Như chúng ta đã biết, ngôi chùa có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer. Ngoài niềm tin tôn giáo, nhất là niềm tin vào sự luân hồi, nhân quả… và tinh thần ngoan đạo, ngôi chùa còn gắn với người Khmer ở một khía cạnh khác. Đó là ngôi chùa cũng là nơi gìn giữ tro cốt của tổ tiên của các gia đình người Khmer. Trong mỗi ngôi chùa, nhất là những ngôi chùa xưa thường có nhiều ngôi tháp (chekđây hoặc muôi-trakôl) và đó chính là nơi mà các gia đình xây dựng để gửi tro cốt của những người quá cố của dòng họ mình. Những ngôi tháp này thường được xây dựng ở phía Đông và thường là phía trước của chùa, nhưng không được xây ngay trước chính điện. Trong chùa Kompong Rolin có các ngôi tháp là tháp của dòng họ Tà Chiêu hiện còn nhiều người sống ở phum Chơn, tháp của dòng họ Tà Chung hiện sinh sống tại phum Kandal, tháp Tà Hiu còn dòng họ ở phum Chơn, tháp Tà Sơn còn dòng họ tại phum Soaikha, tháp Tà Hiền còn dòng họ ở phum Chơn… Chùa Gò Xoài chỉ có 2 ngôi tháp thì một ngôi tháp là của một dòng họ ở Xóm Ruộng và tháp còn lại là thuộc một dòng họ ở xóm Gò Xoài. Chùa Phù Ly I (Đông Bình – Bình Minh) có hai tháp, trong đó, ngôi tháp phía Đông Nam là ngôi tháp để giữ tro cốt của một dòng họ của Tà Niêng (chekđây Tà Niêng). Đặc biệt tại Vũng Liêm có một họ – thuộc xã Trung Thành – khi chết thì sau khi thiêu, tro cốt được chôn dưới gốc bồ đề phía trước chùa. Đại đức Sơn Thới thuộc dòng họ này và là sư trụ trì chùa từ năm 1977 – 1991, từ trần năm 1997, xá lị của ông cũng đã được chôn dưới gốc bồ đề này. Tuy nhiên, đây chỉ là một phát nguyện của những người trong dòng họ này chứ không phải là một phong tục lâu đời, bởi vì theo vị trụ trì chùa thì theo ghi chép của các vị trụ trì trước thì cội bồ đề này là do Tăng thống người Tích Lan đã tặng cho Hòa thượng Kim Chim khi ông sang thăm Việt Nam (nghĩa là chỉ trong khoảng thời gian từ 1938 đến 1969). Cũng có khi, một ngôi tháp chỉ để dành để giữ tro cốt của các vị sư sãi. Trong tháp này có nhiều kệ, đặt ở những bậc cao thấp khác nhau và người ở bậc trên thì tro cốt được đặt ở bậc cao hơn. Ở một vài chùa, có thể có ngôi tháp chỉ dành cho một vị hòa thượng nào đó do uy tín và có công lao đối với ngôi chùa và đối với đệ tử nên khi viên tịch, các học trò của ông đã xây dựng riêng một ngôi tháp cho ông.

Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, hầu như tất cả thanh niên trên nguyên tắc từ 12 tuổi trở lên đều vào chùa để tu học. Việc tu học mang nhiều ý nghĩa : để báo hiếu cha mẹ, để học giáo lý và chữ Pali, học văn hóa (tiếng Khmer, toán… ), học cách thức làm lễ… Những thanh niên bắt đầu tu được gọi là sadi. Phải qua nhiều năm tu học và phải từ 20 tuổi trở lên, các sadi được tu ở cấp tỳ khưu và được gọi là các tỳ khưu. Thông thường, người ở phum sóc nào thì vào tu ở ngôi chùa của phum sóc đó, song cũng có trường hợp, người ta đến ngôi chùa thuộc các phum sóc khác để tu và cũng được tiếp nhận không khác gì người của phum sóc đó.

Mặt khác, trong một số họ, khi trong gia đình có người chết thì hoặc con trai, hoặc cháu nội hay cháu ngoại trai phải xuất gia một thời gian để báo hiếu, ít nhất là trong một tuần như các gia đình của một dòng họ ở phum Phnơl của xã Trung Hiếu. Phong tục này không phổ biến trong người Khmer ở Vĩnh Long nhưng khá phổ biến ở tỉnh Trà Vinh. Riêng tại các ấp thuộc xã Loan Mỹ (Tam Bình), trước năm 1975, người Khmer có tục cạo đầu để báo hiếu khi cha mẹ mất và vào chùa tu trong 24 giờ (bắt đầu từ khi đưa thi thể người quá cố đi thiêu), nhưng đến nay, phong tục này không thấy còn được thực hiện nữa.

