Viết tự truyện hay hồi ký là một nhu cầu chính đáng của mỗi con người nhằm kể lại cuộc đời của con người đó, hoặc một giai đoạn lịch sử mà con người đó tham gia như một nhân chứng. Khoảng mươi năm trở lại đây, việc viết hồi ký hay tự truyện đã bắt đầu có xu hướng phát triển. Có người viết để tái hiện một thời đại với lịch sử và những nhân vật của thời đại đó. Có người viết để suy ngẫm hay độc thoại với chính mình. Có người viết như một sự sám hối, một sự tự kiểm điểm, nhưng có người viết để tôn vinh cá nhân mình hoặc trả thù một hay những người khác.

Những ai viết nhật ký, hồi ký hay tự truyện ? Những người phải kể đến đầu tiên là các nhà văn. Việc này cũng giống như một công việc viết văn của họ. Sau đó là các nhân vật quan trọng, các nhân vật có tên tuổi. Rồi đến cả những người bình thường trong xã hội. Có người viết hồi ký để rồi cất vào trong tủ cho đến khi chết. Cũng có người viết để công bố như một tài liệu hay như một tác phẩm. Nhưng chúng ta đang phải đương đầu với nguy cơ là rất nhiều người có tiền hay hám danh viết và in hồi ký hay tự truyện của mình.

Mươi năm trở lại đây, khi các tác phẩm văn học ít gây được tiếng vang thực sự trong bạn đọc thì các cuốn hồi ký, tự truyện được xuất bản và không xuất bản lại tạo ra những làn sóng trong xã hội. Có những cuốn hồi ký, tự truyện tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ, tác động vào lương tâm bạn đọc, có cuốn lại dựng lên một không khí ngờ vực, có cuốn tạo ra một làn sóng phản ứng, có cuốn gây nên một sự choáng váng bởi nó vén mở một bí mật nào đấy về một nhân vật hay một sự thật nào đấy. Nhưng cũng có những cuốn hồi ký hay tự truyện lại tràn ngập một không khí u ám của sự hận thù.

Sức mạnh của tính công bằng

Hai cuốn sách mà tôi muốn đề cập đến là Nhật ký Đặng Thùy Trâm Tự truyện Lê Vân. Hai cuốn sách này với hai nội dung khác nhau và cho dù có những ảnh hưởng ngược nhau với người đọc, nhưng cả hai có chung một điểm quan trọng nhất của thể loại hồi ký hay tự truyện : tính công bằng của sự thật.

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Đặng Thùy Trâm viết nhật ký để ghi lại những gì đã xẩy ra trong con người chị. Chị không giấu diếm những gì mà thời đó, người ta không chấp nhận trong tư tưởng của một con người và đặc biệt trong tư tưởng của một người lính. Đó là những dằn vặt, những tình cảm riêng tư đối với một người đàn ông ít tuổi hơn chị, những khát vọng ngây thơ và cả những sợ hãi… Cuốn nhật ký này đã trở thành hiện tượng sách bán chạy nhất mà từ năm 1975 đến giờ chưa có cuốn sách nào vượt qua. Người ta đọc vì lý do gì? Vì một lý do duy nhất là để biết được sự thật của cô gái trong một điều kiện sống cận kề cái chết. Ở đó, người ta không phải bị nghe những lời sáo rỗng và giả dối, người ta không phải nghe những lời chỉ trích người này hay tôn vinh người khác. Đặng Thùy Trâm không có nhu cầu gì khi viết những trang nhật ký đó ngoài nhu cầu được thét lên như một người bệnh phải chịu những cơn đau đớn quá sức, như một cô bé nhìn thấy một bóng người lạ trong căn phòng của mình giữa đêm… Khi viết, chị không bao giờ nghĩ một ngày sẽ mang cho ai đó đọc hay để dùng nó như một tấm gương cho người khác soi vào. Chị viết với một bản năng, với một nhu cầu tự thân nhưng trên nền tảng của một tâm hồn trong sáng, nhân hậu và tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Chính vì điều đó mà chị gián tiếp mang đến tính công bằng của sự thật cho những trang viết của mình.

