Kỳ I – Ngược dòng sông Tiền 

Hàng năm, cứ đến mùa lũ, người dân ở các tỉnh vùng đầu nguồn sông Hậu và sông Tiền lại tạm ngưng sản xuất lương thực và chuẩn bị những phương tiện cần thiết để đánh bắt các loại cá theo dòng nước từ Biển Hồ bên nước bạn Cam-pu-chia đổ về.

>>> Xem Video clip "Ngược dòng sông tiền"

Từ bến đò du lịch bên bờ kè sông Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng về thượng nguồn sông Tiền vào lúc 5 giờ sáng ngày mùng 9, tháng 9 âm lịch – tức ngày 07/10/2008. Sở dĩ chúng tôi chọn ngày này vì theo kinh nghiệm của bà con, đây là thời điểm thủy triều sông Tiền đã đạt đến đỉnh và sẽ rút nhanh trong những ngày sắp tới. Thủy triều rút cũng là lúc bà con bắt đầu đánh bắt cá từ những cánh đồng và kênh rạch đang ào ạt đổ ra sông.

Cuộc hành trình ngược dòng sông Tiền bắt đầu
Bình minh cầu Mỹ Thuận…

Dòng nước chảy mạnh nên chiếc đò du lịch loại nhỏ đưa chúng tôi đi phải chạy ngược dòng khá chậm. Từ bến đò Cổ Chiên đến chân cầu Mỹ Thuận thường ngày chỉ mất khoảng hơn 30 phút, nhưng do sức nước chảy mạnh nên đã hơn 30 phút mà chúng tôi chỉ mới đến làng cá bè bên phía bờ Nam sông Tiền. Trời hửng sáng, hiện rõ trước mắt chúng tôi là cầu Mỹ Thuận, một công trình hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và chính phủ Australia. Đây là niềm tự hào của người dân đồng bằng khi sở hữu một công trình lớn vào thời điểm mở đầu thiên niên kỷ mới.

Sông Tiền có chiều dài khoảng 220km, bắt đầu vào nước ta từ huyện Tân Châu tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp rồi tiếp tục chảy qua các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Gọi tên sông Cửu Long là vì ở lưu vực Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), sông Tiền chia làm bốn nhánh là sông Mỹ Tho chảy qua Thị xã Gò Công rồi ra biển bằng cửa Đại và cửa Tiểu, nhánh sông Hàm Luông chảy qua phía Nam tỉnh Bến tre và ra cửa biển Hàm Luông, sông Cổ Chiên chảy qua Vĩnh Long, Bến Tre trở thành ranh giới của 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh trước khi đổ ra cửa biển Cổ Chiên và Cung Hầu, sông Ba Lai chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre rồi đổ ra cửa Ba Lai. Tuy nhiên hiện nay, cửa sông Ba Lai đã được chặn bằng hệ thống cống đập trong dự án ngọt hóa vùng ven biển của tỉnh Bến Tre. Như vậy, hạ lưu sông Tiền có 6 cửa đổ ra biển, sông Hậu có 3 cửa nên còn gọi là Cửu Long Giang, tức vùng đất chín dòng sông…

Những bè cá ven sông
Hiện nay, nhiều xà lan khai thác cát ven sông Tiền

Vào mùa khô, lưu lượng nước sông Tiền chỉ khoảng 6.000 mét khối/giây, vào mùa mưa, lũ có thể đạt đến 120.000 mét khối/giây… Vì vậy, vào mùa này, các dòng sông đều không tải nổi lưu lượng nước quá lớn và những cánh đồng vùng trũng chính là nơi nước tràn bờ gây ngập úng trong nhiều tháng. Khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi nước bắt đầu rút thì cũng là lúc mùa thu hoạch cá trên các kênh rạch và sông lớn của bà con bắt đầu. Từ tờ mờ sáng, đã có vài chiếc xuồng đi giăng lưới kéo cá. Cách thả lưới phao thường nhằm bắt các loại cá ăn ở tầng mặt nước, đa số là cá lòng tong. Công việc đánh bắt cá lòng tong của bà con trên khúc sông thường có quanh năm bởi cá lòng tong không chỉ có trong mùa nước lũ. Mỗi ngày, một đôi vợ chồng cũng có thể kiếm được đôi ba ký cá, bán được ba bốn chục ngàn, đủ cho tiền chợ qua ngày…

