Lãnh địa những khu ổ chuột : Trong suốt 6 tuần của năm 2005, phóng viên ảnh Jonas Bendiksen đã sống trong một căn phòng bé xíu, ngột ngạt ở Kibera, khu ổ chuột lớn nhất tại Nairobi – Kenya.

"Tôi đã phá vỡ một số mẫu rập khuôn của chính mình về những nơi như thế này. Thứ mà tôi tập trung không phải là sự bần cùng, sự nghèo khổ tột bậc hay những khu ổ chuột tệ nhất, mà là cách con người xây dựng cuộc sống hàng ngày giữa muôn vàn thách thức như vậy".

Tại Kibera, Jonas đi thăm nhà thờ được dựng từ các vật liệu tạm như những ngôi nhà ở đây : sắt tây và bùn. Trong bức ảnh ở trên, một buổi lễ ở nhà thờ vào sáng chủ nhật đã đem người dân lại gần nhau.

Ngôi nhà yêu dấu : Một gia đình ở Kibera thư giãn trên bộ xa-lông cũ. Trong vô số những ngôi nhà mà Jonas từng vào thăm, phóng viên ảnh này thường chụp 4 bức tường và gắn chúng lại với nhau thành một ảnh toàn cảnh ở trong nhà. Khi đem ảnh ra triển lãm, Jonas chiếu các bức ảnh với kích cỡ thật sự lên 4 bức tường. "Phòng khách của họ cũng có những thứ như những người ở phương Tây có, nhưng đó là những thứ đã được họ cải tạo".

Những đốm lửa : Ánh đèn trong các ngôi nhà đã chiếu sáng cả một khu vực ở ngoại ô Caracas – Venezuela. Năm 2008, một bước ngoặt lịch sử lớn đã diễn ra : lần đầu tiên trên thế giới, số người sống trong các thành phố vượt quá số người sống ở khu vực nông thôn. 1/3 số cư dân thành thị – ước tính 1 tỷ người – sống trong các khu ổ chuột. LHQ dự đoán, con số này sẽ tăng gấp đôi trong 25 năm tới.

Định nghĩa "Khu ổ chuột" : Đây là một khái niệm rất mơ hồ. Theo định nghĩa của LHQ, định nghĩa khu ổ chuột chứa một vài yếu tố, gồm kiểu xây nhà, mức dịch vụ mà chính quyền cung cấp, sở hữu đất đai, tỷ lệ phạm tội, đói nghèo.

Kiêu hãnh và định kiến : Jonas đã tới thăm gia đình của một người đàn ông tên là Ritze Silva tại khu ngoại ô của thủ đô Caracas. Gia đình này gồm chồng, vợ và 3 con gái. Khi Jonas tới, Silva rất phấn khởi nói về gia đình và kế hoạch sơn lại ngôi nhà.

"Một số người nói về những vấn đề của họ. Một số khác nói về hy vọng và ước mơ. Đó là thứ mà các nhà báo và nhà nhiếp ảnh thường bỏ lỡ – chúng tôi quá tập trung vào những điểm tiêu cực. Chúng tôi mô tả một sự hiện diện không liên quan tới bạn…. nhưng trong khu ổ chuột, tham vọng luôn có thừa" – Jonas nói.

Cư dân khu ổ chuột : Người thợ mộc Santosh Lohar, vợ anh ta là Meena và con họ là Sandhya sống ở Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất tại Mumbai – Ấn Độ.

Jonas nói : "Tôi muốn cho mọi người thấy những con người sống trong những khu ổ chuột. Mọi người nghĩ về những người này như những tên tội phạm và gái mại dâm. Tuy nhiên, những người sống ở đây là các ông bố, bà mẹ. Họ sống một cuộc sống thường nhật với nhiều thách thức".

Dharavi cũng là nơi quay bộ phim Slumdog Millionaire dù Jonas chưa xem phim này.

Ước mơ nhìn thấu tương lai : Bức ảnh mô tả một đứa trẻ đang chơi đùa cùng với đèn màu trang trí cho một lễ cưới ở Dharavi.

Lấy cảm hứng từ sự ra đời của cậu con trai năm 2002, Jonas đã chụp những bức ảnh về khu ổ chuột. Phóng viên ảnh này nói : "Khi tôi trở thành một người cha, tôi bắt đầu nghĩ : Thế giới sẽ như thế nào khi con trai tôi bằng tuổi tôi bây giờ? Và lúc đó, tôi bắt gặp thống kê nói rằng, số dân sống tại những khu ổ chuột ở thành phố là nhóm phát triển nhanh nhất của dân số toàn cầu. Điều này khiến tôi thực sự bất ngờ".

Nền kinh tế của những khu ổ chuột : Một người đàn ông thò cổ ra khỏi cửa sổ của cơ sở tái chế ở Dharavi. Bên trong nhà kho, các cư dân thu thập và phân loại mọi thứ thu thập được từ khắp nơi trong thành phố : vỏ thùng dầu, các bộ phận của máy tính, quần áo… Các khu ổ chuột ở Mumbai là tổ của những hoạt động kinh tế quy mô nhỏ. Theo báo Guardian – Anh, có 250.000 cư dân khu ổ chuột tại Mumbai kiếm sống bằng phân loại, phân phát và bán vật liệu tái chế.

Từ góc nhìn của một cư dân khu ổ chuột : Dọc theo đường sắt chạy qua trung tâm Jarkarta – Indonesia, có một phụ nữ tên là Subur và đứa con trai 9 tháng tuổi của cô sống trên một cái ghế băng với vài tấm che tạm.

"Đó là căn phòng không có nội thất mà tôi đã chụp. Chiếc ghế chính là phòng của cô ấy. Tôi cố gắng nhìn xuống dưới đường từ chiếc ghế mà cô ấy đang sống".

Bức tranh về một gia đình : Tại Jakarta, những ngôi nhà trong khu ổ chuột thường bé hơn những nơi mà Jonas từng tới. Có một cặp vợ chồng với 3 cô con gái đang tuổi lớn sống ở một nơi như vậy. "Căn phòng chỉ có chỗ để ngồi, không thể đứng lên. Dù phòng đặc biệt nhỏ, nhưng nó rất gọn gàng. Ở đây bạn có thể thấy tất cả những thứ mà gia đình bạn cũng có : khung ảnh gia đình, giấy dán tường. Bất kể điều kiện sống như thế nào, chúng ta không nên chỉ tạo ra chỗ che mưa che nắng, mà phải tạo nên một ngôi nhà" – Jonas nhận xét.

Hoài Linh – VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *