Phải công nhận một điều rằng, ở Việt Nam, những nghệ sĩ sân khấu giỏi nghề, duyên dáng như Hoài Linh cũng không ít, nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, chưa ai có được sức hút như nghệ sĩ này. Để cắt nghĩa chuyện Hoài Linh trở nên đắt sô và ăn khách bậc nhất như hiện tại, chắc phải nhìn vào một số lý do…
Trong nhiều năm qua, Hoài Linh luôn dành nhiều tâm sức cho việc thờ phụng và giỗ Tổ ngành sân khấu. Giới làm nghề ở Sài Gòn nói ngoài phước phần gia đình dày dặn, Hoài Linh đang được Tổ đãi.
Thiên thời, địa lợi…
Năm nay 41 tuổi (sinh 1969 tại Cam Ranh, Khánh Hòa, quê quán Đại Lộc, Quảng Nam), sau khi sống di tản cùng gia đình ở nhiều nơi, Hoài Linh vào nghề sân khấu từ năm 1991, như một ca sĩ quần chúng, rồi diễn trong vở Tô Ánh Nguyệt tân thời cùng với Thanh Lộc. Trước đó, khoảng 1988-1990, Hoài Linh tự tập hát dân ca, luyện đài từ và học múa với vũ sư Đặng Hùng; khoảng 1990 thì đầu quân cho đoàn ca múa nhạc Ponaga. Qua Mỹ năm 1993, gia đình sống ở thành phố Orlando, bang Florida, Hoài Linh đi làm MC tiệc cưới. Tháng 10/1994, anh chuyển về California, được ca sĩ Thanh Tuyền và Trizzie Phương Trinh khích lệ, anh diễn tấu hài ở cà phê Tao Nhân. Tại đây, anh gặp danh hài Vân Sơn và tạo thành một cặp Vân Sơn – Hoài Linh ăn khách, ra nhiều băng đĩa, tham gia nhiều chương trình đại nhạc hội.
Đạo diễn Thái Hòa, người từng viết một số kịch bản cho Hoài Linh, nói về thời điểm này: “Đầu tiên, phải nhìn nhận là anh Hoài Linh được khán giả biết đến rất nhiều qua những băng đĩa của hải ngoại, mà ở thời điểm đó, được xuất hiện trên những băng đĩa này là một lợi thế rất lớn. Số lượng khán giả trong nước xem Hoài Linh qua băng đĩa khó mà thống kê hết, nhưng phải đến con số hàng chục triệu, nên anh Hoài Linh có một lượng người hâm mộ rộng khắp. Với một xuất phát điểm tốt như vậy, cộng với khả năng và nét duyên trời cho, những vai diễn ngày càng có chất lượng, nên anh Hoài Linh ngày càng thăng hoa trong lòng khán giả như ngày hôm nay cũng là điều dễ hiểu”.
Khi trở lại Việt Nam (khoảng 8/1996) để lo chuyện kết hôn với Thanh Hương, Hoài Linh làm album Tình karaoke để kỷ niệm với người mà mình đã yêu ở quán karaoke. Tháng 4/1997, anh bảo lãnh vợ sang Mỹ, định cư tại thành phố Garden Grove, California. Lần về nước này, Hoài Linh có dịp nhìn lại một lượt không khí của các sân khấu tại TP.HCM, được gặp nhiều nghệ sĩ mà sau này trở thành tâm giao trong nghề. Một trong những người có mắt xanh và mát tay với Hoài Linh là đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu. Những bản dựng của đạo diễn này đã góp phần đưa Hoài Linh lên “ngôi vị” cao nhất về cát-sê, có lúc vượt qua cả hai ngôi sao ca nhạc Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng.
Nhìn lại bối cảnh, phải nói thẳng một điều rằng khi Hoài Linh về Việt Nam diễn thường xuyên, lúc ấy khán giả đang khao khát một hình ảnh mới, một hương vị mới mà các nghệ sĩ ở trong nước chưa đáp ứng kịp; các danh hài “hot” nhất trước đó thì lại đang “tạm lắng”. Nói như đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc thì Hoài Linh luôn được lòng cả khán giả yêu thích giải trí và nhà quản lý văn hóa. Bà Ngọc cắt nghĩa: “Đa phần khán giả chịu bỏ tiền ra mua vé thì thích được giải trí, không thích sa vào những tác phẩm thể nghiệm rắc rối, nên các nhà sản xuất không dại gì mà không níu lấy Hoài Linh như một đảm bảo bằng vàng cho doanh thu. Ngay cả các nhà lãnh đạo ngành sân khấu cũng “vin” vào Hoài Linh, vừa có tiếng cùng “gu” giản dị với nhân dân, vừa cho thấy nhà nước biết trọng dụng nhân tài về từ hải ngoại”. Mà khi từ nhà quản lý, nhà sản xuất, rồi khán giả đều yêu thích, thì như một hiệu ứng dây chuyền, báo giới cũng không thể làm lơ, thành ra nổi tiếng càng nổi tiếng hơn. Hoài Linh hai lần đoạt giải Mai Vàng (2006, 2007) và một lần đoạt giải Cù Nèo Vàng (2009).
Năng khiếu, duyên sân khấu và có tâm
và các vai diễn…
Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hồng Vân, NSƯT Trần Ngọc Giàu, Phước Sang, danh hài Nhật Cường, danh hài Bảo Chung, danh hài Việt Hương… đều cho rằng Hoài Linh có duyên trời cho, khó ai phủ nhận được. Có những người ngoài đời rất có duyên nhưng mất sạch khi lên sân khấu, nhưng Hoài Linh thì có cả hai. “Sân khấu nào cũng cần một hai ngôi sao để hút khán giả, không có Hoài Linh thì Nụ Cười Mới khốn đốn, hoặc phải dẹp tiệm”, cố nghệ sĩ Hữu Lộc (ông bầu của sân khấu Nụ Cười Mới) từng tâm sự.
“Hoài Linh có những năng khiếu bẩm sinh về một số các vai già, giả gái, nhái tiếng các miền, đồng bóng, gay… mà khó ai qua được. Nếu đưa các vai khác như thanh niên trẻ đẹp thì sẽ không phải là sở trường. Điều quan trọng nhất của Hoài Linh là tinh thần hiếu học. Còn nhớ tháng 9/1995, một trong những kịch ngắn hài đầu tiên mà Linh thu video ở hải ngoại (kịch Con yêu, chuyển thể từ tranh Đánh ghen của làng Hồ), đóng chung với Hồng Đào, Minh Phượng, Vân Sơn, gần như Hoài Linh chưa biết kỹ thuật diễn xuất. Dần dần, Linh vừa đóng, vừa trau dồi thêm nghề từ những đạo diễn giỏi, bạn nghề chân tình, cộng thêm sự duyên dáng trời cho, đức tính khiêm tốn, chan hòa với đồng nghiệp, với khán giả… nên Hoài Linh đã tạo nên được thương hiệu cho mình”, Nguyễn Thị Minh Ngọc nhận xét.
Nhiều người ví Hoài Linh hôm nay với danh hài Bảo Quốc hồi thập niên 1980 (được khán giả gọi là vua hài) – người có công “đẻ ra” hình thức tấu hài sau 1975. NSƯT Bảo Quốc nói rằng ngoài tài năng và lòng yêu nghề, Hoài Linh là người dễ gần và tốt tính, luôn tôn trọng khán giả và đồng nghiệp. “Có tài và có duyên là một chuyện. Nhưng cái cách Linh nghiên cứu kịch bản, lắng nghe đạo diễn và đồng nghiệp, biết sửa đổi mình qua từng suất diễn, vai diễn… thì cũng đủ thấy được tương lai xán lạn. Từ mối quan hệ của bản thân, tôi ít khi nghe một đàm tiếu xấu nào về Linh, nên luôn hi vọng Linh sẽ còn đi xa hơn nữa”.
“Hoài Linh không đẹp trai, đã rõ, không nữ tính, giống gái, khỏi cần bàn… Thế nhưng khi anh giả gái thì lại rất đẹp, rất duyên. Các vai diễn giả gái đẹp là một thế mạnh và gần như không có đối thủ của Hoài Linh, một trong những lý do làm cho anh trở thành danh hài thu hút nhất hiện nay. Một lý do nữa là khả năng ứng biến trên sân khấu và cả ngoài phim trường, do quá đắt sô, việc tập dượt cho vai diễn với Hoài Linh có nhiều hạn chế, nhưng khi vào cuộc thì anh lại ứng biến hợp lý, tài tình. Về nguyên tắc diễn xuất thì có một công thức, một mẫu số chung, nhưng Hoài Linh luôn biết tìm ra cốt cách của nhân vật để thể hiện, qua đó làm lộ nét riêng của mình mà thường thì kịch bản không có; sau mỗi tác phẩm, người xem mê Hoài Linh một thì mê nhân vật của anh đến hai ba”, Phước Sang phân tích.
Danh hài Nhật Cường, hiện làm chung Công ty Đại Cồ Việt, thì nói rằng Hoài Linh thuộc kiểu người không biết cầu kì, tính tình giản dị, bình dân nên dễ thích hợp với nhiều hoàn cảnh nghệ thuật ở Việt Nam. Hơn nữa, sau khi trải qua nhiều giông tố của đời sống, với vốn sống phong phú, sự bắt chước điêu luyện, Hoài Linh luôn thừa kinh nghiệm cho những vai diễn mà kịch bản và đạo diễn muốn đo ni đóng giày cho anh.
“Ngoài đời, ai quen biết Hoài Linh thì đều khen tâm của Linh tốt. Chúng tôi vừa thực hiện DVD Ngọc trong tim để những ca sĩ, nghệ sĩ khuyết tật có dịp hát chung với các đồng nghiệp đã nổi tiếng như Hương Lan, Như Quỳnh, Thanh Lan… thì Hoài Linh đã nhiệt tình đóng trong một kịch ngắn với Phước “Bến Tre”, một nghệ sĩ khiếm thị, và không nhận thù lao”, Nguyễn Thị Minh Ngọc nói thêm.
Cao bồi trong phim cũng rất "có chất"
Đẳng cấp… ma vương!
Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc nói rằng trong giới sân khấu thường phân loại như sau: diễn tròn vai là diễn như người; diễn mà tạo được những nét độc đáo, khó có người vượt qua trong một số vai nào đó được coi như “ma”. Qua những thành quả mà Hoài Linh đạt được có thể phong Linh chức danh “ma vương”. Còn có một loại siêu phàm ngoại hạng, nội công thâm hậu, là phải diễn như “quỷ”; loại này khá hiếm ở Việt Nam, đếm chưa tới năm đầu ngón tay; Hoài Linh chưa chạm đến đẳng cấp này. Thế nhưng, những nghệ sĩ diễn như quỷ thì như “loài thú” quý hiếm, sắp tuyệt chủng, nên việc Hoài Linh trở nên được trọng vọng đặc biệt và bị nhiều đồng nghiệp ganh ghét ngầm, cũng có thể hiểu được.
Cũng có ý kiến cho rằng đẳng cấp của Hoài Linh đang bị đóng khung, vì các đạo diễn và nhà sản xuất muốn chọn giải pháp an toàn về mặt thị trường nên chưa dám giao những tác phẩm nặng đô, nhiều thể nghiệm. Cá tính của Hoài Linh lại thuộc kiểu người yêu nghề, cả nể, ít khi từ chối vai diễn, nên càng không có thời gian để đắn đo, chọn lựa.
Ngoài duyên và phước trời cho, biết quan hệ với đồng nghiệp, luôn được cộng đồng trong ngoài nước mến mộ, yêu quý, Hoài Linh là nghệ sĩ không quan trọng chuyện tiền bạc. Chính các lý do này, có thể thời của Hoài Linh còn kéo dài khá lâu. Nhưng nói như một nhà phê bình, nếu nền sân khấu (và điện ảnh) của một quốc gia chỉ biết sống còn và dựa vào một nhân tài cấp độ “ma vương” như Hoài Linh, thậm chí muốn coi Hoài Linh là khuôn mẫu để học tập, thì phải coi lại. Riêng giới làm nghề và khán giả thì luôn mong Hoài Linh tự đào luyện để thay đổi, biết đâu một ngày không xa, anh sẽ trở thành “quỷ vương” của nghề diễn.
Giả gái đẹp là một thế mạnh
Giới bầu sô trong nước và hải ngoại cho biết hiện cát sê của Hoài Linh cao nhất… Việt Nam, không có nghệ sĩ hay ca sĩ nào sánh được. Sức hút của Hoài Linh đủ để cải thiện việc bán vé từ ế sang đông khách cho bất kì sân khấu nào, loại hình nào, kể cả cải lương. Dù sức khỏe không được tốt cho lắm, do bản thân vốn ốm yếu và hay bệnh tật, nhưng từ nay đến Tết, Hoài Linh đã kín lịch cho sân khấu, phim điện ảnh, phim truyền hình; muốn mời nghệ sĩ này, đa phần phải đợi sang năm
Theo thethaovanhoa, tintuconline