Với Tự truyện Lê Vân thì có vẻ phức tạp hơn. Bởi Lê Vân đã chạm đến những người liên quan trong tự truyện của mình. Nhưng đó cũng là một sự thật. Khi kể lại một phần cuộc đời mình và những người liên quan, Lê Vân biết trước cuốn tự truyện của mình sẽ đến tay người đọc. Chị biết trước giông bão sẽ ập đến với chị. Và sự thật là thế. Nhưng chị đã không ngần ngại. Đó là sự liều lĩnh, sự vô cảm hay là thói ngạo mạn? Không có những từ này trong ý thức của chị. Tự truyện Lê Vân cũng là một tiếng thét. Sau tiếng thét này, tôi tin chị sẽ sống thanh thản hơn. Những dày vò, đau đớn và điên rồ trong con người chị đã được cắt bỏ như một khối u. Tự truyện Lê Vân đã xé dư luận ra làm hai mảnh : chia sẻ và lên án. Hai phía của dư luận chính là bản tính của xã hội. Phía lên án chị thì quy cho chị đủ loại tội. Thực ra thì trong rất nhiều người lên án chị cũng có những câu chuyện cay đắng như chị, nhưng họ đã không đủ dũng cảm để kêu lên, hoặc họ mang một quan điểm khác về những cay đắng của mình : giấu đi tất cả. Tự truyện của Lê Vân gửi đi một thông điệp – có thể là một thông điệp màu xám – về sự thật trong các mối quan hệ của con người với con người. Nhưng thông điệp đó là một lời cảnh báo về một đời sống bất ổn và còn quá ít ý nghĩa tinh thần đích thực của nó.

NSƯT Lê Vân

 
Tôi không thấy sự “sáng tạo” hay bịa đặt, hay xuyên tạc trong hai cuốn sách này. Có thể có những chi tiết không được hợp lý hay chưa chính xác trong hai cuốn sách, nhưng toát lên tinh thần cơ bản là tính công bằng của sự thật. Nói đúng một nỗi đau, nói đúng thái độ khinh bỉ của mình, nói đúng sự tuyệt vọng cá nhân mình hay nói đúng một ham muốn nhỏ bé của mình, theo tôi, đó là tính công bằng của sự thật và đều được tôn trọng. Cả hai cuốn sách nói trên là của những người đàn bà. Hai người đàn bà này không có tham vọng gì khi viết về một phần của cuộc đời mình. Bởi một người sống cận kề cái chết và không biết mình có thể trở về nhà được không. Còn người kia đã ê chề những gì gọi là vinh quang. Cả hai chỉ muốn khóc òa lên hay muốn thét lên một lần để rồi sẽ im lặng mãi mãi. Chính vì thế mà hai cuốn sách đó đã cuốn hút bạn đọc cho dù hai cuốn sách đó mang lại cho người đọc hai luồng cảm xúc khác nhau. Nhật ký Đặng Thùy Trâm là số phận của một con người bằng xương bằng thịt trong chiến tranh và khát vọng của con người đó về hòa bình và về một cuộc sống giản dị nhưng vô giá. Còn Tự truyện Lê Vân là nỗi sợ hãi, cô độc, mệt mỏi và chán ngấy của một con người trong một thế giới đang trở nên giá lạnh và càng ngày càng ít đi sự chia sẻ và yêu thương của con người với con người. Cả hai cuốn sách này cho chúng ta thấy được những ví dụ của sự nói thật. Mà đó lại là điều mà bất cứ xã hội nào cũng cần như một cơ thể bệnh tật cần thuốc chữa.