Càng về phía Sa Đéc và Cao Lãnh, dòng sông dường như càng hẹp dần bởi các hồ nuôi cá. Có địa điểm, người nuôi cắm cọc lấn sông tạo thành một cù lao kéo dài khoảng 3km. Dòng sông đoạn này như bị bó lại nên sức chảy càng mạnh hơn. Nghề nuôi cá hiện nay có lẽ mang lại nhiều lợi nhuận, nên cuộc “tấn công vào thiên nhiên” đang được người dân tận dụng khá nhiều… Xa hơn một chút, chỉ trong một khúc sông mà có khoảng 70 xà lan khai thác cát đang hoạt động thật nhộn nhịp. Nếu mỗi chiếc chỉ tiêu thụ 1 tấn cát/ngày, thì trong một tháng, khu vực này mất đi hơn 210.000 tấn cát… Liệu lượng cát sông Tiền đưa về hàng năm có kịp bù đắp lại khoảng cát bị mất đi này? Và có phải vì vậy mà cư dân ven sông Mê Kông phải chịu cảnh đất lở hàng năm?

Kéo cá
Giỡ chà

8 giờ sáng, tức sau 3 giờ đi ngược dòng từ Vĩnh Long, chúng tôi đến được đoạn sông Tiền thuộc địa phận Sa Đéc. Nước đã bắt đầu giật. Ở ven đoạn sông này, người dân chất chà khá nhiều. Chất chà ven sông là một trong những hình thức đánh bắt cá lâu đời nhất của người đồng bằng. Chà là tên gọi những cành cây còn nguyên thân cành, được chất nằm thành từng cụm lớn để dẫn dụ cá tôm đến ở. Bà con cho biết, ở vùng này, mỗi năm giỡ chà 2, 3 lần vào mùa lũ và cận Tết Nguyên đán… Lần giỡ chà khi chúng tôi đến là do bà con phát hiện phù sa về khá nhiều, chà bị lấp sâu sẽ khó giỡ nên phải giỡ sớm.

Hiếm khi được xem tận mắt cảnh giỡ chà nên dù biết phải đợi từ 3 đến 4 giờ mới giỡ xong, chúng tôi cũng quyết neo tàu lại để chứng kiến. Khi giỡ chà, phải có ít nhất 5 người, nhiều hơn càng tốt. Trước tiên, người dân thả lưới bao quanh đống chà. Sau khi đã chèn kỹ miệng lưới dưới đáy sông, họ bắt đầu giỡ từng cành cây ngâm nước đen tuyền chuyền cho người phía sau, người phía sau lại tiếp tục chất qua điểm mới. Cứ như thế, họ giỡ ở hết bên này, bỏ sang bên kia rồi lặn xuống đáy dùng dây lạt cột thắt dần miệng lưới lại rồi kéo lên từ từ… Cách bắt này cũng thất thoát khá nhiều vì các loại cá như cá ngựa, cá mè vinh… khi bị vây bắt thường phóng rất cao, đa số là cá lớn thoát khỏi lưới vây nên làm bà con cứ tiếc ngẩn ngơ… Bà con cho biết, do giỡ đáy sớm quá nên cá chưa nhiều, chỉ được khoảng 5 ký tôm càng xanh và vài ký cá các loại, bán được khoảng 600.000 – 700.000 cho mối thu mua ở chợ…

Đánh bắt cá từ sáng sớm
Thăm lưới đã giăng…

Để tránh luồng nước đổ khá mạnh nhằm tiếp tục cuộc hành trình, anh tài công cho đò chạy cặp bờ phải sông Tiền, khu vực quy hoạch khu công nghiệp của Sa Đéc. Đây là khu công nghiệp đa ngành nghề với tổng diện tích 330 ha, nằm bên bờ sông Tiền và gần quốc lộ 80 nên rất thuận tiện cho vận chuyển đường thủy, đường bộ đi các tỉnh ĐBSCL, TPHCM, Cam-pu-chia… Là một thành phố có bề dày lịch sử trong công cuộc khẩn hoang miền Nam, nhiều ngành nghề truyền thống được Sa Đéc chú trọng phát triển, trong đó nổi tiếng nhất là làng nghề trồng hoa kiểng ở Tân Qui Đông. Về Tân Qui Đông bất cứ tháng nào trong năm cũng cảm nhận được hương sắc của rất nhiều loài hoa kiểng. Từ lâu, làng nghề trồng hoa kiểng này đã thu hút đông đảo khách du lịch về tham quan và góp phầm mang lại lợi nhuận đáng kể trong việc nâng cao đời sống cho bà con…

Qua Cao Lãnh, chúng tôi rẽ vào con kênh nhỏ để đến các xã Bình Tân, Bình Thành thuộc huyện Thanh Bình. Những vùng quê này có nhiều cách đồng lớn, nhưng đều bị ngập hoàn toàn khi lũ về. Lúc này là thời điểm bà con đem xuồng từ sông qua ruộng để làm phương tiện đánh bắt cá. Đây cũng là nét văn hóa mưu sinh độc đáo bởi không nơi nào chiếc xuồng phát huy tác dụng cả trên đồng lúa như ở vùng lũ này. Trên đồng thì đặt dớn… ruộng của ai người ấy đặt, trừ khi chủ ruộng không muốn bắt cá thì cho người khác trong xóm khai thác. Dớn làm bằng lưới cước được cắm dài trên đồng. Có những luồng dớn dài hàng trăm mét, đón cả luồng cá đi. Cá gặp lưới cước sẽ men theo tìm đường đi. Gặp lỗ thì chui qua, nhưng đó là đường vào đú. Đú là đoạn lưới cuối cùng hình ống, có một phần lộ trên mặt nước cho cá thở. Người đi thăm dớn, chỉ cần giở đú là biết cá nhiều hay ít. Những năm trúng mùa cá, mỗi dớn thu được vài trăm ký cá là chuyện thường. Năm nay, cá về ít nên trên cánh đồng nhỏ của mình, ông Huỳnh Văn Luận – ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Bình, Đồng Tháp – thu hoạch không được bao nhiêu…

Làng hoa Tân Qui Đông, Sa Đéc

Nhiều nông dân không quan tâm đến cá linh mà chỉ thích bắt cá rô non về làm cá giống. Mùa này, họ dùng xà-di – một dụng cụ bắt cá rất hiệu quả của người Khmer – để bắt cá rô non. Khi đặt, đầu xà-di phải cao hơn mặt nước để cá vào có thể ngoi lên thở được. Đáy xà-di là nơi đặt mồi bên cạnh hom. Cá vào hom rồi là không thể ra được… Mỗi buổi sáng, dành ra khoảng 2 tiếng đi giở xà-di đã đặt hôm qua, bác ông Nguyễn Phước Việt – ngụ tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp – thu được khoảng 2 ký cá rô.

Ở Thanh Bình, một trong những cách phổ biến nhất của người dân là dùng lưới giăng qua đêm rồi hôm sau đi bắt cá… Hình thức đánh bắt này áp dụng cả trên đồng hoặc trên sông rạch nên rất hiệu quả. Những năm cá về nhiều, bà con gọi là cá “ra rộ” nên đánh bắt suốt ngày đêm và phải đem theo nhiều tay lưới thay nhau mang lưới đã dính cá về nhà để mọi người cùng gỡ cho đỡ mất thời gian. Mùa cá rộ, mỗi ngày chỉ cần một người thường xuyên thăm lưới có thể bắt được năm, bảy chục ký cá là chuyện bình thường và cá linh là loại cá có số lượng đánh bắt được nhiều nhất.

Thu hoạch cá linh
Năm nay, cá về ít nên bà con đánh bắt không được nhiều bằng các năm trước
Cá linh to tròn thường được chiên xù, kho mặn hay nhận mắm và đều trở thành những món ăn ngon hiếm có

Đây là loại cá được thị trường ưa chuộng vì chỉ có trong mùa lũ, thịt ngọt và béo. Cá linh non đầu mùa lũ kho lạt dầm với me non ăn với bông điên điển thì không có món cá kho lạt nào sánh bằng. Giữa mùa lũ, cá linh bằng ngón tay cái thì kho mía hay kho khóm. Cuối mùa, khoảng tháng 11 âm lịch, cá linh to tròn bằng hai ngón tay thường được chiên xù, kho mặn hay nhận mắm và đều trở thành những món ăn ngon hiếm có. Có lẽ vì vậy mà các chợ cá mùa nước nổi, cá linh là tâm điểm trong món ăn của nhiều gia đình nên giá cả cũng không rẻ chút nào…

(Kỳ 2 – Thăm "ốc đảo" vùng biên… ) 

Quách Nhị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *