Chuyên đề Nông thôn Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư phản hồi của bạn đọc ở nhiều tầng lớp trong xã hội. Rất nhiều bạn đọc có cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em đang là nông dân ở mọi miền quê. Chúng tôi có thể nói rằng : không một thư phản hồi nào không đồng tình với hiện trạng nông thôn Việt Nam hiện nay mà Vietimes đã đưa ra.

Phóng viên Vietimes cũng tiếp xúc với nhiều nông dân ở Nghệ An, Thanh Hoá, Cao Bằng, Thái Bình, Hà Tây, Hà Nam… Những người nông dân muốn nhờ Vietimes nói cho xã hội, đặc biệt nói cho những người quản lý và các chuyên gia biết về cuộc sống thực sự của dưới dạng một bức thư ngỏ.

Phóng viên Vietimes đã lắng nghe và giúp những người nông dân chấp bút lá thư này.

Thưa các ông, các bà!

 

Chúng tôi là những người nông dân. Chúng tôi đang sống trong một cuộc sống đầy thách thức và đe doạ. Sự thách thức và đe doạ này không chỉ đối với chúng tôi, mà còn đối với các thế hệ sau này của chúng tôi. Đó là những thách thức và đe doạ từ kinh tế, từ môi trường, từ giáo dục, từ sức khoẻ và từ văn hoá.

Chuyên trang Vietimes đã thực hiện chuyên đề về chúng tôi mang tên : Nông thôn Việt Nam – Hiện thực và sự chọn lựa. Chúng tôi có thể nói, đây là chuyên đề đặc biệt. Chuyên đề này không phải là nói về việc cày cấy của chúng tôi, mà là về số phận của chúng tôi. Chúng tôi xin nhắc lại và xin nhấn mạnh hơn bao giờ hết : chuyên đề về số phận chúng tôi.

Cho đến bây giờ, chúng tôi không biết làm thế nào để thay đổi đời sống của chúng tôi cho thực sự có ý nghĩa. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể cho mảnh đất này. Các ông các bà có biết rằng, mảnh đất này được tưới bón bởi mồ hôi và máu của ông bà, cha mẹ, con em chúng tôi và của chính chúng tôi không? Trong mọi cuộc chiến tranh vệ quốc, những làng quê chúng tôi đã gửi những người con khoẻ mạnh và ưu tú nhất của mình vào mặt trận. Đất đai xứ sở này rộng đến đâu thì mồ hôi và máu của chúng tôi đổ đến đó. Hàng triệu triệu những người con trai, con gái của chúng tôi đã ngã xuống bao nhiêu đời để dựng lên tượng đài tự do của dân tộc này.

Những bài viết trong chuyên đề về nông thôn của Vietimes đã nói lên phần cơ bản nhất những gì chúng tôi đang phải đương đầu. Chúng tôi không biết các ông, các bà có đọc những bài viết đó không? Nếu có đọc thì các ông, các bà mang cảm xúc gì? Có những ai trong các ông, các bà mất ngủ không? Và có ai ứa nước mắt không? Những người viết các bài báo về hiện thực của chúng tôi dù cố gắng trung thực đến thế nào cũng chỉ mới mở ra một ô cửa nhỏ để các ông, các bà có thể nhìn thấy chúng tôi. Nếu chúng tôi có khả năng, chúng tôi sẽ thu nhỏ toàn bộ nông thôn lại như một sa bàn, để các ông, các bà nhìn xuống thì các ông các, bà sẽ không khỏi kinh hoàng khi nhận thấy chúng tôi đang sống như thế nào, cho dù hầu hết các ông, các bà đã sinh ra và lớn lên từ những làng quê.

 

Các ông, các bà có biết chúng tôi đang sống như thế nào trong thế kỷ này không?

– Chúng tôi đang làm việc như một sự hành xác để kiếm miếng ăn trên cánh đồng đầy gió bão, đầy lũ lụt và đầy bất trắc.

– Chúng tôi đang ngày ngày uống những nguồn nước ô nhiễm như uống những bình thuốc độc của Tử thần.

– Chúng tôi đang đau đớn trong bệnh tật mà không có điều kiện để chữa trị.

– Chúng tôi đang phải hứng chịu một hệ thống giáo dục bất lực ở nông thôn.

– Chúng tôi đang phải chứng kiến sự hoang mang và mệt mỏi của con cái chúng tôi.

– Chúng tôi đang sống trong “rơm rác” của lối sống thực dụng từ đô thị tràn về.

– Chúng tôi đang bị cướp mất những vẻ đẹp của văn hoá ngàn đời trong mỗi ngôi nhà, trong mỗi cái làng của chúng tôi.

Khi những bài viết trong chuyên đề Nông thôn của Vietimes xuất hiện thì có những người kêu lên rằng, các nhà báo đã bi quan hoá cuộc sống của chúng tôi. Nhưng không, sự thật mà các bài viết đó chỉ ra chỉ là một hạt cát trong một đấu cát hiện thực của chúng tôi. Không ít con em chúng tôi đã rời bỏ làng quê đổ về các đô thị mong kiếm được một việc làm để nuôi thân và cứu giúp gia đình đã không đủ can đảm trở về làng quê của chúng nữa. Giờ đây, chúng kinh hãi chính nơi chúng sinh ra và lớn lên. Chúng đã sai lầm, nhưng chúng không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi thương xót con em mình đến nhường nào.

 

Thưa các ông, các bà!

Có ai trong các ông các bà có đủ can đảm và sự chịu đựng để về các làng quê sống với chúng tôi một năm không ? Người Việt Nam chúng ta có câu “chọc gậy xuống nước”. Có quá nhiều người trong các ông, các bà đã “chọc gậy” xuống cuộc sống của chúng tôi. Bởi thế, các ông, các bà không bao giờ có thể hiểu đúng chúng tôi đang sống như thế nào. Nông thôn chưa thể giàu có trong chớp mắt được. Chúng tôi hiểu điều đó với nhiều lý do. Nhưng nông thôn không thể bị đầu độc nguồn nước, không thể bị bỏ rơi trong giáo dục, không thể bị thờ ơ trước bệnh tật, không thể bị phá vỡ những nét đẹp của văn hoá. Có những gia đình trong nhiều làng còn nghèo, nhưng họ vẫn bảo tồn được một đời sống tinh thần và văn hoá mẫu mực.

Chúng tôi đã, đang và mãi mãi sống cho dân tộc này. Bảo chúng tôi làm gì cho dân tộc, chúng tôi cũng làm như một sự hy sinh cao cả nhất mà không hề đắn đo. Trước kia, bảo chúng tôi dâng hiến những đứa con máu thịt của chúng tôi cho độc lập tự do của dân tộc, chúng tôi đã dâng hiến. Có không ít những gia đình nông dân đã dâng hiến đến đứa con cuối cùng của họ cho nền độc lập tự do ấy. Bây giờ, bảo chúng tôi nhường ruộng đất để làm đường xá, chúng tôi nhường ruộng đất. Bảo chúng tôi nhường ruộng đất để xây những chung cư đắt tiền, mà số tiền của một chung cư có thể mua liền mấy cái làng, chúng tôi nhường ruộng đất. Nhưng chẳng lẽ chúng tôi lại không được gì từ sự hy sinh ấy. Hay là vì chúng tôi là nông dân – những phận người thấp hèn nhất trong xã hội này – thì không có quyền lên tiếng bất cứ điều gì ?

Chúng tôi đang sống trong sợ hãi. Đó là sự sợ hãi của tất cả những gì đang phá vỡ đời sống.

PV Vietimes (chấp bút)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *