Thần bản mệnh là thần phù hộ từng cá nhân. Bên cạnh tục thờ thần bản gia, tục thờ thần bản mệnh cũng khá phổ biến tại Vĩnh Long.
a/ Theo dân gian, một đứa trẻ khi được tượng hình do tinh huyết của cha mẹ rồi lọt lòng và phát triển thành một nhi đồng 12 tuổi… đều có những vị nữ thần phù hộ, gọi là thần độ sinh hay nôm na là “mẹ sanh”.
Hệ thống thần độ sinh đại khái có các vị thần coi việc sản dục như Kim Hoa Thánh mẫu (người Minh Hương gọi là Chú sanh Nương nương, người Việt gọi là Bà chúa Thai sanh, người Hoa quê ở Quảng Đông gọi là Huệ Phước phu nhân), coi việc thai sản và phù hộ trẻ sơ sinh. Dưới quyền Kim Hoa Thánh mẫu có 3 Đức thầy, tức ba vị Tổ sư ngành hộ sản : Tiên sư, Tổ sư, Chánh sư và thập nhị Huệ bà, tức 12 bà mụ, coi việc sinh đẻ trong từng con giáp. Khi trẻ lọt lòng có thập nhị Huệ bà, Lục cung Thánh mẫu và Thủy triều Long cung phù hộ, không phân biệt nam – nữ.
Chúng ta biết, trong các vị thần kể trên có Kim Hoa Thánh mẫu, 3 Đức thầy và thập nhị Huệ bà thuộc tín ngưỡng Hoa – Việt. Riêng Lục cung Thánh mẫu (nữ thần cai quản rừng xanh) và Thủy triều Long cung (nữ thần cai quản sông biển) vừa mang tính thiện vừa mang tính ác. Có lẽ đây là một dạng của nữ thần Thiên Y A Na đã bị Việt hóa thành thần bản địa.
b/ Cũng theo dân gian, một người trưởng thành từ 12 tuổi đến 60 tuổi đều có một vị thần hộ mạng, tục gọi “ông độ”, “mẹ độ”.
Ở Vĩnh Long có nhiều quan niệm, cách tính phức tạp. Quan niệm thứ nhất cho rằng Quan Công, Quan Bình Thái tử (con nuôi Quan Công), Ngũ công nương Phật (Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Vương Linh Quan, tức thần Thiên Lôi và Văn Xương Đế quân tức thần Văn học), Tử Vi Đại đế (vị Tinh Quân ở Bắc cực chuyên trị tà ma), cậu Trày, cậu Quý (hai con của nữ thần Thiên Y A Na) độ mạng phái nam. Còn thần độ mạng phái nữ là Cửu thiên Huyền nữ (nữ thần cai quản 9 tầng trời), Bồ Tát Quan âm, Chúa Tiên nương nương và Chúa Ngọc nương nương (hai dạng hóa thân của nữ thần Thiên Y A Na).
Đặc biệt ở Vĩnh Long còn có quan niệm Phật Tổ, Tử Vi Đại đế và Táo quân độ mạng phái nam. Cũng có quan niệm vị thần độ mạng phái nam là Ngũ đế (tức Thanh, Bạch, Hoàng, Xích và Hắc đế tượng trưng Ngũ hành). Hoặc cũng có vị thần độ mạng phái nữ là Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Thánh Anh La sát.
Riêng người Hoa ở Vĩnh Long cũng có quan niệm thần độ mạng nhưng rất đơn giản. Họ cho Tây Vương mẫu (vị nữ thần ở Điêu Từ cung, cai quản tất cả các vị thần tiên) độ mạng phái nữ, còn Quan Công độ mạng phái nam.
Qua hệ thống thần linh vừa kể, có rất nhiều vị thần xuất phát từ Nho giáo hoặc Đạo giáo. Nhưng bên cạnh cũng có nhiều vị thần xuất phát từ văn hóa Chăm. Xa hơn nữa còn có một số yếu tố văn hóa Bà-la-môn được tổ tiên chúng ta tiếp nhận qua người Chăm hay qua Phật giáo, như chằn Rashasa. Cuối cùng, do ảnh hưởng nhân vật Thiết Phiến công chúa (tức mẹ Thánh Anh Đại vương Hồng Hài Nhi) trong truyện Tây Du, chằn Rashasa trở thành nữ thần Thánh Anh La sát, mang tính ác nhiều hơn tính thiện. Tương tự, đối với dân gian, các vị Phật và Bồ tát đều trở thành độ mạng. Nhưng đây là các vị “thiên thần”, chỉ thường mà không “phạt”.
Riêng đối với người Hoa ở Vĩnh Long, do kết quả giao lưu văn hóa nên họ sẵn sàng chấp nhận những vị thần bản địa. Nhiều nhà cũng thờ cậu Trày – cậu Quý (hai người con của nữ thần Po Nagar) nhưng họ quan niệm thờ cho “vui cửa vui nhà” chớ không có sự suy nghĩ như người Việt. Ngoài ra còn có một số phụ nữ Hoa cũng thờ “Cửu thiên Huyền nữ, Thánh A La sát, chúa Tiên, chúa Ngọc” làm thận độ mạng. Trong tập tục tín ngưỡng của người Hoa cũng thấy vào hình bóng của các vị thần này nhưng thờ làm thần độ mạng là tục lệ của người địa phương.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long