Trong đạo Phật của người Khmer, cho đến nay ở một số nơi vẫn còn hình thức “tu thiếp” (sama dhit) của những người lớn tuổi, nhất là phụ nữ. Tại Vĩnh Long, được biết chùa Kỳ Son hiện vẫn còn tổ chức tu thiếp cho những người lớn tuổi. Trong xã hiện còn người biết hướng dẫn tu thiếp như Achar Thạch Hai, ông Thạch Suông đều ở ấp Kỳ Son (Prei Prek), Thạch Song (ở Tổng Hưng), Dương Sương (ở ấp Giữa)… Các vị này đã hoàn tục nhưng biết hướng dẫn tu thiếp. Người tu thiếp phải từ 50 tuổi trở lên. Thời gian mỗi lần tu thiếp kéo dài 5 tuần. Trong thời gian này, con cháu của người tu thiếp hàng ngày mang cơm nước lại cho những người này ăn. Khi nhập thiếp, những người này mời các sư sãi tụng kinh tại chùa và khi ra thiếp cũng tổ chức một lễ tụng kinh. Trong lễ này, gia đình cũng mời bà con đến dự để mừng cho họ được tu thành. Trong thời gian tu thiếp phải giữ bát giới : 1. Không sát sinh, 2. Không trộm cắp, 3. Không lấy vợ chồng của người khác, ly dục, 4. Không nói dối, 5. Không uống rượu, 6. Không sử dụng nước thơm (không trang diện), 7. Tu khổ hạnh, không ăn uống ngon, không nằm nệm… 8. Không ăn sai quy định (chỉ ăn từ mặt trời mọc cho đến 12 giờ trưa).

Ngoại trừ các dịp lễ, người Khmer thường đến chùa để cầu nguyện và dâng cúng thực phẩm, hoa quả, bánh… vào 4 ngày lễ là mùng 8, 15, 23 và ngày cuối tháng (1).

Đây là những ngày mà Phật tử đến chùa cầu nguyện và dâng cúng thức ăn cho các sư sãi và vì vậy mà trong một tháng, các sadi không phải đi khất thực trong 4 ngày này. Tại một nơi, Ban quản trị chùa chia các phum thuộc vào ngôi chùa đó thành các khu vực để dân cư trong mỗi khu vực phân công nhau lo việc lễ lạc trong chùa và thành các khu vực đi khất thực của các sadi. Khu vực này được gọi là “wện” và các sadi tuần tự đi khất thực từ wện này đến wện khác, mỗi wện vào một ngày nhất định theo một “lịch khất thực” do Ban quản trị chùa sắp xếp.

Một đặc điểm đáng chú ý là ngôi chùa của người Khmer không phải chỉ là nơi để sư sãi tu hành, tín đồ đến làm lễ, mà cũng còn là nơi để trẻ em Khmer trong phum sóc đến học tập. Hầu hết các ngôi chùa của người Khmer ở ĐBSCL cũng như ở Vĩnh Long đều có tổ chức các lớp học cho trẻ em, nhất là tiếng Khmer. Các lớp học này thường tập trung vào dịp hè, khi các em nghỉ. Chính vì vậy mà trong mỗi ngôi chùa đều có các phòng học cho trẻ em học tập. Ở một số nơi, trong điều kiện số học sinh Khmer ít, chưa thể mở lớp học song ngữ trong nhà trường phổ thông thì chính nhà chùa là nơi giúp các em học tiếng Khmer một cách tốt nhất.

TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

————————————————–

(1)Theo cách tính lịch của người Khmer thì lịch của họ là một loại âm lịch, mỗi tháng chia làm hai : nửa tháng đầu từ trăng khuyết đến trăng tròn gọi là thượng tuần trăng (kơt) và nửa tháng sau từ trăng tròn trở về trăng khuyết gọi là hạ tuần trăng (ruôs) và 4 ngày đi lễ chùa là :

– mùng 8 thượng tuần trăng, gọi là “thngây răm pay kơt”

– ngày rằm, gọi là “thngây sal phinbô” (ngày trăng tròn)

– mùng 8 hạ tuần trăng, tức là ngày thứ 23 của tháng, gọi là “thngây răm pay ruôs”

– ngày cuối tháng (ngày 29 đối với tháng thiếu hoặc ngày 30 đối với tháng đủ), gọi là “thngây sal kheđech”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *