An toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt là các loại rau sạch. Tại các tỉnh, thành ĐBSCL phong trào trồng rau sạch phát triển mạnh, trong đó nhiều hộ vươn lên khá giả nhờ trồng rau.
* Triệu phú… rau !
Men theo con đường đan nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến cánh đồng rau sạch ở ấp Thuận Phú B, xã Thuận An (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), hàng trăm héc-ta rau xanh ngát chạy ngút ngàn từ đầu ấp đến cuối ấp. Ở Thuận Phú B có nhiều hộ trồng rau, tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Hà được mệnh danh là “Vua rau diếp cá”. Anh Hà tâm sự: Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, sau khi lấy vợ được cha mẹ cho vỏn vẹn 1 công đất ruộng, làm quần quật nhưng chẳng đủ ăn. Đất ít trồng lúa không hiệu quả, anh Hà chuyển sang trồng rau các loại. Cứ tới vụ thu hoạch là gặp cảnh dội chợ – rớt giá, cuối cùng trắng tay. Suy nghĩ nát nước để tìm hướng đi riêng, anh Hà chợt nhớ đến loại rau diếp cá thường sống ở gần nhà. Đây là loại rau mà ai cũng ưa chuộng trong các bữa ăn hàng ngày, nhưng cả vùng ĐBSCL ít người trồng với quy mô lớn.
Anh Nguyễn Văn Hà bên ruộng rau sạch. |
Thế là anh lặn lội nhiều nơi để tìm mua khoảng 200kg giống rau diếp cá trồng 0,5 công. Anh cẩn thận làm bờ bao, lên liếp… trồng được 3 tháng thì rau cho thu hoạch đợt đầu. Thế nhưng, sau đó cả ruộng rau diếp cá bị vàng hoe rồi chết hết, chỉ còn một số rau nằm ở mé mương thì tươi tốt. Sau khi tìm hiểu anh Hà phát hiện loại rau này chịu sình hơn trên khô. Nắm được kỹ thuật, anh mạnh dạn thuê thêm 3 công đất để mở rộng quy mô trồng rau diếp cá. Khu đất được xới kỹ lưỡng rồi bơm nước lên tạo sình như sạ lúa. Lúc này rau giống mới được trồng lên, thấy anh làm ai cũng cười cho rằng “không hiệu quả”. Sau 3 tháng chăm sóc, ruộng rau diếp cá rất tốt và cho thu hoạch đợt đầu hơn 1 tấn rau. Những đợt tiếp theo rau đều trúng, kết quả cả vụ thu hoạch hơn 6 tấn rau, giá bán bình quân trên 6.000 đồng/kg; tổng thu được 36 triệu đồng, tính ra hơn 7 cây vàng (thời điểm năm 1999).
Trúng rau diếp cá, anh Hà liên tục mua đất để mở rộng diện tích. Từ 1 công đất ban đầu, nay anh có trong tay 12 công. Anh còn xây nhà tường kiên cố, lo cho 3 con vào đại học… tất cả đều từ rau diếp cá. Cái hay của anh Hà là không chỉ thành công trong việc trồng rau diếp cá sạch, mà anh còn là người đột phá đưa rau lên thị trường TP.HCM tiêu thụ với sản lượng lớn. “Rau quả và các mặt hàng nông sản khác, đầu ra rất quan trọng. Nếu trồng lớn thì các chợ nhỏ ở ĐBSCL tiêu thụ không hết, buộc phải cung ứng cho TP.HCM. Muốn vậy, rau phải chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghĩ vậy, tôi đem rau diếp cá lên các chợ đầu mối ở thành phố “tiếp thị”. Lúc đầu khó lắm, nhưng sau khi giải thích quy trình trồng rau sạch, hạn chế dùng thuốc trừ sâu… thì các đại lý tín nhiệm. Nhiều năm nay, mỗi ngày cung ứng cho thị trường TP.HCM hơn 2 tấn rau diếp cá. Nhờ đó nên có nguồn thu ổn định từ 300 triệu đồng/năm trở lên”- anh Hà cho biết.
Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, mô hình trồng rau diếp cá của anh Hà là một trong những thành công về việc phát triển rau sạch. Từ cách làm trên đã cuốn hút nhiều hộ khác làm theo, tạo nên vùng chuyên canh rau diếp cá rộng hàng trăm héc-ta.
* Phát triển vùng rau
Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cho biết, trong 10 năm gần đây diện tích rau ở vùng ĐBSCL phát triển rất nhanh và quy trình sản xuất mang tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Ước toàn vùng có khoảng 300.000ha đất trồng rau (trong đó khoảng 50.000ha rau sạch), tập trung chủ yếu ở Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… Nhờ ứng dụng kỹ thuật tốt nên năng suất rau trung bình đạt 15-17 tấn/ha. Rau sạch ở ĐBSCL không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn cung cấp chính cho thị trường TP.HCM và xuất khẩu sang Campuchia, Trung Quốc…
Tại An Giang, nhiều năm nay đã hình thành nên quy trình chặt chẽ từ trồng đến thu hoạch và tiêu thụ. Hầu hết các vùng trồng rau của An Giang đều có hệ thống thương lái đến đầu tư vốn cho nông dân, sau đó thu hoạch rau tận nơi, đóng gói và xuất sang thị trường Campuchia. Ông Trịnh Kim Thính, Phó Chủ tịch UBND xã Hội An, huyện Chợ Mới (An Giang), cho biết: Nghề trồng rau màu không ngừng phát triển và trở thành nguồn thu chủ lực của nhiều hộ dân. Những loại rau màu cao cấp như: cải, rau dưa, kiệu, khoai, hành… lúc nào cũng hút hàng. Theo ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh đã quy hoạch và chỉ đạo ngành nông nghiệp phát triển vùng chuyên canh rau sạch ở huyện Chợ Mới, An Phú, Phú Tân… để vừa cung cấp thị trường trong nước vừa phục vụ xuất khẩu quanh năm.
Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ), đánh giá cao những nông dân trồng rau ở ĐBSCL nắm rất rõ các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết đều tuân thủ về bón phân, hạn chế phun thuốc, cách ly thời gian thu hoạch đảm bảo an toàn; thậm chí nhiều nơi áp dụng trồng rau trong nhà lưới rất hiệu quả. Trở ngại hiện nay là chi phí đầu tư cho rau sạch khá cao, trong khi đầu ra chủ yếu vào các siêu thị, những cửa hàng ở TP.HCM, các cửa hàng của ngành nông nghiệp… Ngoài ra, giá bán cũng không chênh lệch nhiều so rau thông thường, vì vậy việc mở rộng diện tích rau sạch còn hạn chế.
Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL khẳng định rau sạch là hướng đi tất yếu, cần khuyến khích nhân rộng bởi nhu cầu đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao. Vấn đề là Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho nông dân, giúp họ an tâm đầu tư phát triển những vùng chuyên canh rau sạch. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Phạm Hoài An cho biết: Diện tích rau an toàn trên toàn tỉnh chỉ vài chục héc-ta, sản lượng và chủng loại làm ra không đủ cung ứng theo yêu cầu thị trường TP.Cần Thơ, TP.HCM. Trong thời gian tới, để rau an toàn phát triển và khẳng định được giá trị của sản phẩm, cần phải có sự phối hợp với các ngành liên quan trong việc hướng dẫn kỹ thuật, các văn bản quy định về rau an toàn. Mặt khác, cần có sự quan tâm, giúp đỡ về kinh phí, kỹ thuật từ tỉnh và các viện, trường, từng bước khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rau an toàn để sản phẩm làm ra luôn đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Theo Nguyễn Phú ( Hậu Giang Online)