Nói thật hay là sự bôi nhọ cá nhân

Việc viết hồi ký, nhật ký hay tự truyện càng ngày càng nở rộ. Có những hồi ký hay tự truyện được xuất bản và có rất nhiều còn nằm trong bản thảo hoặc được xuất hiện trên các trang web cá nhân và blog, hoặc nằm trong dạng bản thảo truyền tay. Một vấn đề cơ bản nhất của những cuốn hồi ký hay tự truyện này cuốn hút bạn đọc là một số nhân vật được đề cập trong đó như hình ảnh của sự gian dối và xấu xa. Có những nhân vật đã chết và có những nhân vật còn sống. Chúng ta đã từng biết đến những phản ứng hay kiện cáo của các nhân vật còn sống được viết trong hồi ký, hoặc là thân nhân của những nhân vật đã chết. Có những chuyện chỉ có hai người biết. Đó là nhân vật và tác giả của những cuốn hồi ký và tự truyện. Lẽ đương nhiên, nếu nhân vật ấy được nói tốt hay ca ngợi thì chẳng có chuyện gì. Nhưng nếu có những chi tiết hay những điều không hay thì sẽ bị phản ứng hoặc bị kiện cáo. Nhưng chúng ta không thể biết chính xác là chuyện đó có hay không, vì người được hay bị nói đến đã chết không làm sao thanh minh hay cãi được nữa. Bởi thế, chúng ta cần nhân cách của người viết và quan trọng hơn là cần tính khái quát đời sống của người viết thông qua những nhân vật mà người viết đề cập.

Quả thực, có một số nhân vật được nói đến đã sống một cuộc sống đạo đức giả, có khi lại còn có vị trí trong xã hội. Việc một nhân vật nào đó có vị trí trong xã hội mà lại sống với một đạo đức giả thì đó chính là sự nguy hiểm đối với xã hội. Đơn giản vì những nhân vật như thế đã đánh tráo những giá trị của con người. Việc lên án cái xấu là trách nhiệm của mọi người và đặc biệt là trách nhiệm của những nhà báo, nhà văn và những nhà nghiên cứu xã hội. Nếu chúng ta không nói ra sự thật của những kẻ xấu xa mượn danh cái đẹp và đạo đức thì chúng ta vô tình tiếp tay cho cái xấu đó ngang nhiên tồn tại và phát triển trong xã hội chúng ta.

Bởi thế, việc viết hồi ký hay tự truyện đề cập đến các nhân vật này như một sự phê phán, để những người khác nhìn đó như một bài học mà rút kinh nghiệm và tu sửa bản thân mình. Tác giả những cuốn hồi ký hay tự truyện không thể góp ý trực tiếp với những nhân vật đó, hoặc góp ý mà không có tác dụng thì đã dùng hồi ký hay tự truyện để thực hiện mục đích của mình.

Sự thật là điều vô cùng cần thiết cho mọi con người. Việc nói lên sự thật luôn luôn làm cho cơ thể của xã hội mạnh khỏe. Nhưng thực tế cũng cho thấy có những cuốn hồi ký và tự truyện đã trút vào đó những tư thù trong quá khứ của người viết và các nhân vật liên quan. Khi đó, những câu chuyện mà tác giả viết về hay kể về một số người trong cùng cơ quan, cùng nghề nghiệp v.v… đã bị bóp méo, bị xuyên tạc với ý đồ không thiện chí. Khi người này viết hồi ký hay tự truyện nói xấu người khác và người khác lại viết hồi ký hay tự truyện nói xấu lại thì mọi chuyện trở lên rối loạn. Nó sẽ trở thành một cuộc mắng chửi nhau “sang trọng” bằng sách hay có thể gọi bằng tác phẩm. Và người đọc là những nạn nhân đầy t&iacu
te;nh tò mò sẽ phải chịu hậu quả của những cuộc mắng chửi nhau này. Nguy hiểm hơn và tác hại hơn khi những người mắng chửi nhau bằng sách hay bằng tác phẩm lại là những người ít nhiều có danh tiếng và có vị trí trong xã hội.

(Còn nữa ) 
Minh Luận – VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *