguyền thực hiện ước mơ theo đuổi con đường âm nhạc như dự định.
Hiểu hết những khó khăn mà gia đình đang đối mặt nên chàng nhạc công nghèo càng ra sức trau dồi thêm nhiều ngón đàn mới, nhất là thể loại ghita yêu thích để việc đàn hát cho các đám tiệc trở nên dễ dàng. Mặc cho việc đi lại khó khăn, hễ nghe bạn bè có nhạc cụ dư tại nhà là Tuấn lại lặn lội đến tận nơi để mượn đàn tập luyện. Chỉ cần được được sống trong âm nhạc thì có vất vả mấy, người thanh niên khiếm thị cũng không từ nan…Thế nhưng việc chạy vạy tìm mượn nhạc cụ tạm bợ như hiện tại, rồi những chuyến biểu diễn bấp bênh có phải là bài toán hợp lý dài lâu? Rồi đây, Tuấn có đủ sức tự lo cho bản thân, làm tròn đạo hiếu của người con đỡ đần cha mẹ lúc về chiều như mong muốn từ lâu….
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Sơn Thanh Tuấn, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh 2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long. |
Thùy Dương